Tâm lý nhà đầu tư bình ổn hơn sau giai đoạn biến động mạnh của thị trường trong năm 2022.

Tâm lý nhà đầu tư bình ổn hơn sau giai đoạn biến động mạnh của thị trường trong năm 2022.

Chứng khoán 2023: Những biến số cần lưu tâm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động từ vĩ mô toàn cầu, lãi suất tăng, nhưng xu hướng sẽ bớt khó khăn hơn năm qua.

Nhiều biến số

Năm 2023, nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu dự báo tập trung ở câu chuyện chính sách lãi suất, khi hầu hết các ngân hàng trung ương đã theo hướng thắt chặt để ứng phó với lạm phát. Đây có thể là năm bản lề cho sự đảo chiều chính sách tiền tệ, tuy nhiên điểm đảo chiều khả năng sẽ chỉ đến ở nửa cuối năm.

Hầu hết dự báo của các tổ chức lớn đều cho rằng kịch bản nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm” khó xảy ra, khả năng cao sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy thoái, bên cạnh đó là xung đột địa chính trị và làn sóng phi toàn cầu hóa. Cuộc chiến Nga - Ukraine trong năm 2022 làm dấy lên lo ngại về những xung đột tiềm tàng trong năm 2023.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, nền kinh tế trong nước sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 do ảnh hưởng từ bên ngoài. Những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện khi PMI tháng 11/2022 ở mức rất thấp do tình trạng thiếu đơn hàng. Chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với thế giới và những điều xấu nhất có thể vẫn còn ở phía trước.

Về mặt chính sách, thị trường ngóng chờ những giải pháp với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nổi bật là việc sửa đổi Nghị định 65, trong khi thị trường bất động sản dự báo tiếp tục ảm đạm và chỉ có thể tạo đáy sớm nhất vào cuối năm 2023 nếu có sự hỗ trợ chính sách, còn không sẽ phải chờ đến giữa năm 2024.

Dưới góc nhìn của ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), có 3 yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu tâm trong năm nay, đó là lãi suất, kênh dẫn vốn, lợi nhuận doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm với diễn biến của lãi suất, nếu lãi suất vẫn duy trì ở mặt bằng cao như hiện tại, không thể kỳ vọng thị trường có những đợt tăng mạnh.

Riêng về kênh dẫn vốn, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế khi thị trường trái phiếu có những vấn đề chưa được giải quyết. Có khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn trong năm nay, nếu như 130.000 tỷ đồng này được giải quyết một cách ổn thoả, thanh khoản thị trường cũng như tâm lý của nhà đầu tư sẽ trở nên tích cực hơn.

Trong khi đó, ở khía cạnh lợi nhuận doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát và lãi suất tăng.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhìn nhận, lãi suất là một yếu tố đáng lưu tâm trong năm 2023. Đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Vì thế, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng có xu hướng đi ngang trong biên độ lớn.

Câu hỏi đắt giá nhất trong năm 2023, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đó là khi nào thì các ngân hàng trung ương sẽ ngưng thắt chặt các điều kiện tài chính? Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các ngân hàng trung ương có thể đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được hay không. Hiện tại, nhiều ý kiến dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản trong năm 2023 và cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm.

Tương tự, các ngân hàng trung ương khác như ECB cũng có thể giảm tốc độ tăng lãi suất khi xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo dự báo của VNDIRECT, đợt giảm lãi suất điều hành sớm nhất sẽ diễn ra trong quý I/2024 và khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023, nếu như kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái.

Theo các diễn biến trong quá khứ, xác suất đợt giảm lãi suất đầu tiên thường xảy ra cách lần tăng cuối cùng khoảng 7 tháng. Rủi ro chủ yếu vẫn là lạm phát giảm song không thể xuống mức chấp nhận được, do đó, các ngân hàng trung ương không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục biện pháp thắt chặt tiền tệ.

Chọn hướng tiếp cận thị trường

Với bối cảnh như vậy, sự thận trọng cần thiết sẽ cần được đề ra trong năm 2023 và sự phân bổ tài sản chung cũng nên tương đồng với sự phân bổ tài sản toàn cầu. Phân bổ tỷ trọng thấp vào cổ phiếu, bất động sản và dành tỷ trọng cao hơn dành cho trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tốt là lời khuyên được nhiều chuyên gia phân tích đưa ra.

