Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 17-24/9: Nhiều mặt hàng biến động mạnh do “bom nợ” Evergrande

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 17-24/9, tin tức xoay quanh cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Bất động sản Evergrande đã tác động mẽ tới giá cả nhiều loại mặt hàng trên thế giới, có thể tới như dầu thô, than cốc, quặng sắt, sắt thép…

Năng lượng: Giá dầu áp sát mức cao nhất năm 2018, khí LNG và than tiếp tục đi lên

Giá dầu kết thúc phiên cuối tuần qua 24/9 lên gần mức cao nhất 3 năm do sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu, buộc các công ty năng lượng phải rút khối lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ.

Theo đó, chốt phiên 24/9, dầu thô Brent tăng 84 US cent (+1,1%) lên 78,09 USD/thùng; dầu WTI tăng 68 US cent (+0,9%) lên 73,98 USD/thùng. Đây là tuần tăng thứ 3 liên tục của giá dầu Brent tăng và thứ 5 liên tiếp của dầu WTI – cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2018 của dầu Brent và từ tháng 7/2021 của dầu WTI, chủ yếu do sản lượng Bờ Vịnh Mỹ gián đoạn do ảnh hưởng bão Ida vào cuối tháng 8/2021 vừa qua.

Các nhà máy lọc dầu Mỹ đang săn hàng thay thế dầu thô vùng Vịnh, chuyển sang dầu thô Iraq và Canada. Một số thành viên của OPEC+ phải vật lộn để nâng sản lượng do thiếu đầu tư và trì hoãn bảo dưỡng trong thời kỳ đại dịch.

Tại Mỹ, các nhà khoan dầu đã bổ sung 10 giàn khoan dầu trong tuần này, đưa số giàn khoan dầu và khí tăng tháng thứ 14 liên tiếp. Các nhà phân tích UBS cho biết, giá dầu thô Brent có thể đạt 80 USD/thùng vào cuối tháng 9 này do tồn kho giảm, sản lượng của OPEC thấp và nhu cầu của Trung Đông mạnh lên.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc bán công khai kho dự trữ dầu thô nhà nước phần nào làm ảnh hưởng tới đà tăng của giá dầu. PetroChina và Hengli Petrochemical đã mua 4 lô hàng tổng cộng 4,43 triệu thùng.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, “quả bom nợ” Evergrande là một rủi ro đối với giá dầu sau khi đơn vị sản xuất ô tô điện của công ty này cảnh báo họ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn, trừ khi nhanh chóng được bơm tiền.

Bên cạnh giá dầu, giá khí tự nhiên (LNG) tại châu Á tăng khoảng 10% trong tuần qua do nhu cầu tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung suy giảm.

Theo đó, Giá LNG trung bình giao tháng 11/2021 tại Đông Bắc Á đạt khoảng 26,5-27 USD/mmBtu, tăng khoảng 2 USD so với tuần trước nữa.

“Sự phục hồi nhanh chóng sau dịch đang thúc đẩy nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung giảm ở một số nơi”, theo nguồn tin từ thương nhân tại Singapore và cho biết thêm rằng, giá dự kiến sẽ tăng, thậm chí cao hơn vào mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm lên đến đỉnh điểm.

Bangladesh đã mua một lô hàng để giao vào cuối tháng 9/2021 từ Vitol với giá cao 29,89 USD/mmBtu.

Nhu cầu từ Trung Quốc cũng ổn định với Unipec Singapore - chi nhánh thương mại của Sinopec, đang tìm kiếm 11 lô hàng để giao vào mùa đông, trong khi Beijing Gas và Guangzhou Gas cũng tìm kiếm một lô hàng để giao vào tháng 10 và tháng 11/2021, các thương nhân cho biết.

Botas - công ty năng lượng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm 20 chuyến hàng để giao vào mùa đông, còn Egat của Thái Lan tìm kiếm 2 chuyến hàng để giao vào tháng 10 tới.

Một số lô hàng giao ngay đã được cung cấp trên thị trường từ Angola, Australia, Nga và Indonesia từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022.

Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 7,7% lên 3.044 CNY (tương đương 470,62 USD)/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 10/9/2021. Giá than cốc tăng 4,1% lên 3.482 CNY/tấn.

