Xung đột lợi ích trong giao dịch với bên liên quan

Xung đột lợi ích trong giao dịch với bên liên quan

(ĐTCK) Công ty xây dựng A niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán có cơ cấu cổ đông 20% là Ban giám đốc và CBCNV, 40% là cổ đông nước ngoài, 20% là cổ đông tổ chức trong nước, còn lại là đại chúng.

Tuy nhiên, Ban giám đốc đồng thời chiếm đa số trong HĐQT và quyết định hầu hết các vấn đề. Công ty A sở hữu cổ phần tại Công ty xây dựng B và C lần lượt là 25% và 35%. Rất nhiều công trình xây dựng của Công ty A được giao cho Công ty B và Công ty C thực hiện.

Trong quá trình 2 năm theo dõi, cổ đông của Công ty A phát hiện Ban giám đốc nắm giữ số cổ phần lớn tại Công ty B và C, đồng thời là thành viên HĐQT tại hai công ty này. Vì thế, các cổ đông đã yêu cầu Công ty A mua thêm cổ phần tại Công ty B và C để đảm bảo nắm quyền chi phối tại 2 doanh nghiệp này, hoặc thực hiện thoái vốn hoàn toàn.

Các nhà đầu tư tổ chức nhìn nhận trường hợp trên như sau: Tỷ lệ sở hữu của Công ty A tại Công ty B và C là nhỏ. Do đó, lợi nhuận từ Công ty B và Công ty C không được hợp nhất vào Công ty A. Ngoài ra, việc Ban giám đốc Công ty A nắm giữ cổ phần tại Công ty B và C, đồng thời là thành viên HĐQT của cả 3 công ty này dễ dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích, có thể dẫn đến việc chuyển lợi nhuận từ Công ty A mà lợi ích của các thành viên này là nhỏ sang Công ty B và C. Do đó, trong trường hợp này, các cổ đông của Công ty A cần yêu cầu:

- Thành viên HĐQT, Ban giám đốc công khai các lợi ích của mình và người có liên quan tại Công ty B và C.

- Yêu cầu Công ty A thâu tóm chi phối Công ty B và C để đảm bảo hợp nhất lợi ích của cổ đông Công ty A và tránh được mâu thuẫn quyền lợi.

- Phương án mua lại và việc định giá phải thông qua một công ty tư vấn độc lập có tên tuổi để đảm bảo công bằng cho các cổ đông của cả bên mua và bên bán, đồng thời phải trình bày kế hoạch chi tiết lên ĐHCĐ.

- Cơ cấu cổ đông của Công ty A cần bầu thêm thành viên HĐQT đại diện cho quyền lợi của cổ đông và không phải là thành viên điều hành, hoặc thêm các thành viên HĐQT độc lập.

Trường hợp 4: Về đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính

TS. Nguyễn Thu Hiền,Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty Việt Nam

Xung đột lợi ích trong giao dịch với bên liên quan ảnh 1
Thứ nhất, về giải pháp minh bạch công khai, giải pháp ngăn ngừa xung đột lợi ích trong giao dịch với bên liên quan. Theo Luật Doanh nghiệp và Thông tư 121/2012/TT-BTC (Điều 23.1), để ngăn ngừa xung đột lợi ích, các thành viên HĐQT cần công khai khi có lợi ích với các bên có liên quan.

Trường hợp này, các thành viên HĐQT Công ty A đã không theo đúng quy định pháp luật, không tự nguyện công bố thông tin về quyền lợi có liên quan với Công ty B và C. Theo thông lệ tốt trong khu vực ASEAN (cụ thể tại Malaysia), các thành viên HĐQT phải công khai số ghế HĐQT họ đang nắm giữ tại các công ty đại chúng khác. Với thông lệ tốt này, cổ đông có điều kiện nhận diện các nguy cơ xung đột lợi ích, cũng như tăng cường giám sát các giao dịch giữa công ty với các bên có liên quan.

Như vậy, khi Công ty A thực hiện giao dịch với Công ty B và C thì các thành viên HĐQT có quyền lợi liên quan không được tham gia biểu quyết thông qua các giao dịch này. Theo thông lệ quốc tế trong khu vực ASEAN, ở một số nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines còn có quy định các thành viên HĐQT có quyền lợi liên quan không được có mặt trong các cuộc họp của HĐQT thảo luận và biểu quyết về các giao dịch có xung đột lợi ích.

HĐQT cần minh bạch trong công bố thông tin, nghiêm túc thực hiện các cơ chế ngăn ngừa xung đột lợi ích, không tham gia trực tiếp vào biểu quyết thông qua các giao dịch với các bên liên quan. Theo thông lệ quản trị công ty tốt của khu vực ASEAN, để đảm bảo công khai, minh bạch, các giao dịch với các bên liên quan trọng yếu cần có tiểu ban bao gồm các thành viên HĐQT độc lập xem xét, đánh giá tính hợp lý, cũng như tác động của các giao dịch này đối với công ty và cổ đông.

Thứ hai, về giải pháp mua lại Công ty B và C để hợp nhất lợi ích, tránh việc chuyển lợi ích từ A sang B, C. Giải pháp sáp nhập, mua lại không nên là giải pháp nhằm mục đích giảm xung đột lợi ích, vì mua bán, sáp nhập là quyết định trọng yếu, cần được xem xét dựa trên cơ sở chiến lược lâu dài, định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Phương án mua lại là một quyết định trọng yếu của doanh nghiệp, cần có bên độc lập tư vấn định giá, phát hành cổ phần, hoán đổi cổ phiếu. Các bên có quyền lợi liên quan không được tham gia vào quá trình biểu quyết.

Theo thông lệ trong khu vực ASEAN, các quyết định mua bán tài sản như thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp được xem là các giao dịch trọng yếu, có ảnh hưởng lớn đến lợi ích cổ đông. Để đảm bảo cho các quyết định này là an toàn, hợp lý, đem lại giá trị cho công ty và cổ đông, các quốc gia có quy định cần có một bên độc lập tham gia tư vấn, xem xét đánh giá và phân tích về tính hợp lý của thương vụ, về tính hợp lý của giá mua bán và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.

Thứ ba, về giải pháp tăng tính độc lập của HĐQT, giảm vai trò chi phối của các thành viên có liên quan. Giải pháp này giúp HĐQT hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa xung đột lợi ích, đảm bảo công bằng giữa các bên. Giải pháp này cũng giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt với yêu cầu của luật Việt Nam trong việc nâng cao quản trị công ty trong các doanh nghiệp đại chúng, đảm bảo tỷ lệ thành viên độc lập chiếm tối thiểu 1/3 số thành viên HĐQT. Việc tăng tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập giúp nâng cao tính khách quan của HĐQT, giảm mức độ ảnh hưởng của Ban điều hành và các bên có quyền lợi liên quan lên các quyết định của HĐQT.

Tin bài liên quan