Cây Măng tây với hệ thống tưới nước tiết kiệm

Cây Măng tây với hệ thống tưới nước tiết kiệm

Dòng vốn phủ xanh miền đất khô hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đầu tư vào các hoạt động thích ứng với khí hậu sẽ dẫn đến những tác động tích cực hơn kể cả trong ngắn hạn và dài hạn…

Phao cứu sinh

Điềm tĩnh và chủ động giới thiệu với đoàn công tác mình là Chủ nhiệm HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, ông Hùng Ky, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận dẫn mọi người băng qua căn nhà mới xây khang trang cùng một gara ô tô, trong đó có 1 xe bán tải và 1 xe ô tô con. Hỏi vị Chủ nhiệm Hợp tác xã đấy có phải là tài sản của gia đình ông? Người đàn ông sinh năm 1969 với khuôn mặt hằn dấu những khó khăn, bươn chải gật đầu nhẹ.

Trên mảnh đất rộng 21.000 m2 là căn nhà vừa xây có diện tích 110 m2, còn lại dành cho trồng trọt và chăn nuôi, chủ yếu là măng tây và nuôi bò. Vị Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, trước kia gia đình ông là hộ nghèo triền miên, đi chăn bò thuê hơn 10 năm chỉ đủ ăn qua ngày. Khó khăn chồng khó khăn, dù các thành viên trong gia đình luôn mong mỏi vươn lên, thoát nghèo. Năm 2001, gia đình bắt đầu làm rẫy, trồng các loại cây như lạc, cà rốt…, nhưng điều kiện trồng hạn chế dẫn đến sản lượng không cao, trong khi đó giá cả bấp bênh nên vẫn loanh quanh trong ngõ cụt.

“Cửa hé mở từ năm 2009 khi gia đình bắt đầu trồng măng tây, nhưng lại đối mặt khó khăn truyền kiếp là thiếu nguồn nước. Thời tiết thuận lợi, nước giếng khoan hút lên tưới tràn thì năng suất ổn định. Còn khi hạn hán, nước giếng khoan hút lên bị nhiễm mặn, năng suất không những giảm đến 30% trở lên, mà còn chết cây do bị cháy lá… Phải đến năm 2017, có bể nước của một dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ được bơm từ đập Tuấn Tú lên khu vực đất sa mạc thôn Tuấn Tú, cuộc sống không chỉ của gia đình tôi, mà bà con nơi đây đã thực sự thay da đổi thịt”, ông Hùng Ky kể lại.

Hồ hởi khi đề cập đến bể nước của ADB mà theo lời ông Nạo Văn Xây, người dân thôn Tuấn Tú xúc động nói rằng: “Phao cứu sinh không chỉ đối với các gia đình nghèo, mà còn cả một miền đất khô cạn. Hơn 10 năm trước, thôn Tuấn Tú, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chăm, là một tiểu sa mạc, quanh năm khô hạn, thừa nắng, thiếu mưa, chỉ có xương rồng và cát trắng. Nhưng giờ đây là những cánh đồng măng tây đang “xanh hóa”, lấn dần các vùng đất cát khô cằn cháy nắng nhờ những dòng nước được dự án của ADB hỗ trợ âm thầm điều tiết, dẫn về từng thôn”.

Chắt chiu từng giọt "nhựa sống"

Ảnh tác giả

Xây dựng khả năng chống chịu, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là 1 trong 7 ưu tiên hoạt động theo Chiến lược 2030 của ADB. Chúng tôi rất vui mừng khi nhìn thấy các kết quả của việc đầu tư thích ứng ở Ninh Thuận phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, đem lại những lợi ích thiết thực cho địa phương và cộng đồng.


Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB

Thực tế, những bất cập trong canh tác, sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nắm bắt và đầu tư xây dựng mạng lưới thủy lợi, hồ chứa nước, trạm bơm, thi công kênh lắng bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị nguồn nước hiệu quả, hiện đại. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã tham gia vào Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung (pha 2), đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng nông thôn, triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng liên thông, đa mục tiêu…

Tại dự án này, tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi tưới tiết kiệm nước phù hợp vùng khô hạn để sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị gia tăng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, gồm: sửa chữa đập dâng Tuấn Tú; thi công kênh lắng với dung tích chứa 10.000 m3; xây dựng 1 trạm bơm cấp 1 và 1 trạm bơm cấp 2. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng 15 bể với dung tích mỗi bể 500 m3; hệ thống tuyến ống HDPE có chiều dài 9,643 km; hệ thống đường dây và trạm biến áp…

Từ những dự án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hợp tác với ADB triển khai Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (WEIDAP/ADB8). Mục tiêu đưa vùng đất khô hạn Phước Nhơn - Thành Sơn, Nhơn Hải - Thanh Hải thuộc khu tưới của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi được thiết kế ban đầu cho canh tác lúa. Đồng thời, đảm bảo cấp nước cho 2.800 ha nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu, hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao, giúp tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và mức sống của 69.600 người dân. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ giám sát cung và cầu nước, tăng cường thể chế để quản lý phân bổ nước cũng như lập kế hoạch hạn hán và lập kế hoạch khẩn cấp để quản lý các đợt hạn hán khắc nghiệt hơn.

