Các kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp bảo hiểm đang bị đình lại vì thiếu quy định hướng dẫn

Các kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp bảo hiểm đang bị đình lại vì thiếu quy định hướng dẫn

Doanh nghiệp bảo hiểm “ngóng” hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được thêm phản ánh của doanh nghiệp ngành bảo hiểm về tình trạng nhiều hoạt động kinh doanh bị ách tắc do quy định cũ hết hiệu lực, quy định mới chưa được ban hành.

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, nhưng cho tới nay, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật vẫn chưa được ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp bảo hiểm bối rối không biết phải triển khai ra sao.

Chẳng hạn, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã bãi bỏ quy định việc đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty bảo hiểm phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, thay vào đó là thông báo cho cơ quan này trước khi có thay đổi... nhằm cắt giảm thủ tục hành chính. Luật cũng bổ sung quy định về an toàn tài chính, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc ra sản phẩm mới, bổ sung yêu cầu công khai thông tin… Tuy vậy, chưa có văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp chưa thể triển khai các quy định này.

“Doanh nghiệp bảo hiểm đã có mấy năm “nghỉ đông” do đại dịch Covid, giờ thị trường sôi động trở lại nhưng gần như án binh bất động vì chờ nghị định, thông tư hướng dẫn luật mới. Ủ sẵn sản phẩm mới đột phá, nhưng chúng tôi vẫn chưa được trình làng”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc trống vắng Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm còn ảnh hưởng đến chế độ báo cáo tài chính, việc ra sản phẩm mới, khiến cho công ty doanh nghiệp vận hành gián đoạn, không liên tục, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Được biết, trên cơ sở kế hoạch được Bộ Tài chính trình Chính phủ, ngày 1/8/2022, Thủ tướng có Quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; thời hạn trình Chính phủ ngày 15/11/2022.

Theo đó, để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường, cần thiết phải ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm để tránh khoảng trống pháp lý khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Hiện Nghị định cũng đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mong sớm hết khoảng trống pháp lý

Theo Quyết định số 917/QĐ-TTg, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định này bao gồm đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, có một vài lý do dẫn đến việc Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chậm ban hành so với dự kiến.

Thời gian gần đây, trên thị trường bảo hiểm liên tục xảy ra nhiều vụ việc lùm xùm, như việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng, một số loại bảo hiểm bắt buộc chưa được thực hiện nghiêm, thủ tục chi trả bảo hiểm còn gây khó khăn cho người mua… Nổi cộm là việc lần đầu tiên trên thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố cáo của công dân sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an về việc gửi tiền tại một ngân hàng có dấu hiệu bị lừa đảo mua bảo hiểm.

Những vụ việc trên khiến cho cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật cần thêm thời gian để rà soát kỹ các quy định, nhất là những quy định về sản phẩm, kênh phân phối, đào tạo, chế tài xử phạt đối với trường hợp sai phạm nhằm chấn chỉnh lại trật tự trên thị trường bảo hiểm, tạo niềm tin cho khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để tăng cường trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn sản phẩm, trong các văn bản hướng dẫn Luật, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, thông tin cho bên mua bảo hiểm, quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong đại lý tổ chức; bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đối với kênh ngân hàng.

Ngoài ra, còn một lý do là Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực sớm hơn 6 tháng so với dự kiến ban đầu (theo kế hoạch ban đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023), nên có thể các văn bản dưới Luật chưa sẵn sàng ban hành ngay được.

Trên thực tế, tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư cũng từng diễn ra ở các lĩnh vực khác, từng được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như các chuyên gia cho là làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật..

Mong mỏi khoảng trống pháp lý sớm được lấp đầy, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng đề xuất cơ quan quản lý xem xét ban hành các quy định, hướng dẫn tạm thời, hoặc có một văn bản mang tính rút gọn để giúp hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành không bị gián đoạn.

Trong khi đó, theo luật sư Sơn: “Một văn bản pháp lý sau khi được ban hành khó có thể đảm bảo sát thực tiễn tuyệt đối. Trong 10 điểm quy định mà có 8 điểm vận hành trơn tru đã là quý lắm rồi. Mục đích của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm là giải quyết những tồn tại, hạn chế của thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và những vấn đề trong quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả. Với những điểm còn chưa sát với thực tiễn, dẫn đến tranh chấp thì có thể sửa sau”.

Tin bài liên quan