Phải đến 2037, Quỹ Bảo hiểm xã hội mới có nguy cơ mất khả năng thanh toán

Cơ quan bảo hiểm cho biết, với số nợ tiền BHXH hiện nay, quyền lợi của 714.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng. 

Nhiều người lao động trong doanh nghiệp không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

Nhiều người lao động trong doanh nghiệp không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến cuối tháng 8/2014, số tiền mà 54.000 tổ chức, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên đến gần 11.652 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số nợ 4.752 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Cơ quan bảo hiểm nhận định, với số nợ như trên, quyền lợi của 714.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng. 

Đặc biệt, có trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động, không còn giao dịch với cơ quan bảo hiểm. Theo đó, hơn 30.000 lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản. Số nợ đọng thì ngày một gia tăng, nhưng cơ quan bảo hiểm chỉ có biện pháp cố gắng thu hồi nợ trong quyền hạn, cùng lắm là khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án. Nhưng với biện pháp này, khả năng thu hồi được cũng không đáng kể.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện số đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc trên cả nước là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia. Số còn lại chưa được đóng bảo hiểm với số thu khoảng 56.000 tỷ đồng mỗi năm. Điều này tác động ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động. 

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng, điểm khó nhất hiện nay là cơ chế không ép doanh nghiệp phải nộp, mà chủ yếu dựa vào sự tự giác. Theo ông, hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội đều gửi thông báo về việc đóng bảo hiểm cho người lao động đến từng doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện. "Doanh nghiệp không chịu thì sẽ có các đoàn thanh tra liên ngành rồi xử phạt. Nhưng đến tiền xử phạt cũng bị nợ đọng. Đến đường cùng thì cơ quan bảo hiểm sẽ khởi kiện ra tòa nhưng việc làm này phát sinh rất nhiều thời gian, ra toà ít nhất 6 lần mới xử xong", ông Sang nói.  

Tuy nhiên, lãnh đạo bảo hiểm xã hội TP HCM, ngay cả giải pháp cuối cùng được coi là mạnh tay nhất, cũng không ăn thua. "Có những doanh nghiệp coi thường biện pháp đó tới mức, khi ra tòa còn không cử đại diện có thẩm quyền tham gia phiên xét xử. Chính vì lẽ đó, hàng năm, sau khi có phán quyết của toà án, cũng chỉ may ra đòi được 20-30% số tiền bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp nợ”, ông Sang nói.

Năm 2013, Bảo hiểm Xã hội TP HCM đã khởi kiện 1.228 doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm con số là 800 đơn vị. Nhiều bản án đã được xét xử nhưng gặp khó khăn do không thể xác nhận được tài sản của doanh nghiệp. Hoặc cũng có trường hợp như một tập đoàn taxi lớn, khi kiện thì doanh nghiệp nợ 80 tỷ và thanh toán được một phần. Sau đó không lâu, số nợ mới lại phát sinh nợ và tăng lên hơn gấp rưỡi. Lúc này, cơ quan bảo hiểm cũng chưa biết thu hồi bằng cách nào vì toàn bộ tài sản chủ yếu là xe ôtô đã được bán cho tài xế.

Đó là chưa kể đến tình trạng các doanh nghiệp thường chỉ chọn phương án đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở mức thấp nhất nhưng cơ quan bảo hiểm cũng đành chịu. Trưởng phòng Thu bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên, ông Trần Văn Dũng lấy dẫn chứng về ba doanh nghiệp làm ăn thuộc nhóm "có máu mặt" tại địa phương này. Hồ sơ tại bảo hiểm xã hội cho thấy mức đóng của các doanh nghiệp đều bằng nhau, với mức thấp. Tuy nhiên, số liệu các doanh nghiệp khai báo với cơ quan thuế lại cao hơn hẳn. 

Theo ông Dũng, kể cả với tình huống biết là có sự chênh lệch như trên, ngành bảo hiểm xã hội cũng không làm được gì ngoài việc kiến nghị xử lý, cùng lắm là khởi kiện ra tòa dân sự... Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm không mong đòi được thêm khoản này vì doanh nghiệp chịu nộp đã là một may mắn. 

Về hiệu quả đòi nợ bảo hiểm xã hội theo cơ chế hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Đạt cho biết, từ năm 2010 - 2013, cơ quan bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp với số nợ là 1.788 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền thu được chỉ đạt trên 736 tỷ. Số liệu cho thấy, thực tế còn lượng lớn các bản án, quyết định của tòa án trong lĩnh vực này không được thi hành. 

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội kỳ này, ngành đã đề xuất tăng cường một số chức năng như thầm quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm thì mới có cơ sở để giải quyết những tồn đọng nêu trên. 

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội, đến năm 2023 số thu của Quỹ sẽ bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư quỹ của các năm trước. Và dự kiến đến năm 2037 thì quỹ mất khả năng thanh toán.
Tin bài liên quan