Nụ cười của chị Thị Kỳ vợ anh Nạo Văn Xây khi thu hoạch măng tây

Nụ cười của chị Thị Kỳ vợ anh Nạo Văn Xây khi thu hoạch măng tây

Dự án được phân chia thành 4 gói thầu xây lắp, với diện tích đất thu hồi gần 69 ha. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2018 đến ngày 31/12/2025. Đến hiện tại, trình tự các bước đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư) triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ năm 2019, ADB cấp vốn đầu tư trạm bơm đưa nước từ đập Tuấn Tú lên khu vực đất khô cằn là thôn Tuấn Tú. Tiếp đó, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn xin cơ chế vay ưu đãi ADB đầu tư 5 dự án với tổng vốn 1.350 tỷ đồng gần như toàn bộ nguồn vốn vào hạ tầng thủy lợi.

“Trước khi đầu tư vào hệ thống thủy lợi, nhiều vùng của Ninh Thuận có nước không sử dụng hết, còn nhiều nơi khát khô, hạn cháy. Giờ thì khác, nước được phân phối đều theo mùa vụ của nông dân. Có nước, người dân mạnh dạn đầu tư trồng cây măng tây. Đến nay, diện tích đã tăng lên 300 ha”, ông Cương nói.

Chị Châu Thị Trâm, tạp dề đỏ thu mua măng tây

Chị Châu Thị Trâm, tạp dề đỏ thu mua măng tây

Ông Nạo Văn Xây cho biết thêm: “Làm nông nghiệp trên đất khô như sa mạc cực lắm, chi phí thì cao, đặc biệt liên quan đến nước nên luôn phải chắt chiu từng giọt. Theo đó, bây giờ gia đình nào cũng áp dụng hệ thống tưới nước hiện đại. 1.000 m2 chỉ cần 7 khối nước/ngày và tối đa 9 khối nước/ngày để tiết kiệm nguồn tài nguyên không vô hạn. Điều này rất khác biệt với việc cách thức tưới tràn trước kia sẽ tốn hơn 30 khối nước/ngày”.

Đất đổi đời

Vừa thoăn thoắt xếp, cột từng bó măng tây, chị Châu Thị Trâm, sinh năm 1981, người dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết, trong một đêm, cây cao từ 10 - 13 cm và đến 8h sáng là phải bẻ xong măng tây. Trung bình 1.000 m2 măng tây cho thu hoạch từ 5 - 7 kg/ngày, bán ra thị trường giá khoảng 50.000 đồng/kg. Năng suất cao nhất vào khoảng năm thứ 3, đạt 20 kg/1.000 m2/ngày. Mỗi năm người dân ở đây có thể thu về trung bình 400 - 500 triệu đồng/1.000m2, cao gấp 3 - 4 lần so với cây trồng khác trên cùng diện tích. Sau 3 tháng thu hoạch, cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong vòng đời khoảng 8 - 9 năm.

“Bây giờ gần như nhà nào ở thôn Tuấn Tú, xã An Hạ cũng trồng cây măng tây nên thuê người làm công rất khó. Thời kỳ đỉnh cao, 1 tháng người dân thu về trên 100 triệu đồng, nhưng nay còn khoảng 50 - 60 triệu đồng. Một phần ba làng đã sắm được ô tô để tiện đi lại và chuyên chở hàng hóa”, chị Trâm chia sẻ.

Cafe thanh toán tiền thu mua măng tây

Cafe thanh toán tiền thu mua măng tây

Cùng với việc nhiều nhà trồng cây măng tây, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú do ông Hồng Ky làm Chủ nhiệm đã ra đời năm 2016 với 13 thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc trồng cây. Năm đầu tiên, hợp tác xã vừa thu mua sản phẩm của xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp tại địa phương để tiêu thụ măng tây xanh, với giá ổn định suốt năm là 50.000 đồng/kg. Đến nay, thành viên hợp tác xã đã tăng lên 84 người, diện tích trồng cây măng tây tăng hơn 53 ha.

9h sáng, công cuộc thu mua măng tây đã hoàn tất, chị Trâm cùng bà con uống cafe và ăn sáng với nhau. Trong câu chuyện, bà con ở thôn Tuấn Tú cho biết, hơn 10 năm trước, nơi đây toàn cát là cát. Cát tràn vào nhà, cát dính vào người trong lúc tắm, cát vô trong cả chén cơm…, nhưng giờ đây nhà được xây dựng san sát, có khoảng đất nào trống là trồng măng tây nên cát không còn bay nhiều.

“Trước kia khi chưa trồng măng tây, 1 sào (1.000 m2) đất có giá 40 triệu đồng, nhưng nay lên đến 400 triệu đồng cho 1 sào đất vùng ven, vị trí không đẹp. Thế vậy mà cũng sắp hết đất rồi, không còn đất để mà mua hay bán”, chị Trâm tiết lộ.

Tin bài liên quan