Nhiều cảnh báo được đưa ra khi nợ công toàn cầu duy trì ở mức cao

Nhiều cảnh báo được đưa ra khi nợ công toàn cầu duy trì ở mức cao

(ĐTCK) Giới phân tích đang cảnh báo các chính phủ trên khắp thế giới về mức nợ công không bền vững và cho rằng việc vay mượn quá mức trước bầu cử có nguy cơ gây ra phản ứng mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu.

Phát hành trái phiếu chính phủ ở Mỹ và Anh dự kiến sẽ tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm tới, ngoại trừ giai đoạn đầu của đại dịch Covid.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các thị trường mới nổi dự kiến sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu sau khi nợ chính phủ tăng lên mức cao kỷ lục là 68,2% GDP vào năm ngoái.

Jim Cielinski, người đứng đầu toàn cầu về thu nhập cố định tại Janus Henderson cho biết, thâm hụt “ngoài tầm kiểm soát và câu chuyện thực sự là không có cơ chế nào để kiểm soát chúng”. Vấn đề này sẽ trở thành mối lo ngại nghiêm trọng đối với thị trường “trong 6 - 12 tháng tới vì đây là một vấn đề rất quan trọng”.

Tỷ lệ nợ công trên GDP toàn cầu

Tỷ lệ nợ công trên GDP toàn cầu

Theo ước tính của Apollo Global Management, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phát hành khoảng 4.000 tỷ USD trái phiếu trong năm nay với thời hạn từ 2 - 30 năm, tăng từ 3.000 tỷ USD trong năm ngoái và 2.300 tỷ USD vào năm 2018.

Các nhà quản lý quỹ cho biết, quy mô vay mượn có thể khiến thị trường mất tập trung vào xu hướng lãi suất trong tương lai.

Robert Tipp, người đứng đầu trái phiếu toàn cầu tại PGIM cho biết: “Chúng ta thực sự đang ở trong một môi trường không có rào cản đối với nợ chính phủ so với các thế kỷ trước. Mọi người hiện đang nhận được giấy thông hành, cho dù bạn ở Mỹ hay Ý, nhưng gần đây đã có một số dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư và cơ quan xếp hạng đang bắt đầu xem xét lại về điều này”.

Anh cũng đang chuẩn bị cho năm phát hành trái phiếu chính phủ cao thứ hai, chỉ sau năm 2020 khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào cuộc để tăng cường nguồn cung trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Lượng phát hành ròng của các giao dịch mua BoE và bao gồm cả doanh số bán trái phiếu chính phủ dự kiến sẽ cao hơn khoảng ba lần so với mức trung bình trong thập kỷ qua.

Robert Stheeman, người đứng đầu văn phòng quản lý nợ của Anh đã cảnh báo rằng: “Trong một thế giới mà chúng ta có nợ để bán, việc hoạch định chính sách không thể tách rời khỏi thực tế của thị trường”.

Theo ước tính từ NatWest, tại châu Âu, 10 quốc gia lớn nhất khu vực đồng euro sẽ phát hành khoản nợ khoảng 1.200 tỷ euro trong năm nay, ngang bằng với mức năm ngoái. Nhưng lượng phát hành ròng – bao gồm tác động của việc thắt chặt định lượng và loại trừ việc tái cấp vốn cho trái phiếu hiện có – sẽ tăng khoảng 18% trong năm nay lên 640 tỷ euro.

Việc giám sát mức nợ diễn ra trong một năm lịch sử bận rộn với các cuộc bầu cử, điều này thúc đẩy các chính trị gia tăng chi tiêu. Các nhà phân tích cho biết, khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11, có rất ít dấu hiệu cho thấy các ứng cử viên trong cuộc đua bầu cử muốn kiềm chế tài khóa.

David Zahn, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định châu Âu tại Franklin Templeton đề cập đến Tổng thống Joe Biden và đối thủ có thể là cựu Tổng thống Donald Trump: “Với hai người dẫn đầu rõ ràng... có vẻ như sẽ không có nhiều thay đổi ngay cả khi cuộc bầu cử kết thúc và họ sẽ tiếp tục chi tiêu ở mức cao… Cuối cùng điều đó có thể tạo ra vấn đề cho Mỹ”..

Theo dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của Mỹ tính theo tỷ lệ trên tổng GDP sẽ dao động trong khoảng từ 6,5 - 8% trong bốn năm tới, tăng mạnh từ mức dưới 4% vào năm 2022. Các khoản thanh toán lãi được dự báo sẽ tăng từ dưới 3% GDP vào năm 2022 lên 4,5% vào năm 2028.

IIF cảnh báo rằng, một loạt các cuộc bầu cử và xung đột địa chính trị đang diễn ra ở các nước mới nổi “làm dấy lên mối lo ngại về việc chính phủ vay nợ và kỷ luật tài chính gia tăng, bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Pakistan và Mỹ”.

“Nếu các cuộc bầu cử sắp tới dẫn đến các chính sách dân túy nhằm kiểm soát căng thẳng xã hội, thì kết quả có thể là chính phủ sẽ phải vay mượn nhiều hơn và vẫn ít hạn chế tài khóa hơn”, IIF cho biết.

Tin bài liên quan