Thị trường nhôm chứng kiến "cú đánh kép"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhôm là kim loại mới nhất bị ảnh hưởng trong các sóng gió của nền kinh tế toàn cầu khi giá giảm trong bối cảnh nhôm của Nga có nguy cơ bị bán tháo.
Thị trường nhôm chứng kiến "cú đánh kép"

Đầu tuần này, dự trữ nhôm tại các kho của Sở giao dịch kim loại London (LME) đã tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về khả năng bán phá giá nhôm có xuất xứ từ Nga.

Nhà Trắng cũng đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu nhôm từ Tập đoàn Rusal của Nga để đáp trả việc leo thang xung đột với Ukraine.

“Thật đáng thất vọng cho thị trường nhôm khi chứng kiến ​​một cú đánh kép do nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc, mà còn cả Nga bán phá giá nhôm trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, chắc chắn quý này sẽ phản ánh những thách thức đó”, Timna Tanners, nhà phân tích kim loại và khai thác của Wolfe Research cho biết.

Giảm triển vọng cho nhôm

Trừ khi có một số hành động để ngăn chặn khả năng bán phá giá kim loại có xuất xứ từ Nga và nhu cầu của Trung Quốc tăng cao cả về phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng bất động sản thì triển vọng của nhôm sẽ không có gì tích cực trong quý IV này.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc có thể được cải thiện nhanh chóng do Trung Quốc tiếp tục phát tín hiệu sẽ tiếp tục tuân thủ các chính sách Zero Covid.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu ở những nơi khác giảm xuống khi lãi suất tăng, và nhiều người ở châu Âu cũng đang phải đối mặt với chi phí vận hành cao hơn, chủ yếu là do giá điện tăng cao.

“Điện chiếm khoảng 30% tổng chi phí cho một nhà máy luyện nhôm, vì vậy họ đã hoàn toàn bị tê liệt trong một số hoạt động ở châu Âu”, nhà phân tích Timna Tanners cho biết.

Dự trữ tăng lên là một dấu hiệu xấu

Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác của CBA cho biết, trong khi LME không công bố nguồn nhôm được lấy từ đâu khi tồn kho tăng, sự gia tăng trong kho dự trữ toàn cầu là một dấu hiệu xấu cho thấy giá kim loại cơ bản đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về suy thoái.

Trong khi đó, bất kỳ sản lượng nhôm nào của Nga vào các kho LME cũng gây ra một vấn đề phức tạp hơn.

“Giá nhôm tại LME có thể giao dịch ở mức chiết khấu so với các nguyên tắc cơ bản nếu sàn giao dịch trở thành bãi thải cho kim loại của Nga vì Nga chiếm khoảng 17% sản lượng nhôm của thế giới”, nhà phân tích Vivek Dhar cho biết.

Ewa Manthey, chiến lược gia kinh tế hàng hóa ING cho biết, nếu Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất nhôm của Nga, điều này có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nhôm toàn cầu.

Động thái này đã được chứng kiến ​​vào năm 2018 khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú Nga Oleg Deripaska và các công ty mà ông sở hữu, bao gồm cả Rusal.

Rusal không chỉ là nhà sản xuất nhôm nguyên sinh chính, mà còn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để sản xuất kim loại, bauxit và alumin. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ đối với xuất khẩu nhôm của Nga đều sẽ có tác động sâu rộng đối với hoạt động mua bán kim loại trên thế giới.

“Các lệnh trừng phạt năm 2018 của Rusal đã ảnh hưởng đến các hoạt động ở Guinea và Jamaica, trong khi các nhà máy luyện kim ở châu Âu phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô”, chiến lược gia Ewa Manthey cho biết.

Tin bài liên quan