Mua bán nợ: công cụ tài chính giải quyết khủng hoảng và tái cấu trúc DNNN

Mua bán nợ: công cụ tài chính giải quyết khủng hoảng và tái cấu trúc DNNN

(ĐTCK-online) Trên thế giới, việc xuất hiện các định chế tài chính trung gian như các công ty quản lý nợ và tài sản (AMC) là rất cần thiết cho quá trình cải cách lại tình hình tài chính DN khi gặp khủng hoảng hoặc mất ổn định về kinh tế.

Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) là DNNN hạng đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 với nhiệm vụ thay mặt Nhà nước tiếp nhận và xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng (TSTĐ) đã được loại trừ khỏi giá trị của DNNN chuyển đổi thành CTCP; thực hiện kinh doanh, mua - bán, xử lý nợ và các TSTĐ để giúp lành mạnh hoá tình hình tài chính cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.

Giúp Nhà nước xử lý nợ và TSTĐ

Bắt đầu hoạt động từ năm 2004 đến nay, DATC đã làm khá tốt việc tiếp nhận, tổ chức định giá và xử lý dứt điểm các khoản nợ và TSTĐ từ các DN chuyển đổi. Công ty đã thu về hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước từ số nợ và TSTĐ đã bị loại ra khỏi quá trình sản xuất - kinh doanh của DN. Chủ yếu là các loại tài sản hoặc công nợ phải thu không còn giá trị đối với các CTCP được chuyển đổi từ DNNN; giúp các đơn vị này giải phóng mặt bằng sản xuất, trút bỏ được gánh nặng xử lý các khoản nợ và TSTĐ đã đầu tư không hiệu quả, để tập trung ổn định và phát triển trong một mô hình quản lý kinh doanh mới, đa dạng hoá hình thức sở hữu với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong hoạt động của DN.

Tính đến hết ngày 30/6/2008, DATC đã tiếp nhận nợ và TSTĐ cho 2.190 DN chuyển đổi, với tổng giá trị tài sản (kể cả nợ) là 4.121 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sổ sách thực tế bàn giao sang cho Công ty xử lý là 2.681 tỷ đồng, gồm có gần 1.500 tỷ đồng TSTĐ và 1.181 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi, còn lại là nhóm nợ và tài sản đã được DN tự xử lý hoặc chuyển giao. Hoạt động xử lý nợ và tài sản thông qua quá trình định giá, bán đấu giá công khai tài sản hoặc đi thu hồi nợ đã giúp DATC trực tiếp thu hồi về cho Nhà nước hơn 306 tỷ đồng trên tổng giá trị sổ sách của số TSTĐ này là 1.123 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi vốn 27%. Đây là một cố gắng lớn của Công ty trong điều kiện cơ chế chính sách đặc thù về hoạt động xử lý nợ và TSTĐ hiện nay còn nhiều bất cập và không đồng bộ, chưa được các cơ quan quản lý liên quan tháo gỡ kịp thời.

Trong các năm 2004 và 2005, DATC chỉ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ và tài sản được Chính phủ chỉ định như các trường hợp của Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (EXIMBANK), Công ty TNHH Việt Hà, Ngân hàng TMCP Việt Hoa, Công ty XNK Ngũ Cốc GRAINCO, CTCP Xây dựng và kinh doanh nhà Cửu Long…, để giúp các đơn vị này vượt qua khó khăn về tài chính, cải thiện quan hệ tín dụng và ổn định lại sản xuất. Còn hoạt động tự chủ trong kinh doanh mua - bán nợ theo thoả thuận thì lại diễn ra rất hạn chế, chỉ mang tính chất tập dượt và thử nghiệm những bước đi đầu tiên của hình thức mua nợ để đi đòi nợ thuần tuý. Đến năm 2006, nhất là từ cuối năm 2007 đến nay, Công ty đã thay đổi cơ bản chiến lược hoạt động, tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, mua  - bán, xử lý nợ theo hình thức thoả thuận gắn chặt với quá trình hỗ trợ sắp xếp và chuyển đổi cho DNNN đúng như mục tiêu ban đầu khi được thành lập.