Giá than luyện cốc ở Đại Liên đã tăng hơn 80% trong năm nay khi Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới vật lộn với nguồn cung khan hiếm sau một lệnh cấm than của Úc, gián đoạn nguồn cung ở Mông Cổ và sản lượng trong nước suy yếu bởi các hạn chế về an toàn khai thác.

Các nhà phân tích tại Sinosteel Future cho biết, ngành luyện cốc tại Sơn Đông, Sơn Tây và nhiều nơi của Hà Bắc (Trung Quốc) bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như bảo vệ môi trường và hạn chế sản xuất.

Kim loại: Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tục, thiếc tăng gần mức kỷ lục 35.955 USD/tấn

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 24/9, giá vàng tăng do USD yếu và nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro bởi lo sợ về Evergrande vỡ nợ, nhưng việc tăng lãi suất sắp diễn ra đã làm chậm đà tăng của vàng.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.750 USD/ounce trong phiên 24/9, nhưng vẫn có tuần thứ 3 giảm giá liên tiếp. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2021 đóng cửa tăng 0,1% lên 1.751,7 USD/ounce.

Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất một tháng trong ngày 23/9/2021 do dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc USD suy yếu trong ngày 24/9/2021 khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Trong khi đó, sắc xanh đã quay trở với 2 kim loại quý khác là bạc và bạch kim. Giá bạc tăng nhẹ 0,4% lên 22.43 USD/ounce, còn giá bạch kim bứt phá mạnh mẽ 5,34% lên 979,9 USD/ounce.

Các tin tức về cuộc họp của Fed là yếu tố chính khiến cho thị trường kim loại biến động mạnh trong tuần qua. Dù chưa thay đổi bất kì chính sách tiền tệ nào, nhưng Fed đã mở ra khả năng thắt chặt từ cuộc họp tháng 11/2021 và tăng lãi suất trong năm 2022.

Triển vọng dài hạn của cả bạc và bạch kim chịu rất nhiều sức ép, song việc nước Mỹ có thể đối mặt với mức lạm phát lớn khi thị trường mở cửa trở lại đã hỗ trợ giá của 2 mặt hàng kim loại quý này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức tăng trong tuần qua của bạc và bạch kim chỉ là sự hồi phục từ mức đáy trong nhiều tháng nhờ vào lực mua kỹ thuật và giá của 2 mặt hàng này khó có thể tăng lại lên mức đỉnh cũ trong năm nay.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá cả trên thị trường này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những tin tức xoay quanh cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Bất động sản Evergrande.

Theo đó, kết thúc phiên 24/9, giá thiếc tănglên gần mức cao kỷ lục do tình trạng thiếu hàng dự trữ tại Sàn Giao dịch kim loại London (LME). Nhìn chung, các kim loại công nghiệp được thúc đẩy bởi sự lạc quan rằng, thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc có thể tránh được sự sụp đổ của Evergrande.

Giá thiếc trên sàn LME tăng 2% lên 35.680 USD/tấn, sau khi tăng 3,1% trong ngày trước đó. Kim loại này đã tăng hơn 70% trong năm 2021 và tháng trước đã chạm mức cao lịch sử tại 35.955 USD/tấn.

Dự trữ thiếc trên sàn LME đã giảm xuống 675 tấn từ khoảng 1.500 tấn trong tháng 7/2021 và hơn 5.000 tấn vào một năm trước. Tồn kho trên sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm xuống 1.278 tấn từ hơn 8.500 tấn trong tháng 3/2021.

Theo Hiệp hội Thiếc Quốc tế thị trường thiếc 380.000 tấn sẽ thiếu hụt 10.200 tấn trong năm nay và thiếu hụt 12.700 tấn trong năm 2022.

Giá đồng cũng tăng gần 1% lên 4.29 USD/pound trong phiên 24/9.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 được giao dịch trên sàn hàng hóa Đại Liên ngày 24/9 tăng 3,9% lên 667 CNY/tấn, trước đó đã đạt mức giá 685,5 CNY/tấn - cao nhất kể từ ngày 16/9/2021.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2021 tại Singapore giảm 1,3% xuống 106,35 USD/tấn.

Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc đạt 105 USD/tấn trong ngày 22/9/2021 - mức gần thấp nhất 14 tháng qua và giảm 55% từ mức đỉnh trong giữa tháng 5/2021.

Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,3%; trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,8%; thép không gỉ tăng 1%.

