Mỹ, EU, Trung Quốc giảm mua thủy sản Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu thủy sản 5 tháng chỉ đạt 3,37 tỷ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.
Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm gần 36% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm gần 36% so với cùng kỳ.

Con số thống kê sụt giảm này vừa được Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ.

Từ cuối năm 2022, Vasep và doanh nghiệp đã xác định, ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt gần 3,37 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính, trong đó thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.

Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể: tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Hai thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến ngành thủy sản.

Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc yếu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách “zero Covid” do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.

Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại sau thời gian dài phòng chống dịch nhưng cầu vẫn yếu, khiến đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt giảm theo. Số liệu 4 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 363,28 triệu USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, cuộc chiến tranh quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.

"Nhiều dự báo cho rằng, nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý III như những dự báo trước đây", theo Vasep.

Trong giai đoạn khó khăn của thị trường, khi cầu xuống thấp, các doanh nghiệp thủy sản vẫn cố gắng giữ được khách hàng tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., tìm kiếm thêm các khách hàng mới thông qua việc tham gia các hội chợ chuyên ngành thủy sản.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường nhiều khả năng phục hồi trong quý cuối cùng do mức tồn kho giảm và nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU, Nhật Bản...tăng trở lai, bù đắp cho sự sụt giảm của các tháng đầu năm.

Năm ngoái, ngành thủy sản lần đầu tiên chạm kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với 2021, là mức cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên gia nhập CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Tin bài liên quan