Thành công bước đầu trong kinh doanh nợ và rủi ro

Cho đến nay, với việc đầu tư gần 1.405 tỷ đồng mang tính chất dài hạn, Công ty đã và đang triển khai tới 72 phương án mua  - bán, xử lý nợ theo hình thức thoả thuận để giúp cho hệ thống NHTM của Nhà nước cắt giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu và triển khai phương án cổ phần hoá theo lộ trình. Không những thế, DATC đã và đang giữ vai trò bà đỡ, trợ giúp hiệu quả cho hơn 60 DN, phần lớn là các DNNN đang gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có đơn vị đã phải tính đến phương án giải thể hoặc phá sản, có điều kiện giải quyết dứt điểm nợ hoặc TSTĐ, đủ cơ sở tái cơ cấu lại tình hình tài chính, cấu trúc lại cơ cấu tổ chức để phục hồi lại hoạt động sau khi chuyển đổi thành các CTCP có vốn đầu tư của DATC. Chính trong vai trò vừa là chủ nợ đồng thời là chủ sở hữu chính của DN, DATC mới có đủ điều kiện tái cấu trúc lại toàn bộ DN.

Trong hơn 1 năm mua nợ để tái cơ cấu chuyển đổi DN, DATC đã giúp chuyển đổi hiệu quả cho 4 DNNN thành CTCP, đó là CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Procimex Việt Nam, CTCP Mía đường Sơn La và CTCP Mía đường Kon Tum. Đây là nhóm DN gặp khó khăn rất lớn về tài chính, có số lỗ luỹ kế và mất vốn chủ sở hữu (thực tế là vốn của Nhà nước) từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng, tình trạng sản xuất đình trệ, công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hưởng vì các cơ quan quản lý chưa tìm được biện pháp xử lý hiệu quả nhất các tồn tại tài chính để chuyển đổi cho DN. Chính nhờ quá trình mua nợ từ các ngân hàng và chủ nợ liên quan, DATC trở thành chủ nợ lớn nhất của DN và đã trực tiếp thay mặt Nhà nước xử lý dứt điểm các tồn tại về nợ và tài chính để DN đủ điều kiện chuyển đổi thành CTCP theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và thông lệ quốc tế. Không chỉ tham gia tái cơ cấu lại tình hình tài chính, cơ cấu tài sản, vốn và nợ, thực tế buộc DATC phải tham gia sâu hơn trong quá trình tái cấu trúc lại bộ máy quản lý DN, định hình lại rõ quy trình sản xuất, ổn định lại vùng nguyên liệu, duy trì, phát triển các yếu tố đầu vào, đầu ra và cả tâm lý cho người lao động…, để từ đó thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt phương án chuyển đổi cho các DN này.

DATC đang nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều phương án chuyển đổi cho gần 50 DNNN gặp khó khăn như các công ty: Xây lắp I Nam Định, Kiveco Kiên Giang, Nhôm Hà Nội, Cơ khí công nghiệp Sài Gòn, Mía đường Kiên Giang, các DN thuộc Cienco 1, Cienco 5, Cien co 6, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Miền Trung, Sông Hồng… Tình hình chung của các DN trước hoặc sau khi được xử lý nợ và tái cơ cấu tài chính là thiếu vốn hoạt động. Chính vì vậy, DATC đã phải thực hiện những giải pháp tình thế khẩn cấp để hỗ trợ DN, như tiếp tục cho vay hoặc bảo lãnh cho vay vốn lưu động, đầu tư bảo dưỡng phục hồi, nâng cấp máy móc thiết bị, thậm chí kể cả cho vay vốn để giữ lại các tư liệu sản xuất chính…, giúp các đơn vị này vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những giải pháp tài chính nói trên của DATC đã và đang trực tiếp giúp các DN liên quan ổn định lại tình hình hoạt động để các bên có thể tiếp tục thực hiện phương án chuyển đổi cho DN sau quá trình xử lý dứt điểm các khoản nợ và TSTĐ tại DN của DATC. Có thực hiện được ngay các phương án chuyển đổi và ổn định được tình hình sản xuất của DN, DATC mới rút ngắn được thời gian, cũng như nâng cao hiệu quả thu hồi đồng vốn đầu tư của mình.

