Lợi nhuận ấn tượng có lặp lại?

Lợi nhuận ấn tượng có lặp lại?

(ĐTCK-online) Năm 2007 được đánh giá là năm khá khó khăn đối với các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng quốc doanh, song hầu hết ngân hàng vẫn về đích xuất sắc; lợi nhuận của các ngân hàng như VCB, BIDV, Incombank, Agribank, ACB, STB đều đạt từ 1.400 tỷ đồng đến gần 3.000 tỷ đồng, bám sát là các ngân hàng như Eximbank, Techcombank, VIB Bank…

Cổ phần "lấn" quốc doanh

Trong năm 2007, nhất là thời điểm đầu năm, TTCK sốt nóng, nguồn vốn đã có sự dịch chuyển mạnh sang thị trường này, gây khó khăn đối với hoạt động huy động vốn trên thị trường ngân hàng. Trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, TTCK đồng thời gián tiếp hạn chế vốn đầu ra của các ngân hàng. Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng đã gia tăng quy mô hoạt động bằng cách chuyển đổi mô hình từ nông thôn sang đô thị khiến miếng bánh thị phần và lợi nhuận của các đơn vị khác bị chia sẻ. Đứng sau mỗi ngân hàng mới chuyển đổi đều là những tập đoàn kinh tế lớn đã đẩy cuộc cạnh tranh về mạng lưới, dịch vụ và cả lãi suất trở nên căng thẳng hơn, tập trung tại các thành phố lớn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng có mức huy động vốn tăng rất cao như Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, tăng 1.136%, Nam Việt tăng 806%, Đại Dương tăng 781%... Ở mặt vĩ mô, tác động từ chính sách quản lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động ngân hàng, đơn cử như tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, siết lại vốn cho vay đầu tư chứng khoán, hay tình trạng thừa ngoại tệ, thiếu nội tệ diễn ra vào cuối năm khiến chi phí đầu vào của mỗi ngân hàng đội lên đáng kể.

Với những khó khăn như vậy, nhưng hoạt động kinh doanh ngân hàng vẫn có những thành công đáng kể. Ấn tượng nhất là sự chuyển dịch trong cơ cấu lợi nhuận; thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ chênh lệch lãi suất huy động - cho vay, lợi nhuận của các ngân hàng đã đến từ các sản phẩm - dịch vụ mới, trong đó có cả những sản phẩm phái sinh hay việc góp vốn mua cổ phần, hùn vốn liên doanh, kinh doanh chứng khoán...

Phát biểu tại Hội nghị về thị trường vốn ngày 24/1 vừa qua, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB Bank cho biết, sự chuyển dịch trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng như trên là phù hợp với xu hướng trên thế giới và tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các ngân hàng. Trong năm 2008, ngân hàng nào đầu tư mạnh cho hệ thống công nghệ, tăng cường phát triển dịch vụ thẻ, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới thì ngân hàng đó sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Cùng với sự thay đổi trong cơ cấu lợi nhuận, trong năm 2007, cơ cấu thị phần trên thị trường ngân hàng cũng có thay đổi rõ rệt. Cụ thể, trong khi khối tổ chức tín dụng cổ phần có lượng vốn huy động tăng 98,69% (158.755 tỷ đồng) thì khối tổ chức tín dụng nhà nước chỉ tăng 21,11% (119.737 tỷ đồng). Thị phần dư nợ tuy vẫn tập trung chủ yếu ở khối quốc doanh nhưng so với năm 2006 thì thị phần này tại khối quốc doanh trong năm 2007 giảm 7,24%, ngược lại khối cổ phần có sự gia tăng 6%.

Việc lấn sân của khối cổ phần được đánh giá sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2008, gắn liền với nỗ lực mở rộng thị phần và gia tăng chất lượng dịch vụ.

 

Ngoại sẽ lấn nội?

Liệu các ngân hàng có lặp lại được kết quả lợi nhuận ấn tượng như trong năm 2007? Câu hỏi này không dễ trả lời khi cục diện trên thị trường ngân hàng đang có nhiều thay đổi. TTCK được khẳng định tiếp tục phát triển, tạo cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp; thị trường bất động sản tiếp tục nóng, vàng biến động giá mạnh sẽ là những cơ hội lựa chọn của những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm; khi đó, lựa chọn gửi vốn tại ngân hàng có thể sẽ được xếp ở hàng thứ yếu, nhất là trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ ở mức cao.

Bên cạnh đó, thay đổi lớn nhất nằm ở sự xuất hiện một loạt ngân hàng mới; 9 ngân hàng với sự hậu thuẫn mạnh từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, FPT, PetroVietnam... đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập, hiện đang ráo riết chuẩn bị nhập cuộc. Nhiều khả năng sẽ có sự chuyển dịch từ khách hàng của các ngân hàng có thâm niên hoạt động về những ngân hàng mới này; và lợi nhuận do đó có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi sẽ có nhiều ngân hàng nội địa thành lập mới, khối ngân hàng nước ngoài cho biết, họ sẽ tăng cường khẳng định sự hiện diện và ảnh hưởng thông qua kế hoạch thành lập các ngân hàng con 100% vốn. Các ngân hàng trong nước phải chấp nhận môi trường cạnh tranh bình đẳng và toàn diện hơn với những "đồng nghiệp" đến từ các quốc gia mạnh, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, công nghệ cao.

Theo lời một quan chức NHNN thì đây mới là đối thủ và mối lo giảm thị phần lớn nhất của ngân hàng nội. Nhanh nhạy và kinh nghiệm nhiều hơn, ngân hàng ngoại đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ về nhân lực để sau khi nhận giấy phép 1 - 2 tháng là bắt đầu mở cửa đón khách.

Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN đầu năm 2008 đã phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ với những động thái: tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn chế cơn sốt tăng trưởng tín dụng, kiềm chế những lĩnh vực cho vay có lợi nhuận cao nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro... Với những diễn biến như trên, năm 2008 được nhận định sẽ là một năm có không ít khó khăn đối với mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng.