Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến phát triển bền vững

Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù được nhận định xuất khẩu hàng hóa sang EU có thể phục hồi từ quý IV/2023, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng bền vững.

Nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng chuỗi cung ứng đa dạng với EU

Hiệp định EVFTA là ưu thế rất lớn của Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững với các đối tác EU khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore.

Với lộ trình ưu đãi cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU trong thời gian tới. Mặt khác, Việt Nam cũng được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao từ EU; EU hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu khoảng hơn 3 nghìn tỷ EUR, trong đó thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,7% (theo Eurostat năm 2022).

Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Các nhóm mặt hàng trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam hầu hết đều là những mặt hàng EU có nhu cầu nhập khẩu và đã chuyển đổi sản xuất. Do vậy, dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và dòng đầu tư mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng cạnh tranh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các đối tác EU tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững cùng có lợi với EU. Đặc biệt, với ưu thế về vốn và công nghệ, cùng những ưu tiên của EU về chuyển đổi “xanh và số” sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU và cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.

Thời cơ là hiện hữu, tuy nhiên chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2023 tổ chức tại TP. HCM mới đây, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, để tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA, đón đầu các cơ hội thị trường cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Khả năng kinh tế EU tăng trưởng chậm lại và lạm phát tuy đã điều chỉnh nhưng vẫn ở mức cao sẽ tác động đáng kể đến chi tiêu của người tiêu dùng... Bên cạnh đó, EU đang đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phi thuế quan, đặc biệt siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Hàng loạt các đề xuất chính sách mới đã được EU công bố thời gian gần đây, trong đó nhiều quy định dự kiến có hiệu lực trong năm 2023, điển hình như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Dự luật thẩm định chuỗi cung ứng (CSDD), hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn...

Mặc dù với lộ trình ưu đãi EVFTA, thuế quan giảm xuống, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe hơn về SPS, TBT, truy xuất nguồn gốc, các điều kiện môi trường, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững. Tuy nhiên phải nhìn nhận đây là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

... Nhưng đối mặt với những thách thức về phát triển bền vững

Để tìm cơ hội thay đổi và có hướng đi mới, ông Đặng Quốc Thắng, đại diện Decathlon - Tập đoàn thể thao toàn của cầu của Pháp cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất một số trục hành động.

Đó là: Sản xuất tinh gọn: Tối ưu quy trình, tiết kiệm và giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục; Đẩy mạnh sản xuất xanh: sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời...), xây dựng lộ trình ngừng sử dụng than đá, thay vào đó sử dụng nguyên liệu sinh khối (biomass), đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng nguyên liệu tái chế trong thiết kế sản xuất; Nghiên cứu và từng bước đầu tư tự động hóa, số hóa các quy trình thiết kế, báo giá, quản lý sản xuất hướng tới mô hình nhà máy tiên tiến và tăng tính tự chủ, ra quyết định; Thích ứng với đơn hàng nhỏ và lead time ngắn hơn; Cuối cùng là xây dựng chế độ để giữ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chuẩn bị giai đoạn hồi phục, tăng tốc.

Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Vietnam-EU Trade Forum chia sẻ tại cùng diễn đàn, khi người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và các công ty tập trung và đầu tư nhiều hơn vào logistics xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng bền vững.

"Việt Nam đối mặt với thách thức kép khi không chỉ phải tích hợp vào các chuỗi cung ứng toàn cầu này mà còn phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh. Để giải quyết những khó khăn này, cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng; nâng cao năng lực logistics và đào tạo nguồn nhân lực", ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan