Doanh nghiệp chật vật với bảo hiểm nông nghiệp

Doanh nghiệp chật vật với bảo hiểm nông nghiệp

(ĐTCK) Theo ước tính từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 8, có gần 100.000 hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 60 tỷ đồng, còn tổng số tiền bảo hiểm đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chật vật với bảo hiểm nông nghiệp ảnh 1Nhận thức về BH còn yếu của nông dân là một trong những rào cản triển khai BH nông nghiệp

 

Con số này được xem là đáng khích lệ trong bối cảnh bảo hiểm nông nghiệp còn không ít thách thức. Mặc dù vậy, nhìn từ góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, những người trực tiếp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, cảm giác còn khá chật vật với loại hình bảo hiểm mới mẻ này.

“Người dân bình thường nhận thức về bảo hiểm đã khó, huống chi là người nông dân, với trình độ nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế hơn”, ông Hồ Quang Đăng, Trưởng Ban Bảo hiểm nông nghiệp Bảo Minh cho biết.

Cũng theo ông Đăng, trên thực tế, Công ty đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhưng ở một vài nội dung, người dân vẫn không hiểu, và đặc biệt, mong muốn của người dân đôi khi không trùng với nguyên tắc bảo hiểm cũng như những gì mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung ứng.

Ông Đăng cũng liệt kê ra một loạt trường hợp “lệch pha”. Chẳng hạn, trong khi người dân mong muốn bảo hiểm tất cả các loại thiên tai, dịch bệnh, cả những tổn thất không phải do rủi ro thì về nguyên tắc, bảo hiểm chỉ bảo hiểm rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn. Hay trong khi nguyên tắc bảo hiểm là trung thực tuyệt đối, người nông dân vẫn không muốn cung cấp các chứng từ có liên quan, thực hiện các thủ tục cần thiết, dù đã được tiết giảm khá nhiều. Thậm chí, người dân thì mong mỏi số tiền bảo hiểm được cao hơn nhưng phí bảo hiểm thấp, điều này rất khó thực hiện được.

Còn theo ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng Ban Bảo hiểm nông nghiệp Bảo hiểm Bảo Việt, một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp bảo hiểm đó là đặc thù bảo hiểm nông nghiệp là rủi ro cao, sản xuất nhỏ lẻ, đặc thù vùng miền.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng bày tỏ chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi tỷ lệ phí thu được từ bảo hiểm nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh số của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn băn khoăn về việc người nông dân không thực hiện đúng quy trình, dẫn đến khó khăn trong việc giám sát và giải quyết tranh chấp nếu có. Vì vậy, một số quy định liên quan đã được điều chỉnh theo hướng tính đến cả quyền lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Lộc cho biết.

Một loạt các buổi tổng kết, tọa đàm, hội thảo liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp thời gian gần đây cũng đang cho thấy nỗ lực chung tay cải thiện sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Được biết, ngày 25/9 tới, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ phối hợp với các bên liên quan để tổ chức Hội thảo Tái bảo hiểm trong nông nghiệp.     

Các doanh nghiệp được tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia - Vinare (thu xếp tái bảo hiểm) và sắp tới sẽ có thêm sự tham gia của Tổng CTCP Bảo hiểm nông nghiệp (ABIC).

Theo chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp với uỷ ban nhân dân cấp xã tại các tỉnh, thành triển khai thí điểm để tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, cập nhật về quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp dự kiến triển khai tại địa bàn cho người mua bảo hiểm. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo đại lý, phát triển kênh phân phối, tổ chức hướng dẫn tham gia bảo hiểm; ký kết hợp đồng bảo hiểm để phục vụ tốt đối tượng được hỗ trợ tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất khi xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho người tham gia bảo hiểm nhanh chóng, thuận tiện. Trong trường hợp doanh nghiệp lỗ quá 10%, thì sẽ báo cáo để được Chính phủ hỗ trợ.