Để có lãi thì mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng phải ở mức chênh lệch là 3%. Ảnh minh họa: Đức Thanh

Để có lãi thì mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng phải ở mức chênh lệch là 3%. Ảnh minh họa: Đức Thanh

Cân đối lại lãi suất vì lỗ?

(ĐTCK-online) Theo quy định của cơ chế điều hành lãi suất cơ bản và mức lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng trong tháng 7/2008 thì lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng hiện nay là 21%/năm. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động ấn định lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phù hợp để có chênh lệch lãi suất hợp lý bù đắp chi phí và đảm bảo kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Lãi suất đầu vào đã nâng cao nhưng lãi suất đầu ra lại bị khống chế một mức nhất định khiến nhiều ngân hàng TMCP đang phải tính toán lại các mức lãi suất. Bởi nếu không cẩn thận, việc thua lỗ vì lãi suất huy động được dâng lên quá cao có thể cầm chắc trong tay.

Theo tính toán của giám đốc phụ trách kinh doanh của một ngân hàng TMCP, cân nhắc đầu ra, đầu vào và để có đủ chi phải sản xuất kinh doanh thì mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay phải ở mức chênh lệch là 3%. Con số chênh lệnh giữa đầu ra và đầu vào của lãi suất cũng có thể du di xuống mức 2,5% nhưng chỉ có lãi nếu ngân hàng đó phải biết tính toán, cân nhắc chi li các loại chi phí và tiết kiệm triệt để thì mới áp dụng được mức này.

 Tuy nhiên, theo tính toán của NHNN thì mức dao động giữa lãi suất đầu ra và đầu vào của các ngân hàng phải cao hơn 2 con số trên thì mới đảm bảo kinh doanh thực lãi cho các ngân hàng. Theo NHNN, hiện nay có một số tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam ở mức cao (bình quân từ 17,5%/năm trở lên) và những ngân hàng này có thể sẽ khó khăn trong việc bù đắp chi phí kinh doanh. Trong khi đó, trên thị trường lãi suất hiện nay, có nhiều ngân hàng TMCP đã nâng mức lãi suất huy động VND lên đến mức 18,5 - 19%/năm. Cùng với việc NHNN khống chế lãi suất cho vay 21% thì việc ngân hàng siết chặt việc thu phí của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp vay vốn sẽ khiến các ngân hàng thương mại phải tính toán kỹ hơn bài toán huy động vốn của mình.

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN vừa có văn ban hành, yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát các mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam hiện nay để xem xét điều chỉnh ở mức thích hợp, đảm bảo có chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ở mức hợp lý bù đắp đủ chi phí kinh doanh.

Thống đốc NHNN giao giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát các mức lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Yêu cầu các tổ chức tín dụng có mức huy động vốn bình quân từ 17,5%/năm trở lên báo cáo phương án kinh doanh phù hợp với mức lãi suất huy động vốn; tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết phù hợp với quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng có mức lãi suất huy động vốn ở mức cao, không có khả năng bù đắp chi phí kinh doanh.

Trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng thương mại cho rằng, trong lần nâng lãi suất hồi tháng 6, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vì “giữ khách”, tránh trường hợp khách hàng quen bỏ sang ngân hàng khác vì lãi suất cao hơn, bởi tổng nguồn vốn huy động từ dân cư trong đợt này không nhiều. Hiện tại, trên thị trường lãi suất một vài ngân hàng có mức lãi suất huy động VND “đột phá” ngưỡng 20%/năm đã chính thức giảm xuống thấp hơn. Một số ngân hàng TMCP khác vẫn giữ mức lãi suất huy động VND trên 18% đến 19%/năm nhưng các ngân hàng này cũng đưa ra những điều kiện khá chặt chẽ buộc khách hàng phải tuân thủ nếu muốn được hưởng mức lãi suất này.

Lãi suất huy động cao nhất của VP Bank là 18,7%/năm nhưng áp dụng cho kỳ hạn 12, 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. ABBank cũng có lãi huy động VND lên đến 18,9%/năm nhưng dành cho khách hàng gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. NaviBank cũng áp dụng lãi suất 19%/năm đối với khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng…

Mặc dù lãi suất khá hấp dẫn nhưng không phải khách hàng nào cũng hội tụ đủ điều kiện mà các ngân hàng đặt ra để được hưởng mức lãi suất cao như vậy. Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại thì hầu hết khách hàng cá nhân chỉ đủ điều kiện để được hưởng mức lãi suất 17 - 18%/năm. Dù các ngân hàng TMCP cho rằng, hiện tại họ vẫn có thể cân đối các khoản chi phí để bù đắp kinh doanh có lãi nhưng tới đây các ngân hàng cũng sẽ tính toán lại bài toán lãi suất để thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN.

Gia Linh 

Tin liên quan:

*Siêu lãi suất

>>Tuýt còi ngân hàng tăng lãi suất huy động
>>NHNN kiểm tra lãi suất huy động của các TCTD