Trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và nội thất bắt đầu đón đơn hàng xuất khẩu trở lại. Ảnh: Đ.T

Trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và nội thất bắt đầu đón đơn hàng xuất khẩu trở lại. Ảnh: Đ.T

Xuất siêu đạt mức kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2023: Mừng ngắn, lo dài

0:00 / 0:00
0:00
Sau 7 tháng đầu năm, Việt Nam ước xuất siêu 15,23 tỷ USD - một con số có thể coi là kỷ lục. Nhưng đằng sau con số đó, vẫn còn những nỗi lo.

Xu hướng tích cực

Xuất siêu tiếp tục tăng cao, ước 7 tháng đầu năm là 15,23 tỷ USD - một con số có thể coi là kỷ lục. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đây chính là một điểm sáng đáng ghi nhận. Xuất siêu lớn là yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá…

Hơn thế, ở góc độ nào đó, còn có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, khi chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nếu tính theo phương pháp sử dụng, 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.

Vào thời điểm cuối tháng 6/2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất siêu hàng hóa của nền kinh tế là 12,25 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ 4,1 tỷ USD, tính chung thì vẫn có thặng dư thương mại và dịch vụ 8,15 tỷ USD. Còn hiện tại, chỉ riêng xuất siêu hàng hóa đã trên 15 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Một xu hướng tích cực khác, đó là không chỉ xuất siêu vẫn ở mức cao, mà tình hình xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu cải thiện. Nếu như 6 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 15,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%, nhập khẩu giảm 18,2%, thì sau 7 tháng, tốc độ giảm đã “hạ nhiệt”. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 13,9%, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%, nhập khẩu giảm 17,1% so với cùng kỳ. Thậm chí, tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước đó.

Trong báo cáo vừa được công bố với chủ đề “Sự ổn định quý giá”, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết, đã có “bất ngờ lớn” xuất hiện ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài. Theo HSBC, mặc dù xuất khẩu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5% (tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái - PV).

“Mặc dù điều này một phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, nhưng xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng”, các chuyên gia của HSBC nhận xét và cho rằng, mặc dù “còn sớm để nói”, nhưng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn. Đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn.

Trên thực tế, như Báo Đầu tư đã thông tin, Chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 7 đã tăng lên 48,7 điểm, cao hơn so với mức 46,2 điểm của tháng 6. Dù con số vẫn ở dưới 50 điểm, tức là vẫn cho thấy các điều kiện hoạt động sản xuất đã suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp, song lần suy giảm này khá nhẹ và nhẹ nhất trong thời kỳ này.

Chính ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cũng nói rằng, có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu có thể ổn định hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian 5 tháng qua.

Nỗi lo còn lớn

Kết quả nghiên cứu của S&P Global về Chỉ số PMI của Việt Nam cho thấy, nhu cầu nhìn chung vẫn yếu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu. Thậm chí, một số nhà sản xuất còn cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng châu Âu giảm. Các quy định về tăng trưởng xanh, trung hòa carbon… từ các đối tác châu Âu đang “làm khó” doanh nghiệp Việt.

Xu hướng “nhúc nhích” và tích cực hơn của thương mại hàng hóa Việt Nam là điều đáng mừng. Con số xuất siêu kỷ lục hơn 15 tỷ USD cũng vậy. Nhưng đằng sau con số đó, vẫn là nỗi lo lớn. “Nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng. Nhưng ở đây, lại là xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm và nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng nói như vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện này được nhắc tới. Nỗi lo suy giảm động lực sản xuất đã được đề cập rất nhiều, khi nhìn từ con số xuất siêu lớn. Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, nhập khẩu giảm, xuất siêu lớn là chỉ dấu cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 7 tháng đầu năm, nhập khẩu nhóm tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có lẽ cũng tương đồng với số liệu về sản xuất công nghiệp. Cụ thể, tháng 7/2023, dù sản xuất công nghiệp đã khởi sắc hơn, tăng 3,9% so với tháng 6/2023 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chung 7 tháng, vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thiếu đơn hàng xuất khẩu được coi là nguyên nhân khiến không chỉ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, mà là cả nền kinh tế gặp khó. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và chừng nào điều này còn tiếp tục, thì xuất siêu còn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu có thể ổn định hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian 5 tháng. Các công ty hy vọng, điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới.

Trong báo cáo của mình, HSBC cũng nhấn mạnh điều này. Theo HSBC, bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên. Dẫn thông tin về việc các tên tuổi lớn của thế giới, như Infineon, LG, Foxconn… tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, HSBC cho rằng, điều này mang tới hy vọng rằng, lĩnh vực giao thương của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi chu kỳ thương mại khởi sắc.

Trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo, tình hình kinh tế có thể tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng của Mỹ, EU...

Đồng thời, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa cơ hội phục hồi từ các thị trường đối tác lớn, truyền thống, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Việc tăng cường khai thác các thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Australia, châu Phi và Mỹ La -tinh... cũng được nhắc tới.

Khi thương mại khởi sắc, sản xuất sẽ được gỡ khó. Và lúc ấy, có lẽ sẽ không còn phải canh cánh nỗi lo đằng sau con số xuất siêu kỷ lục.

Tin bài liên quan