Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư mất bình tĩnh khi thế giới có nhiều biến động

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư mất bình tĩnh khi thế giới có nhiều biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 22 điểm; Chứng khoán trong nước “giữ trận” trước nhiều biến động bên ngoài; Nhìn vào những đốm sáng; Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Nhiều ngân hàng châu Âu "dè chừng" về nguy cơ đổ vỡ lây lan…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 20/3 tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra 66,90 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 69,8 USD lên 1.989,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên trên 2.000 USD, nhưng đã để tuột mốc này và về 1.985 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,71 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.619 đồng/USD, giảm 1 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.410 – 23.750 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 28.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích dần và lên trên 28.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,02 USD (-3,03%), xuống 64,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,19 USD (-3,00%), xuống 70,78 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Sau khoảng nửa đầu phiên cầm chừng quanh vùng 1.040 điểm, áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến VN-Index lùi sâu hơn và trạng thái tiêu cực hơn tiếp diễn về cuối phiên khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và để mất hỗ trợ quanh 1.030 điểm (SMA 100).

Thị trường khép lại phiên đầu tuần khá tiêu cực khi để mất hơn 22 điểm và giao dịch dưới mốc 1.025 điểm khi số mã giảm điểm gấp tới hơn 7 lần số mã tăng, thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE về dưới mức 10.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,88 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 339,2 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/3: VN-Index giảm 22,04 điểm (-2,11%), xuống 1.023,1 điểm; HNX-Index giảm 2,85 điểm (-1,39%), xuống 201,62 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,53%), xuống 76,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên thứ Sáu (17/3), khi nhà đầu tư rút quay ra bán tháo cổ phiếu First Republic bank và các ngân hàng khác.

Cổ phiếu First Republic Bank giảm gần 33% và ghi nhận mức giảm 72% trong tuần, sau khi khi một nhóm ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ First Republic 30 tỷ USD tiền gửi như một dấu hiệu của niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Cú trượt dốc trong ngày thứ Sáu đã gây áp lực lên chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF, khiến chứng chỉ quỹ này giảm 6% trong phiên và sụt 14% trong tuần.

Cổ phiếu Credit Suisse niêm yết tại Mỹ mất gần 7%, khi nhà đầu tư phân tích thông báo của ngân hàng rằng họ sẽ vay gần 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ. Cổ phiếu Credit Suisse đã bốc hơi 24% trong tuần qua.

Trong tuần, S&P 500 vẫn tăng 1,43%, Nasdaq Composite tăng 4,41% và Dow Jones mất 0,15%.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones giảm 384,57 điểm (-1,19%), xuống 31.861,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,64 điểm (-1,10%), xuống 3.916,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 86,76 điểm (-0,74%), xuống 11.630,51 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do những lo ngại về suy thoái kinh tế và khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu đã thúc đẩy việc bán tháo tài sản rủi ro, bất chấp thỏa thuận giải cứu Credit Suisse vào cuối tuần qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,42% xuống 26.945,67 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 23/1. Chỉ số Topix mất 1,54% xuống 1.929,30 điểm.

Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Tôi đã nghĩ tin tức về việc giải cứu Credit Suisse sẽ tích cực cho thị trường, nhưng điều đó đã không diễn ra. Các nhà đầu tư toàn cầu hiện đang tránh xa các tài sản rủi ro nên thị trường Nhật Bản cũng đã theo xu hướng đó”.

Cuối tuần qua, UBS Group AG cho biết họ sẽ mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,2 tỷ USD) và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD, trong một thương vụ sáp nhập do chính phủ Thụy Sĩ dẫn dắt.

Tại Nhật Bản, chỉ số ngành ngân hàng trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo mất 1,88% sau khi tăng hơn 1% vào đầu phiên.

Chỉ số này đã mất 13,6% từ đầu tháng, mức giảm tồi tệ nhất cùng với lĩnh vực bảo hiểm cũng đánh dấu sự sụt giảm tương tự.

Cổ phiếu Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ mất 1,84% và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui giảm 1,67%. Tập đoàn tài chính Mizuho giảm 2,3%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bất chấp các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới của Bắc Kinh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,48% xuống 3.234,91 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,5% xuống 3.939,08 điểm.

Các nhà đầu tư vẫn lo sợ về những gì có thể xảy ra tiếp theo sau một tuần mà Credit Suisse và SVB gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu.

Cuối tuần qua, UBS cho biết họ sẽ mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,2 tỷ USD) và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD, một vụ sáp nhập do chính quyền Thụy Sĩ thu xếp.

Chứng khoán Trung Quốc gần như ít phản ứng tích cực sau khi ngân hàng trung ương nước này cho biết hôm thứ Sáu rằng, họ sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ lần đầu tiên trong năm nay để giúp duy trì thanh khoản dồi dào và hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng, trong bối cảnh lo ngại về việc mở rộng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do vụ sáp nhập bắt buộc giữa UBS và Credit Suisse.

Đóng cửa, Hang Seng-Index mất 2,65% xuống 19.000,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,21% xuống 6.469,65 điểm.

Chen Zhao, chiến lược gia trưởng tại Alpine Macro cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai: “Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng khu vực của Mỹ vẫn còn rất dễ thay đổi và kinh nghiệm trong quá khứ là các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho những cú sốc lớn hơn”.

Các cổ phiếu tài chính giảm hàng đầu như HSBC giảm 7% và Tập đoàn AIA giảm 5%.

Các cổ phiếu công nghệ, bất động sản cũng lao dốc với Tập đoàn Alibaba giảm 3,6%, Tencent giảm 1,6%, trong khi Sunny Optical giảm 3,7% và WuXi Biologic giảm 7,8% khi cả hai chuẩn bị công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do các nhà đầu tư vẫn thận trọng bất chấp thỏa thuận mua lại ngân hàng Credit Suisse từ UBS được thiết kế vội vàng để xoa dịu thị trường toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 16,49 điểm, tương đương 0,69% xuống 2.379,20 điểm.

Các nhà đầu tư hiện thận trọng tập trung vào cuộc họp quyết định lãi suất của Fed vào cuối tuần này với dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%.

Kết thúc phiên 20/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 388,12 điểm (-1,42%), xuống 26.945,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,64 điểm (-0,48%), xuống 3.234,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 517,88 điểm (-2,65%), xuống 19.000,07 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 16,49 điểm (-0,69%), xuống 2.379,20 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp, ngân hàng ngoại muốn NHNN bỏ room tín dụng, trần lãi suất huy động USD

Trong khi đại diện AmCham đề nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ cơ chế room tín dụng thì KoCham và BritCham kiến nghị bỏ quy định lãi suất tiền gửi USD 0%/năm hiện nay..>> Chi tiết

- Chứng khoán trong nước “giữ trận” trước nhiều biến động bên ngoài

VN-Index thể hiện được sức đề kháng tốt, dù nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh khi thế giới có nhiều biến động..>> Chi tiết

- Nhìn vào những đốm sáng

Những ngày cuối tuần qua, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 25 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hầu hết các định chế kinh tế - tài chính, các tổ chức đầu tư nước ngoài lớn nhất đã và đang tham gia đầu tư, đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam..>> Chi tiết

- Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và phát triển bền vững các phân đoạn thị trường tài chính, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Nhiều ngân hàng châu Âu "dè chừng" về nguy cơ đổ vỡ lây lan

Ít nhất 2 ngân hàng lớn ở châu Âu đang xem xét các kịch bản đổ vỡ lây lan sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng ở Mỹ và bê bối tài chính của ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse..>> Chi tiết

Tin bài liên quan