Cạnh tranh cho vay giữa các tổ chức tín dụng gia tăng

Cạnh tranh cho vay giữa các tổ chức tín dụng gia tăng

Dịch vụ "cứu cánh" lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù kết quả 6 tháng đầu năm 2023 khá khả quan tại đa số ngân hàng, nhưng lợi nhuận trước thuế cả năm dự báo sẽ được “cập nhật lại” theo hướng giảm tốc.

Tín dụng là số 1, hệ sinh thái xếp thứ 2

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Vietcombank đang giữ vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng với lợi nhuận trước thuế đạt gần 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 14%, đạt 28.223 tỷ đồng, bên cạnh thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán.

Tại MB, để có được con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm 2023 tăng 7,1%, đạt 12.735 tỷ đồng, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng với dư nợ hợp nhất tăng 10,6% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ quý II tăng 6,8%, quý I tăng 3,7%.

Với VPBank, tính đến cuối tháng 6/2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt gần 8.000 tỷ đồng. Tín dụng hợp nhất tăng hơn 10% so với đầu năm 2023, trong đó ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, vượt trội so với mức trung bình ngành 4,7%, nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Riêng dư nợ tín dụng của phân khúc khách hàng cá nhân đạt trên 220.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm.

Sáu tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng đạt tổng thu nhập hoạt động gần 10.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt gần 1.590 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu. Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ thu nhập lãi, đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ.

TPBank tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan trong nửa đầu năm 2023 khi đạt gần 3.400 tỷ đồng. Mặc dù nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

“Kết quả này đến từ việc không ngừng tăng trưởng về quy mô hoạt động và mở rộng tệp khách hàng cả về chất và lượng, thông qua nền tảng ngân hàng số vững mạnh để đa dạng hóa về dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng”, một lãnh đạo cao cấp TPBank cho hay.

Trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận đến từ dịch vụ, VPBank ghi nhận nguồn thu gia tăng từ các hoạt động phi tín dụng nhờ lực đẩy của hoạt động thanh toán, đồng thời là kết quả của quá trình đầu tư đẩy mạnh số hóa, công nghệ và gia tăng trải nghiệm khách hàng trong những năm gần đây. Theo đó, nửa đầu năm 2023, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất tăng gần 23% so với cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ tăng 35% nhờ hoạt động dịch vụ thanh toán.

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank chia sẻ: “Tính tới cuối quý II/2023, số lượng người dùng của nền tảng ngân hàng số VPBank NEO cán mốc 7 triệu khách hàng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm nay, riêng khối khách hàng cá nhân ghi nhận thêm gần 2 triệu khách hàng, nâng tổng số khách hàng của khối lên gần 10 triệu người. Cùng với đó, tệp khách hàng CAKE thu hút thêm hơn 700.000 người dùng, góp phần mở rộng quy mô tệp khách hàng của hệ sinh thái VPBank lên 28 triệu người”.

Tương tự, trong nửa đầu năm 2023, MB Group đã triển khai các dự án nhà máy số, sáng kiến nền tảng, giúp thu hút 4 triệu khách hàng mới, lũy kế đến cuối tháng 6 có gần 23,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 300.000 khách hàng doanh nghiệp.

Techcombank đánh dấu nửa đầu năm 2023 có thêm 1,4 triệu khách hàng mới, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái, nâng tổng số lượng khách hàng lên 12,2 triệu.

“Kết quả thu hút hơn 1,4 triệu khách hàng mới đến với Techcombank chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều hơn cả năm 2022 cộng lại, là nhờ sự kiên định thực thi chiến lược “Khách hàng là trọng tâm”, cũng như chú trọng đầu tư cho các sản phẩm số hóa, được tinh chỉnh phù hợp theo nhu cầu cá nhân hóa ngày càng cao của các khách hàng”, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank nói.

Một số ngân hàng được đánh giá cao

Nguồn thu của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, nền tảng tăng trưởng dài hạn của MB vẫn vững chắc với lợi thế chi phí vốn trong nhóm thấp nhất thị trường và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, cùng sự hỗ trợ của cổ đông lớn Viettel. Cổ phiếu MBB đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B 1,2 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm là 1,5 lần và 0,9 lần giá trị sổ sách dự phóng năm 2023. Dự báo, MB sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kép trên 15% trong 3 năm tới, sau khi tăng trưởng trung bình 30% trong 3 năm qua.

Với VIB, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt trên 10% trong nửa cuối năm 2023, nhờ nền lãi suất thấp và kinh tế dần hồi phục sẽ làm tăng nhu cầu vay mua nhà và chính sách giảm 50% thuế trước bạ sẽ kích thích mảng vay ô tô. Thêm vào đó, việc duy trì chính sách thả nổi lãi suất và có tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân cao (88% trong quý I/2023) sẽ giúp biên lãi ròng của VIB năm nay duy trì trong khoảng 4,5 - 4,7%. Ngoài ra, VIB chứng kiến chất lượng tài sản dần ổn định khi tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,45% trong quý II/2023, từ mức 2,6% trong quý I/2023.

“Kỳ vọng, VIB sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng 15,3% trong 2 năm tới. Hiện tại, cổ phiếu VIB đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B 1,6 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 3 năm là 2 lần và 1 lần giá trị sổ sách năm 2023 theo dự phóng của chúng tôi”, ông Hinh chia sẻ.

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 là khả quan tại đa số ngân hàng, nhưng theo các chuyên gia phân tích, lợi nhuận trước thuế dự phóng cả năm 2023 sẽ được “cập nhật lại” theo hướng giảm tốc ở một số nhà băng do biên lãi ròng có thể giảm mạnh hơn dự kiến, tỷ lệ nợ xấu hình thành cao hơn dự kiến (TPBank, HDBank), hoạt động tài chính tiêu dùng yếu hơn dự kiến (VPBank)…

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Xếp hạng tín nhiệm định chế tài chính, FiinRatings nhận định, nợ xấu gia tăng trong 2 quý vừa qua là kết quả đã được dự báo từ những khó khăn gần đây của thị trường vốn, với sự suy thoái của thị trường bất động sản và tình trạng mất khả năng thanh toán của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 tăng mạnh trong 1 năm rưỡi trở lại đây sẽ tiếp tục gây áp lực lên nợ xấu trong 12 tháng tới. Song song với đó, áp lực về chất lượng tài sản có thể kéo dài ngoài dự kiến, tùy thuộc vào hiệu quả của các chính sách hỗ trợ cũng như các khoản nợ được cơ cấu lại.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá triển vọng của lĩnh vực ngân hàng ở mức “Ổn định”. Về trung và dài hạn, việc duy trì chính sách quản trị rủi ro phù hợp với năng lực cho vay, phân bổ danh mục cho vay phù hợp với chất lượng tín dụng của khách hàng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các ngân hàng thương mại”, ông Quân nói.

Tin bài liên quan