Dự kiến năm nay Vietnam Ariline sẽ tiến hành cổ phần hóa

Dự kiến năm nay Vietnam Ariline sẽ tiến hành cổ phần hóa

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: lực cản lớn nhất là… con người

(ĐTCK) “Tiến độ thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm, kết quả rất hạn chế, có nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề con người”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết tại Hội nghị “Đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN khối DN Trung ương đến năm 2015” vừa được tổ chức.

Sợ đụng chạm và mất quyền lợi

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối DN Trung ương cho biết, kết quả sắp xếp DN của 24 đơn vị có đề án đã được phê duyệt là toàn bộ đã được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó 15 công ty mẹ Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 9 đơn vị cần tiến hành cổ phần hóa.

Cũng theo ông Ngọc, hiện đã hoàn thành CPH tại 3 công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu và Tổng công ty Thép. Các công ty mẹ sẽ CPH trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Hàng không; năm 2015 sẽ tiến hành nốt 4 đơn vị là Tổng công ty Hàng hải; Sông Đà; Đầu tư phát triển nhà và đô thị; Tổng công ty Công nghiệp xi măng.

Nói về tiến độ thực hiện CPH và thoái vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2013, trong tổng số 80 DN trực thuộc 24 đơn vị kể trên, mới chỉ có 50 DN đã xúc tiến triển khai CPH, và số DN đã hoàn thành CPH chỉ có 10 DN. Về thoái vốn, có 642 DN trong danh sách này nhưng mới chỉ có 167 DN thoái vốn xong. Từ nay đến hết năm 2015, theo kế hoạch sẽ phải CPH xong 70 DN, và thoái vốn đối với 472 DN.

Ông Ngọc cho rằng, CPH chậm có nguyên nhân khách quan là do hầu hết đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt, đồng thời các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ; trong khi 3 năm qua TTCK suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho CPH và thoái vốn. Nguyên nhân chủ quan là các đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.

Đồng tình với nhận định trên, ông Ninh “vạch mặt chỉ tên” các lực cản làm chậm tiến trình CPH khi nói thẳng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chưa thật quyết liệt, công tác tổ chức thực hiện đề án sau phê duyệt cũng còn chậm do lãnh đạo nhiều DNNN sợ đụng chạm và mất quyền lợi.

Dẫn lời kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 - 2015 là: "Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo DN chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, CPH DNNN", ông Ninh nhấn mạnh, cần phân công từng nhân sự trong cấp ủy chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện từng nội dung tái cơ cấu cụ thể.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Để đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc DNNN, các đại biểu đều cho rằng, cần xem xét, sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng bổ sung quy định riêng để điều chỉnh đối với các DNNN cho phù hợp với đặc thù sở hữu, mục tiêu hoạt động, vị trí vai trò; đi liền với đó, cần ban hành quy chế quản trị công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; quy định về quản lý người giữ chức danh quản lý tại DN 100% vốn nhà nước và DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Riêng về vấn đề thoái vốn, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng đều kiến nghị, đối với các khoản đầu tư chéo giữa các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thì nên cho phép các đơn vị này mua lại, chuyển nhượng vốn góp theo giá trị sổ sách hoặc tự thỏa thuận, thay vì phải đấu giá qua TTCK như hiện nay để rút ngắn thời gian thoái vốn. Đặc biệt, phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, đổi mới nội dung, cách thức giám sát, nâng cao năng lực, động lực giám sát và thống nhất về một đầu mối quản lý (hiện đang có tới 5 đầu mối quản lý) theo hướng thành lập cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư nhà nước vào các DN.   

“Khó nhất là cơ chế quyết toán sau CPH”

Ông Bùi Ngọc Bảo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Nếu các quy định cụ thể về cơ chế chính sách CPH như định giá, giá trị quyền sử dụng đất, quyết toán CPH… không được rà soát, sửa đổi và quy định thật chi tiết thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình CPH. Thực tiễn cho thấy, tiến trình CPH DNNN từ năm 2008 đến nay đã chậm lại rất nhiều so với giai đoạn 2002 - 2007 có nguyên nhân từ những bất cập trên. Chẳng hạn như tại Petrolimex trong năm qua đã CPH xong hàng loạt DN, nhưng đến nay chưa quyết toán xong vì sau khi quyết toán, giá DN đã giảm hơn 800 tỷ vốn nhà nước. Giảm như vậy không ai dám ký và đây là việc khó nhất.

Giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc DNNN là phải xây dựng hệ thống chính sách xử lý những vấn đề hiện còn vướng mắc lớn như xử lý lao động dôi dư; thanh lý tài sản; cơ chế quyết toán sau CPH; kế hoạch và lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành… Sớm hoàn thiện và trình Quốc hội Dự án Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong DNNN.

“Chưa có tiền lệ định giá một hãng hàng không”

Ông Phạm Ngọc Minh Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline)

Thành công nhất trong qua trình tái cấu trúc tại Vietnam Airline trong thời gian qua là không khiến lao động nào mất việc làm, thu nhập và đời sống người lao động được đảm bảo. Trong 3 năm 2011 - 2013, Tổng công ty đã không tăng định biên lao động, nhưng năng suất lao động bình quân vẫn tăng cao.

Việc định giá một hãng hàng không chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên có nhiều đặc thù mà áp dụng theo quy định của Nhà nước không thực hiện được. Do đó, Tổng công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn để việc CPH Tổng công ty được triển khai đúng tiến độ.

“Tái cơ cấu đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ”

Ông Trần Phương Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

BIDV đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực dài hạn gắn với nhiệm vụ và kế hoạch, chiến lược hoạt động của hệ thống đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng xây dựng và ban hành quy định về định biên lao động, tiêu chuẩn chức danh, trách nhiệm công vụ và chế độ trách nhiệm đối với từng cấp trong qua trình thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, BIDV còn tổ chức thi tuyển cán bộ gắn với vị trí công việc cụ thể; ưu tiên tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó là cơ chế sàng lọc để tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tin bài liên quan