Công nghệ thay đổi từng giờ nên khung pháp lý không thể chờ quá lâu

Công nghệ thay đổi từng giờ nên khung pháp lý không thể chờ quá lâu

“Vũ khí” cạnh tranh của công ty tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường cho vay tiêu dùng hấp dẫn. Dẫu vậy, để tiếp cận được thị trường, công ty tài chính cần phải đẩy mạnh số hóa.

Cạnh tranh bằng số hóa

Thói quen tiêu dùng đã và đang có sự thay đổi lớn, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi nhiều hoạt động được chuyển sang nền tảng online. Nắm bắt được xu hướng đó, những năm qua, các công ty tài chính tiêu dùng đã mạnh tay đầu tư chuyển đổi số. Trong đó, FE Credit là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong số hóa quy trình hoạt động.

Không chỉ đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, FE Credit liên tục mở rộng kênh kết nối và liên kết các phương thức thanh toán để tạo ra trải nghiệm liền mạch cho khách hàng từ khi bắt đầu đăng ký khoản vay tới quá trình sau giải ngân. Công ty đã liên tục triển khai và nâng cấp các ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, tiện lợi, an toàn và giải quyết những khó khăn của khách hàng một cách kịp thời.

Thực tế, từ nhiều năm qua, FE Credit được ví là “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty này đóng góp khoảng 40 - 50% vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Giai đoạn 2020 - 2022, dù lợi nhuận của FE Credit đi xuống, tỷ lệ đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ chỉ còn 28%, song lãnh đạo VPBank vẫn nhìn nhận, đây là mảng kinh doanh quan trọng của Ngân hàng.

Tại VietCredit, công ty này vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) về việc triển khai, cung cấp dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip với giải pháp chống giả mạo xác thực số FPT.IDCheck.

Để hoạt động hiệu quả, VietCredit tập trung quản trị rủi ro, kiểm soát chi phí hoạt động và có cách thức quản trị phù hợp. Vì vậy, trong quá trình phát triển, Công ty tối ưu hóa chi phí bằng việc áp dụng công nghệ số trong quá trình vận hành. Công ty tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp tài chính, trở thành trụ cột sinh lời trong những năm tiếp theo. Sau 4 năm phát triển và kinh doanh thẻ tín dụng nội địa, hiện tại, VietCredit đã phát hành được hơn 400.000 thẻ tín dụng.

Theo dữ liệu khảo sát của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) - nằm trong Top 3 thị phần (với 10,8%), 42% khách hàng được hỏi có nhu cầu về các khoản vay nhỏ để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu tức thời nảy sinh. Cùng với đó, 66% số khách hàng được hỏi sẽ lựa chọn việc tìm kiếm các giải pháp tài chính thông qua các kênh kỹ thuật số, đặc biệt là kênh mobile. Các sản phẩm cho vay nhanh, hạn mức nhỏ cung ứng trên nền tảng số đang là những yêu cầu mới của những người Việt trẻ.

Ý thức xu hướng tất yếu của ngành, trong 2 năm vừa qua, Mcredit đã liên tục nâng cấp hệ thống vận hành hiện có (Core Banking T24), đồng thời triển khai các ứng dụng, công nghệ mới (hệ thống Data Lake trên Cloud, AWS Cloud, AI bots, MFA, Digital workplace...), đẩy mạnh số hóa các quy trình hoạt động, tăng hiệu suất làm việc. Công ty cho biết, kết quả đạt được từ quá trình triển khai số hóa và tự động hóa tương đối ấn tượng, 27% chi phí thẩm định được tiết kiệm, chi phí vận hành liên quan đến giấy tờ và thủ tục khoản vay giảm 40% và 15% số lượng các quy trình vận hành nội bộ được tự động hóa hoàn toàn.

Mcredit hiện đã hoàn tất và tung ra sản phẩm cho vay nhanh, tự động hóa “full luồng” với các khách hàng tiếp cận trên kênh kỹ thuật số. Sản phẩm được xây dựng cho các khách hàng chỉ cần có căn cước công dân gắn chip điện tử, hạn mức phê duyệt tới 15 triệu đồng và toàn bộ quy trình từ lúc khách hàng chấp nhận đến khi giải ngân chỉ mất 6 phút.

“Chìa khóa” thu hút khách hàng

Bằng cách ứng dụng công nghệ, công ty tài chính sẽ biết được thói quen chi tiêu, nhu cầu mua sắm của khách hàng và tự động đưa ra lời mời chào cho vay. Nhưng cũng chính từ công nghệ, thị trường cho vay tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nếu như năm 2015, chỉ có vài công ty tài chính hoạt động thì đến cuối năm 2022, Việt Nam có 16 công ty tài chính, với tổng vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của các công ty tài chính ghi nhận mức tăng trưởng bình quân khoảng 20% trong các năm qua. Ước tính, khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng, tuy nhiên, số người tiếp cận được mới đạt 15 - 20%.

Lãnh đạo FE Credit cho rằng, tài chính tiêu dùng là phân khúc đại chúng, dư địa thị phần còn lớn và người dân sẽ rộng đường tiếp cận tài chính tiêu dùng hơn khi các công ty tín dụng tiêu dùng được nâng cấp cả về năng lực tài chính và quản trị điều hành và không ngừng đẩy mạnh số hóa.

Có thể thấy, diễn biến thị trường hiện nay gây ra khó khăn trước mắt cho các công ty tài chính, nhưng cũng là sức ép thúc đẩy số hoá để đảm bảo việc thông suốt cho vay và quản lý trong các điều kiện biến động, cũng như mở thêm kênh thuận lợi hơn cho người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với sự đầu tư và số hoá mạnh mẽ, các công ty tài chính tiêu dùng đang cung cấp nhiều sản phẩm mới cho thị trường. Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ.

Theo ông Lực, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các giao dịch điện tử có khả năng số hóa 100%. Bởi người tiêu dùng ngày càng có mong muốn cao hơn về tính thuận tiện và tốc độ ở các các sản phẩm, dịch vụ, nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các nhu cầu tín dụng cần được tiếp nhận và xử lý một cách đơn giản và nhanh chóng nhất, để đảm bảo đồng bộ với thói quen tiêu dùng phát sinh của khách hàng.

Mạng xã hội đang trở thành những nhân viên nghiên cứu thị trường tự động của các công ty cho vay. Bằng cách ứng dụng công nghệ, công ty tài chính sẽ biết được thói quen chi tiêu, nhu cầu mua sắm của khách hàng và tự động đưa ra lời mời chào cho vay. Nhưng cũng chính từ công nghệ, thị trường cho vay tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro. Các chuyên gia lấy ví dụ về hình thức cho vay ngang hàng. Mặt khác, công nghệ thay đổi từng giờ, nên khung pháp lý không thể chờ quá lâu.

TS. Trần Hùng Sơn, Trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM khuyến nghị, có thể đưa ra một khung thử nghiệm, quy định những giới hạn doanh nghiệp được phép làm, sau đó sẽ điều chỉnh dần theo thực tiễn, như cách mà nhiều quốc gia khác đang làm.

Tin bài liên quan