Ông Đặng Thành Tâm.

Ông Đặng Thành Tâm.

Vũ khí cạnh tranh để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu

(ĐTCK) Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), nắm bắt công nghệ sản xuất tiên tiến và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập là việc làm tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với xu thế toàn cầu và thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Trong những năm gần đây, việc Chính phủ đưa ra những cải cách về chính sách thu hút đầu tư, chính sách thuế đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn tồn tại một số rào cản nhất định trong việc kết nối một cách "đồng điệu" với các doanh nghiệp FDI.

Thứ nhất có thể kể đến hạ tầng công cộng của Việt Nam chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện. Hiện tại, nhiều tuyến đường đã không theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp, dẫn đến khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Thứ hai là vấn đề thiếu hụt lao động chất lượng cao ở một số địa phương đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi cần sử dụng lượng lao động lớn đã qua đào tạo.

Thứ ba là vấn đề rào cản về pháp lý, đơn cử như việc Luật Đất đai của Việt Nam không cho phép nhà đầu tư FDI dùng đất thuê lại trong khu công nghiệp làm tài sản đảm bảo để thu xếp nguồn vốn, điều này cũng là một hạn chế đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, sự thiếu hụt doanh nghiệp phụ trợ là một rào cản lớn nhất hiện nay.

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách rất tốt và khuyến khích đầu tư nước ngoài do xác định đầu tư nước ngoài là đầu tư rất quan trọng trong tỷ trọng tăng trưởng GDP và giúp đất nước phát triển, nhưng còn không ít địa phương và một số bộ, ngành vẫn không nắm rõ việc này.

Có những quan điểm cho rằng, không cần thu hút đầu tư nước ngoài vì xét cho cùng, việc đầu tư này cũng chỉ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, sẽ lấy đi nhiều hơn bỏ vào, sẽ tìm mọi lý do để gây khó dễ khi mà hệ thống pháp luật của chúng ta chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó là tiêu cực, tham nhũng vì lợi ích cá nhân, đây cũng là rào cản rất lớn làm khó khăn thêm cho đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài.

Có một thực trạng hiện nay là việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước vẫn rất hạn chế. Điểm đáng lo ngại về doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là kết nối chưa thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên trước tiên là vì nội lực doanh nghiệp Việt yếu, nên chưa tranh thủ được ngoại lực. Bên cạnh đó là do thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, các chính sách đầu tư, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ chưa có tác động đủ mạnh.

Trong thời kỳ hội nhập, một trong những điều kiện tiên quyết 
là doanh nghiệp phải nắm bắt được công nghệ sản xuất tiên tiến.

Với những kinh nghiệm thực tế của KBC, tôi thiết nghĩ, trước nhu cầu hội nhập và phát triển, nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu và thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp FDI, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt thời cơ, xây dựng thương hiệu, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, có phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hướng tới chuẩn mực toàn cầu. Trong đó, việc nắm bắt công nghệ sản xuất tiên tiến và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập là việc làm tiên quyết.

Tiếp theo, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tạo dựng mối liên kết thường xuyên và hoạt động kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp FDI bằng cách tham gia tích cực vào các hoạt động kết nối doanh nghiệp của Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề; chủ động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu liên kết, hợp tác.

Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp FDI hiện nay nằm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, nên doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính đến bài toán lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất phù hợp, nhằm kết nối một cách chặt chẽ và nhanh chóng nhất với khu vực doanh nghiệp FDI.

Cần học hỏi nghiêm túc các thông lệ kinh doanh quốc tế để giữ gìn uy tín, xây dựng doanh nghiệp cần minh bạch, rõ ràng, để thuận lợi khi hợp tác quốc tế. Nhiều doanh nghiệp FDI có mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam làm "vệ tinh", nhưng còn thiếu thông tin. Việc quảng bá, trao đổi thông tin liên kết cũng là việc làm cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập.

Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu. Doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt trong việc tiếp cận và thực thi các quy định nhằm giảm thiểu các rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty nước ngoài. Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam, bởi họ sẽ không thể tham gia chuỗi cung ứng quốc tế do không tuân thủ các quy định quốc tế nghiêm ngặt về đạo đức kinh doanh, cũng như tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế.

Tin bài liên quan