Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (đứng giữa) trao đổi cùng đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan tới Dự thảo Luật

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (đứng giữa) trao đổi cùng đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan tới Dự thảo Luật

Đâu là “vùng cấm” trong kinh doanh?

Ủng hộ quy định mang tính đột phá của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), song các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, điều quan trọng là phải khoanh được “vùng cấm”, cũng như xác định cụ thể những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhiều điểm mới, tiến bộ, thậm chí là mang tính đột phá… Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội khi góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày hôm qua (17/6) tại nghị trường. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với điểm sửa đổi quan trọng là, không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

“Đó là một bước thể chế hóa quy định của Hiến pháp về việc người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chia sẻ.

Bước chuyển đổi từ được “kinh doanh những gì pháp luật cho phép” sang “kinh doanh những gì pháp luật không cấm” được coi là một bước đột phá quan trọng. Thậm chí, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), việc soạn thảo xây dựng Luật còn có một cách tiếp cận “chưa từng có” trong lịch sử xây dựng pháp luật kinh doanh. “Tôi ủng hộ việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh, bởi như thời gian qua, nhiều DN để đề phòng, đăng ký ngành nghề kinh doanh dài tới mấy trang giấy, cơ quan nhà nước thì lúng túng trong ghi mã ngành nghề, khổ cả hai bên”, ông Lộc nói.

Mặc dù vậy, một điều quan trọng, theo các đại biểu Quốc hội, để Dự thảo Luật khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN, thì phải ban hành kèm theo danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Không nên hạn chế, cấm đoán một cách tùy tiện, mà phải được quy định cụ thể trong Luật. Và cũng không nên quy định ở nhiều luật chuyên ngành, mà nên rà soát để thống nhất một danh mục ban hành kèm theo Luật DN sửa đổi để tránh phiền hà cho DN”, đại biếu Phùng Đức Tiến nói.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, danh mục ngành nghề cấm và có điều kiện kinh doanh chính là yếu tố xương sống, mang tính quyết định tính khả thi của Luật. “Danh mục này phải mang tính thống nhất, phù hợp với điều kiện hiện tại của nền kinh tế, tránh chồng chéo với các luật khác. Trong giai đoạn giao thời, nên có cơ chế để các DN kinh doanh trong các ngành nghề bị dịch chuyển từ không cấm sang cấm, hay từ không có điều kiện sang có điều kiện có thời gian chuẩn bị”, bà Ánh Tuyết bày tỏ quan điểm.

Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được đề cập khá nhiều trong thời gian qua, khi Dự thảo Luật DN sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến công luận. Việc xây dựng một danh mục các ngành nghề cấm và có điều kiện kinh doanh là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây là một công việc không hề đơn giản, bởi hiện tại có khoảng 330 ngành nghề thuộc diện kinh doanh có điều kiện, và lại được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chứ không thống nhất trong mục danh mục, chẳng khác nào “ma trận”. Gỡ được ma trận này, xây dựng được một danh mục thống nhất, mới đảm bảo được sự minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Việc công bố công khai danh mục ngành nghề cấm, hạn chế kinh doanh giúp DN dễ dàng tìm thấy và biết những gì mình bị hạn chế, không phải xới tung các văn bản pháp luật như hiện nay”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, ông Lộc lại là một trong những người có quan điểm rất khác trong việc giao trách nhiệm ban hành danh mục cho cơ quan nào. Trong khi đa phần đại biểu, trong đó có đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, danh mục phải được ban hành kèm Luật, và khi sửa đổi phải được Quốc hội thông qua, tránh tình trạng thường xuyên điều chỉnh, gây xáo trộn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, thì ông Vũ Tiến Lộc lại cho rằng, nên giao việc này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, chứ không nhất thiết có một văn bản cấp Chính phủ thông qua.

Trên một khía cạnh khác, khi thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cùng với việc thoáng ở khâu gia nhập thị trường, thì phải đảm bảo có chế tài để hậu kiểm tốt hơn các DN đã được thành lập, tránh tình trạng có DN ma, thành lập chỉ để buôn bán hóa đơn lòng vòng.

“Năm 2005, chúng ta có gần 200.000 DN đăng ký thành lập, nay đã tăng lên gấp ba, khoảng hơn 620.000 DN. Nhưng chỉ 57% trong số này còn đang hoạt động, số còn lại, DN nào đã phá sản, ngừng hoạt động, hay hiện nay ra sao thì lại không quản lý được. Do vậy phải có cơ chế phối hợp liên ngành để tăng cường hậu kiểm. Hậu kiểm không hẳn chỉ là để quản lý DN, mà còn là để có những điều chỉnh chính xác, kịp thời các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích DN hoạt động sản xuất - kinh doanh”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ quan điểm.

Tin bài liên quan