Việc triển khai hoạt động mua - bán nợ và tái cơ cấu chuyển đổi cho DN khách nợ của DATC đều phải diễn ra trong một thời gian dài, có trường hợp tới gần 2 năm mới hoàn thành, đó là một trong những đặc thù riêng trong hoạt động của DATC. Bởi đây là hoạt động đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn kiểu "ăn xổi". Nó liên quan tới rất nhiều đối tượng và chủ thể trong nền kinh tế, từ ngay bên trong nội bộ DATC, DN khách nợ và các cơ quan chủ quản của DN. Thậm chí, nó còn liên quan đến các cơ chế chính sách và môi trường pháp lý còn đang bất cập cho hoạt động của DATC hiện nay. Chính vì vậy, đánh giá hiệu quả hoạt động mua - bán nợ để tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu DNNN của DATC hiện nay cần phải được nhìn nhận dưới một nhãn quan chiến lược và tầm nhìn dài hạn, chứ không thể tư duy dưới góc nhìn hạn hẹp hoặc ngắn hạn. Với tốc độ thu hồi vốn tới gần 40% như báo cáo tài chính hiện nay của DATC thì chỉ trong 2 - 3 năm nữa, các khoản đầu tư mà Công ty đã bỏ ra hôm nay sẽ mang đến những lợi ích gia tăng và đem đến hiệu quả thực sự.

Khó khăn trước mắt và triển vọng của tương lai

Khi nhìn nhận hoạt động kinh doanh nợ và rủi ro của DATC dưới góc độ kinh doanh ngắn hạn, cho rằng hoạt động này chưa có hiệu quả, gần hết vốn mua nợ, tổn thất tài sản công hay thiếu tính đồng thuận là những đánh giá một chiều, thiếu khách quan vì chưa phản ánh chính xác những thành quả mà DATC đã và đang làm được. Kết quả đó, tuy mới chỉ ở mức độ khiêm tốn nhưng Đảng và Chính phủ đã ghi nhận vai trò rất tích cực của DATC trong tiến trình sắp xếp, củng cố và phát triển khu vực DNNN. Cụ thể, Huân chương lao động Hạng Ba mà DATC vừa vinh dự được Nhà nước trao tặng chính là phần thưởng xứng đáng đối với Công ty trong hoạt động kinh doanh, mua - bán nợ mới mẻ và nhiều rủi ro, nhưng cũng không ít tiềm năng.

Xét cho cùng, mua - bán nợ, tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu cho các DN mà DATC - một mô hình AMC rất mới tại Việt Nam, đã và đang tổ chức hiện nay chính là một trong nhiều biện pháp thích hợp để đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn, thu hồi các khoản nợ và tài sản đã mua hoặc đã đầu tư của Nhà nước và bản thân DATC. Chính từ hoạt động nghiệp vụ này mà DATC đã và đang làm hồi sinh lại rất nhiều DNNN mới chỉ gặp khó khăn tạm thời nhưng còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong hoạt động này, DATC không chỉ bảo toàn và phát triển tốt số vốn Nhà nước đã cấp, mà còn là giải pháp rất hiệu quả để hạn chế tối đa các tổn thất về tài sản từ khối DNNN gặp khó khăn trong chuyển đổi, bởi khả năng phục hồi lại hoạt động cho DN của hoạt động mua - bán nợ.

Đặc biệt, trong thời gian qua đã xuất hiện một số khó khăn tạm thời của nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hoạt động của các DN cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn kinh doanh, lãi suất ngân hàng tăng cao, thị phần bị ảnh hưởng…, chắc chắn sẽ khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng và DN tăng thêm. Do vậy, việc tham gia mua - bán nợ, tái cấu trúc lại hoạt động của ngân hàng và DN như DATC đang thực hiện trong giai đoạn này trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Với những thành quả bước đầu, DATC đã và đang trở thành một công cụ tài chính mạnh của Nhà nước, rất cần thiết trên thị trường tài chính đang ngày càng sôi động tại Việt Nam hiện nay.