Thị trường chứng khoán năm 2022 biến động mạnh, sự sụt giảm quá mức dường như đã gánh một phần nào đó cho năm 2023. Ông Bùi Văn Huy cho rằng, thị trường đang khởi đầu năm 2023 với mức định giá ở vùng thấp nhất trong vòng nhiều năm và quan trọng nhất là chúng ta đã chuẩn bị được tâm thế cho năm 2023, đó là hiểu những khó khăn và sẵn sàng đương đầu với nó. Điều này rất khác so với cách mà đa số trong chúng ta bắt đầu năm 2022, với sự hân hoan và không chuẩn bị cho mình những chiến lược phù hợp để ứng phó.

“Nhiều nhà đầu tư bắt đầu năm 2022 trong một tâm thế quá lạc quan nên mới bị những cú đấm bất ngờ của thị trường. Nhưng ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư đã lường trước được các khó khăn với một tâm thế sẵn sàng, điều này sẽ giúp thị trường vượt bão”, ông Huy kỳ vọng.

Thị trường chứng khoán năm 2023 dự báo sẽ có nhiều thử thách, nhưng theo chuyên gia DSC, sẽ theo hướng “tiền hung - hậu cát”, về cuối năm mọi khó khăn sẽ dần qua đi. Một năm xấu cho kinh tế nhưng không quá xấu cho thị trường chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư, theo DSC, cần chia ra hai khung thời gian, trước khi tạo đáy thực sự và sau khi tạo đáy.

Trước khi tạo đáy, cần ưu tiên các nhóm ngành phòng thủ, tuy nhiên mức định giá của các nhóm này cần được cân nhắc, các cổ phiếu phòng thủ mà đắt quá thì không nên tham gia. Nửa sau của năm 2023, khi thị trường tạo đáy và vĩ mô dần cải thiện, nhóm ngành mang tính “tấn công” là mục tiêu để tham gia khi thị trường bắt đầu một chu kỳ mới. 2023 có khả năng là năm chuyển pha của thị trường và chiến lược luân chuyển nhóm ngành cần linh hoạt.

Đơn cử, trong giai đoạn đầu năm, khi thị trường được dự báo chưa tạo đáy thì nhà đầu tư nên ưu tiên thực phẩm đồ uống, hàng không, điện, nước, công nghệ…, còn giữa và cuối năm khi có dấu hiệu tạo đáy thì ưu tiên nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, thép, vật liệu xây dựng…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Agriseco

Lạm phát trong nước được kiểm soát tốt trong năm 2022, nhưng áp lực cho năm 2023 là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn ở mức cao có thể khiến thị trường tài chính biến động, dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư ít rủi ro hơn.

Dù vậy, trong ngắn hạn, tôi chưa nhìn thấy các lý do để thị trường cổ phiếu giảm mạnh, vì trước đây có những lý do như giải chấp margin, nhưng giờ đã giải chấp xong, tín dụng cũng đang nới room. Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường, tránh mua đuổi và hạ tỷ trọng đòn bẩy.

Về trung hạn, thị trường tăng hay giảm còn phụ thuộc vào triển vọng kinh tế, nhưng sẽ không xuống sâu, mức giá này vẫn đang rất hợp lý. Nhà đầu tư có sẵn tiền mặt có thể tích lũy tại nhịp điều chỉnh của thị trường.

Ông Võ Văn Minh, Giám đốc ACBS Chi nhánh Cách Mạng Tháng Tám

Thị trường chứng khoán hiện tại đang xuất hiện hai động lực tăng trưởng. Thứ nhất là nền giá thấp, với P/E 10 - 11 lần, tương đương giai đoạn khủng hoảng hệ thống ngân hàng 2012, hay khủng hoảng do Covid đầu năm 2020. Khi vĩ mô ổn định và lãi suất hạ nhiệt, hoạt động kinh doanh của các công ty sẽ hiệu quả hơn, khi đó thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Thứ hai, quyết tâm của Chính phủ phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế trong thời gian tới, như nâng hạng lên thị trường mới nổi trước năm 2025. Khi đó, nguồn vốn nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam với tỷ trọng nhiều hơn.

