Cần có những quy định chi tiết, cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn

Cần có những quy định chi tiết, cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn

Mô hình hình phễu trong quản lý đầu tư nước ngoài

Nếu thiếu các quy định cụ thể, giới đầu tư sẽ không có nhiều cơ hội hưởng lợi từ mục tiêu tạo thuận lợi cho nhà đầu tư của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Nhà nước lo quản lý

Mô hình hình phễu mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra để minh chứng cho những thay đổi tới đây trong quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đang thu hút sự quan tâm của cả giới đầu tư và các cơ quan quản lý.

Giải thích tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức cuối tuần qua), ông Hoàng cho biết, mô hình này tương tự như thông lệ quốc tế, nghĩa là, thủ tục gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thiết kế thuận lợi, dễ dàng.

“Trong điều kiện của Việt Nam, ‘miệng phễu’ có thể thu hẹp hơn một chút, các công cụ hậu kiểm, hàng rào kỹ thuật sau cấp phép sẽ được hoàn thiện để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết và cơ quan quản lý nhà nước có công cụ hiệu quả để thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Hoàng phân tích và gọi cách quản lý hiện tại là phễu úp ngược, nghĩa là chặt chẽ, phiền hà đầu vào, nhưng lỏng lẻo trong hậu kiểm và kém hiệu quả. Đây là một trong những lý do mà ông Hoàng cho rằng, cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào “sạt nghiệp” vì vi phạm quy định về môi trường.

“Ngay trong các ngành Việt Nam ưu đãi đầu tư, như ngành điện, thì đến nay mới có 9 dự án BOT, với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD. Nếu tính thời gian đàm phán một dự án 4 - 5 năm, cộng thêm vài năm xây dựng, thì không nhìn thấy dự án mới nào đi vào hoạt động từ nay tới năm 2020”, ông Hoàng thẳng thắn.

Đương nhiên, đi theo mô hình này, phải có những thay đổi lớn về khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách. “Điều này là cần thiết để đảm bảo mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô vốn nhỏ đang chiếm tỷ trọng lớn, với gần 30% số dự án có vốn dưới 500.000 USD”, ông Hoàng cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, cần đặt rõ mục tiêu trong quản lý nhà nước là phải nâng chất lượng dòng vốn FDI, chứ không phải là số lượng. Điều này có nghĩa là, khung khổ pháp lý phải được thiết kế để thực hiện yêu cầu này.

“Không nên dễ dàng trong thủ tục gia nhập thị trường đến mức ai cũng có thể đầu tư được. Nền kinh tế Việt Nam không cần những dự án FDI quy mô quá nhỏ trong những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được”, ông Mại nhấn mạnh.

Nhà đầu tư chờ thực hiện

Tuy nhiên, có vẻ như mối quan tâm của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài tại Hội thảo này không chỉ là mô hình quản lý, mà quan trọng hơn, đó là những điều kiện, tiêu chí cụ thể mà họ phải tuân thủ cũng như cách thức thực hiện.

Là người hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, có cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhiều nhà đầu tư là đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán quốc tế Ernst&Young Việt Nam hiểu khá rõ những băn khoăn của của các doanh nghiệp này.

“Định nghĩa về nhà đầu tư nước ngoài là khái niệm quan trọng mà các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Nhà đầu tư có thể căn cứ vào định nghĩa này không chỉ để xác định thủ tục áp dụng phù hợp, mà quan trọng hơn là xác định quyền kinh doanh của mình, đặc biệt đối với một số lĩnh vực có điều kiện và hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài”, bà Hương phân tích.

Thậm chí, đại diện của Kinderworld còn cho rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư kéo dài không phải là vấn đề quá trầm trọng. “Điều mà chúng tôi quan tâm là quy định pháp luật và việc thực thi pháp luật rõ ràng”, vị đại diện này nói.

Chiếu theo những nội dung của Dự thảo Luật Đầu tư được đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo, yêu cầu này là chính đáng. Bởi lẽ, một trong những thay đổi lớn tại Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi so với quy định hiện hành là việc phải xác định rõ khái niệm mang tính quyết định lớn tới việc lựa chọn khung pháp lý mà nhà đầu tư phải tuân thủ.

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong những đề xuất cải thiện thủ tục về đầu tư, đặc biệt là việc thu hẹp phạm vi cấp giấy chứng nhận đầu tư (chỉ còn những dự án lớn, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ, những dự án đầu tư trong ngành nghề đầu tư có điều kiện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư), thì các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với đặc thù so với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, sẽ phải tuân thủ theo các điều kiện trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. “Ban soạn thảo sẽ lên danh mục ngành nghề cấm đầu tư, ngành nghề đầu tư để ban hành kèm theo Luật Đầu tư”, ông Tuấn cho biết.

Cũng phải nói thêm, trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhà đầu tư nước ngoài khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp hay góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng các điều kiện này.

Đó là chưa kể hàng loạt câu hỏi rất cụ thể, như thế nào là phù hợp với quy hoạch liên quan trong điều kiện về đầu tư phù hợp với quy hoạch, lý giải tại sao thời gian đăng ký thành lập của doanh nghiệp nước ngoài dài hơn 10 ngày so với doanh nghiệp trong nước…

Rõ ràng, đúng như ý kiến của nhiều nhà đầu tư, sự thuận lợi hay không trong thực thi pháp luật về đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào những quy định cụ thể, chi tiết những gì họ được làm và cách thức làm…

Tin bài liên quan