Nông sản: Giá đậu tương và lúa mì tăng, ngô giảm,

Kết thúc phiên 24/9, giá lúa mì tại Chicago đóng cửa gần mức cao nhất trong 2 tuần qua và là tuần thứ 2 tăng giá liên tiếp do giá thế giới tăng, nhu cầu mạnh và USD suy yếu. Tương tự, đậu tương cũng tăng giá, trong khi giá ngô giảm do áp lực nguồn cung từ vụ thu hoạch của Mỹ sắp diễn ra.

Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago tăng 6 US cent lên 7,23-3/4 USD/bushel, trước đó đã đạt mức giá 7,25-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 7/9/2021. Tính cả tuần, lúa mì tăng 2,12%.

Một loạt cuộc đấu thầu của các nhà nhập khẩu, vụ thu hoạch thất bát tại Bắc bán cầu và những tin đồn về hạn chế xuất khẩu của Nga - tất cả đều hỗ trợ giá lúa mì trong tuần qua.

Giá đậu tương CBOT đóng cửa tăng 3/4 US cent lên 12,85 USD/bushel và cả tuần chỉ tăng 1 US cent. Như vậy, giá đậu tương trải qua 1 tuần với mức tăng không đáng kể. Việc kéo dài tuyến đường sắt Ferronorte, tuyến đường sắt duy nhất ở Mato Grosso, đã nhận được sự đồng ý của thống đốc bang và sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển ở Brazil. Điều này có thể sẽ khiến đậu tương của Brazil càng trở nên cạnh tranh hơn so với đậu tương của Mỹ trong những năm sắp tới.

Dầu đậu tương là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất thị trường chủ yếu nhờ đà tăng của giá dầu thô. Ở Trung Quốc, các nhà máy ép dầu đang phải dừng hoạt động gây ra thiếu nguồn cung ngắn hạn, đặc biệt là trước kì nghỉ lễ quốc khánh kéo dài trong 1 tuần vào ngày 1/10 tới là yếu tố tác động trái chiều tới giá dầu đậu tương.

Giá ngô giảm 2-1/2 US cent xuống 5,26-3/4 USD/bushel và cả tuần giảm 1/2 US cent. Thời tiết khô ở khu vực Midwest trong suốt thời gian vừa rồi vẫn đang hỗ trợ cho việc thu hoạch ngô là yếu tố “bearish”, nhưng mức tăng mạnh của giá dầu thô trong tuần qua đã hỗ trợ tích cực cho giá ethanol, giúp giá ngô vẫn giữ được diễn biến đi ngang.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm, cà phê vẫn diễn biến trái chiều

Thị trường cà phê kết thúc tuần giao dịch vừa qua với diễn biến trái chiều. Cụ thể, trong khi giá robusta giảm nhẹ 0,15% về 2.148 USD/tấn, thì ngược lại, giá arabica tăng 4,3% lên 194,3 cents/pound.

Nếu như trong giai đoạn 2 tuần đầu tháng 9 này, điểm sáng của thị trường luôn thuộc về giá cà phê robusta, thì trong tuần vừa qua, báo cáo của Cơ quan Cung ứng lương thực Brazil đã giúp cho giá arabica khẳng định lại vị thế của mình. Dòng tiền luân chuyển giữa 2 thị trường cà phê nay đã tập trung về thị trường arabica do những lo ngại nguồn cung eo hẹp ở Brazil.

Giá robusta đóng cửa tuần với sắc đỏ, nhưng thực chất giằng co trong biên độ 2.130-2.180 USD/tấn trong cả 5 phiên của tuần trước. Giá có xu hướng tích lũy sau một nhịp tăng là điều cần thiết để đà tăng được bền vững hơn. Hiện nay, các nhà đầu tư đều trông đợi thị trường robusta sẽ có sự bứt phá. Nếu giá vượt khỏi khoảng giao dịch này, dù tăng hay giảm, thị trường cũng sẽ đều phản ứng rất mạnh.

Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đều không duy trì được đà tăng trong tuần giao dịch vừa qua, trong đó có thể kể đến 2 mặt hàng đường. Theo đó, hợp đồng đường trắng giảm 0,1% về 504 USD/tấn, giá đường 11 cũng giảm 0,4% về 421 USD/tấn.

Tin bài liên quan