Nhà đầu tư có thể tham khảo 3 cấu phần quan trọng trong chiến thuật đầu tư hiệu quả năm 2023. Thứ nhất là chọn cổ phiếu bằng phương pháp phân tích cơ bản từ trên xuống. Bắt đầu từ vĩ mô đến vi mô, sau đó mới chọn nhóm ngành, từ đó chọn lọc những cổ phiếu có nền tảng tăng trưởng tốt. Thứ hai là xác định tầm quan trọng của việc kiểm soát rủi ro để tăng hiệu quả đầu tư. Thứ ba là áp dụng phương pháp mô phỏng dựa trên bối cảnh tương đồng, có thể so sánh thị trường chứng khoán hiện tại với các bối cảnh tương đồng trong quá khứ, hay thị trường các nước có nét tương đồng trước đây để đưa ra quyết định đầu tư.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank

Lạm phát hiện nay ở một số quốc gia đã tạo đỉnh, tuy nhiên đó là lạm phát bình thường, còn lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đi sát với nền kinh tế hơn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lạm phát kéo dài sẽ gây hại cho nền kinh tế và thị trường tài chính.

Trong nửa đầu năm sau, thị trường chứng khoán có thể chưa thật tích cực, nhất là khi dòng tiền đang yếu dần. Đến nửa cuối năm, xu hướng thị trường có thể tích cực hơn, nhưng khó chạy vù vù như năm 2021.

Có thể nhận thấy một số ngành sẽ có điểm sáng như vận tải hàng không, thực phẩm, năng lượng tái tạo, công nghệ và tiêu dùng. Ngoài ra, những ngành xuất khẩu, thủy sản có thể hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa nhưng không bằng những ngành trên.

Trong nửa đầu năm, nhà đầu tư nên tránh những ngành như tài chính - ngân hàng, bất động sản.

Nhà đầu tư cũng nên đợi ra Tết để xem xét thị trường. Nếu có những dấu hiệu rõ ràng về dòng tiền, hãy tham gia mua dần.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Năm 2023, nhà đầu tư có thể chú ý những nhóm có tăng trưởng tốt như dòng cổ phiếu ngân hàng (có vốn hóa tốt, tăng trưởng ổn định). Thứ hai là nhóm cổ phiếu ngành sản xuất, thực phẩm, bởi đây là nhóm có tính phòng thủ, né tránh được lãi suất cao. Thứ ba là nhóm cổ phiếu du lịch, vận tải hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm 2023. Thứ tư là nhóm cổ phiếu công nghệ. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngành điện, nước. Trong các nhóm cổ phiếu chiến lược kể trên, nhà đầu tư có thể cân nhắc dành tỷ trọng cao cho cổ phiếu ngân hàng, sản xuất thực phẩm.

Đối với nhóm cổ phiếu cần đưa vào danh mục theo dõi, theo tôi, nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm cổ phiếu đầu tư công, bất động sản, dầu khí.

Về cổ phiếu đầu tư công, nhà đầu tư nên theo dõi, chưa đặt kỳ vọng quá lớn bởi cần xem phản ứng của thị trường với việc triển khai các chính sách đầu tư công ra sao. Về nhóm dầu khí, nhà đầu tư cũng nên theo dõi bởi giá dầu đã neo ở mức cao, tuy nhiên không phải theo dõi bởi biến động của giá dầu mà việc triển khai các dự án mới trong năm sau là cơ hội lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, mỏ khí…

Về nhóm bất động sản, đầu năm 2023, thị trường bất động sản kỳ vọng có hiệu ứng tăng room tín dụng, các định hướng chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, đặc biệt là giải quyết vấn đề thủ tục pháp lý các dự án. Tuy nhiên, chính sách có tác động tới thị trường hay không còn phụ thuộc vào chính sách của doanh nghiệp bán hàng. Kết quả bán hàng sẽ được phản ánh vào quý III, quý IV/2023, bởi vậy nhà đầu tư cần quan tâm theo dõi.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị 65, trong đó có nhiều điều khoản tác động tích cực về mặt tâm lý, giảm áp lực đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho tổ chức. Một khi thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn sẽ tác động trực tiếp lên thị trường chứng khoán năm 2023, vì ngành bất động sản thuộc Top 2 ngành có thanh khoản và tác động lớn lên thị trường chứng khoán, chỉ sau ngân hàng.

Tin bài liên quan