Nợ xấu bất động sản có đáng ngại?

0:00 / 0:00
0:00
Nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn được kiểm soát, song những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới.
Tỷ trọng bất động sản trong các tài sản thế chấp của những ngân hàng trên thường ở mức 65 - 70%.

Tỷ trọng bất động sản trong các tài sản thế chấp của những ngân hàng trên thường ở mức 65 - 70%.

Khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo tiếp tục tăng, nhất là bất động sản.

Dư nợ cho vay bất động sản tại ngân hàng

Dựa trên báo cáo tài chính công bố, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến hết năm 2021 tại các ngân hàng đều không vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, nhiều nhà băng còn kiểm soát tỷ trọng này ở mức dưới 10%.

Trong số đó, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất toàn ngành, với khoảng 27,6% tổng dư nợ, tức hơn 95.900 tỷ đồng. Như vậy, nếu xét theo giá trị tuyệt đối, dư nợ cho vay bất động sản tại Techcombank tăng 4.500 tỷ đồng so với cuối năm 2020, nhưng xét về tỷ trọng lại giảm hơn 5,3%.

Thống kê 26 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay đạt 7,3 triệu tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản bảo đảm lên tới 16 triệu tỷ đồng. Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện rất đa dạng, gồm bất động sản, tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu…, nhưng phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Trong đó, đứng đầu hệ thống là Agribank, với giá trị sổ sách các tài sản thế chấp tại ngân hàng mẹ đạt tới 2,327 triệu tỷ đồng, tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tương đương tăng 13% so với cuối năm 2020. Riêng tài sản nhận thế chấp là bất động sản đã có giá trị trên 2,018 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp tại Agribank và tăng gần 10% so với năm liền trước.

Kế đến là BIDV với số bất động sản thế chấp được định giá hơn 1,53 triệu tỷ đồng cuối năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Ngoài ra, 2 ngân hàng có tài sản bảo đảm bằng bất động sản trên 1 triệu tỷ đồng là VietinBank (1,49 triệu tỷ đồng), Vietcombank (1,16 triệu tỷ đồng)… Tỷ trọng bất động sản trong các tài sản thế chấp của những ngân hàng trên thường ở mức 65 - 70%.

Lo ngại nợ xấu bất động sản tăng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo bổ sung gửi Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ ba về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Theo đó, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%, nhưng những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi. Ngoài tác động làm suy giảm chất lượng tài sản, dịch bệnh diễn biến phức tạp còn có nguy cơ làm suy giảm mức độ an toàn vốn, cũng như kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng khi phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

Trong bối cảnh đó, tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới. Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng, tổng dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm ngày 31/3/2022 đã tăng đến 11% so với cuối năm trước, với hơn 109.600 tỷ đồng.

Trước đó, tại báo cáo chính thức trình Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (thừa ủy quyền Thủ tướng ký) cho biết, đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2.076.700 tỷ đồng (gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34.700 tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.

Đó cũng lý lý do ngành ngân hàng đưa ra chủ trương “siết” mạnh hơn trong cho vay bất động sản, nhất là bất động sản đầu cơ. NHNN Chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý chặt tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế cấp vốn cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, chủ trương giám sát, hạn chế tín dụng vào bất động sản được thực hiện từ nhiều năm qua, chứ không phải năm nay mới làm. Nguyên nhân là tín dụng vào bất động sản và chứng khoán mang tính rủi ro cao, nên các ngân hàng cần phải hạn chế. Nhưng chỉ phân khúc bất động sản đầu cơ mới bị hạn chế, còn nhu cầu vay để đáp ứng chỗ ở của người dân, cũng như các dự án đang triển khai có tính pháp lý đầy đủ rõ ràng vẫn được ngân hàng triển khai cho vay.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, những năm qua, ngân hàng này đã kiểm soát và làm tốt trong cho vay bất động sản. Ngân hàng chỉ cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung ở các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị.

Trước đó, Techcombank ra thông báo tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản kể từ cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc này là nhằm tuân thủ quy định chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Techcombank vẫn tham gia tài trợ các khách hàng và dự án tốt.

Tin bài liên quan