Tình trạng chiếm dụng vốn của khách hàng, giao nhà chung cư chậm tiến độ phổ biến tới mức nhận nhà đúng thời hạn hợp đồng là chuyện lạ.

Tình trạng chiếm dụng vốn của khách hàng, giao nhà chung cư chậm tiến độ phổ biến tới mức nhận nhà đúng thời hạn hợp đồng là chuyện lạ.

Lộn xộn bán nhà, người mua lãnh đủ

(ĐTCK-online) Hàng trăm, hàng nghìn dự án bất động sản đang được triển khai, song việc thiếu nhất quán trong các quy định khi nào chủ đầu tư được bán và nhận tiền đặt cọc từ người mua đang gây ra nhiều nhầm lẫn trong thực tế và đẩy thiệt hại về phía khách hàng, thậm chí có dự án lách luật, huy động vốn từ khi có quyết định giao đất bằng việc lập ra cái gọi là hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng nhà ở. Tình trạng chậm bàn giao nhà so với hợp đồng xảy ra nhan nhản, nhưng chủ đầu tư hoàn toàn vô can vì tranh mua được căn hộ giá gốc quá khó khăn, khiến người ta chấp nhận mọi điều kiện chủ đầu tư đưa ra.

Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư được huy động vốn khi nào nền móng hay công tác lắp đặt hạ tầng đường ống hoàn tất; Luật Kinh doanh bất động sản lại quy định, khi nào cơ sở hạ tầng hoàn tất nhưng không có định nghĩa về cơ sở hạ tầng… Chính những thông tin thiếu nhất quán như vậy, khiến chủ đầu tư mỗi nơi vận dụng mỗi cách. Có dự án xây dựng xong móng mới huy động vốn, có dự án xong đường điện, nước. Và thậm chí, có dự án mới chỉ được giao đất, với trường hợp này, chủ đầu tư không lập hợp đồng bán nhà, mà lách luật bằng cách lập hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng nhà và lập luận rằng, họ tuân theo Luật Dân sự, chứ không thực hiện theo luật chuyên ngành. Hơn 2 năm sau khi có quyết định giao đất, người ta mua bán lòng vòng trên giấy qua tới 4 - 5 chủ, trong khi khu đất chưa có mảy may hạ tầng nào. Rủi ro ở chỗ, nếu như có gì trục trặc, dự án bị thu hồi đất, khách hàng mua nhà trên giấy khó có đường để đòi hỏi quyền lợi từ chủ đầu tư, bởi hợp đồng dài tới 5 trang nhưng nghĩa vụ của bên mua được quy định dài dằng dặc, trong khi bên bán lại rất sơ sài.

Tình trạng chiếm dụng vốn của khách hàng, giao nhà chung cư chậm tiến độ phổ biến tới mức nhận nhà đúng thời hạn hợp đồng là chuyện lạ với người mua. Một dự án trên đường Láng Hạ, hợp đồng ghi thời hạn nhận nhà vào quý IV/2005 nhưng mãi đến năm 2007 mới hoàn thành. Lại có dự án do chậm tiến độ quá lâu, khách hàng yêu cầu bàn giao nhà không được, thế là ai thi công cứ thi công ai ở cứ ở, điện chưa có thì cư dân trong tòa nhà chịu khó “câu” từ đơn vị thi công, rác rưởi bẩn thỉu vẫn phải cắn răng chịu.

Thông thường, doanh nghiệp viện dẫn đủ lý do để giải thích cho tình trạng chậm tiến độ, mà chủ yếu họ đổ tại nguyên nhân khách quan như thủ tục cấp phép xây dựng rườm rà, rồi nhiều tòa nhà phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình xây dựng. Hơn nữa, do năng lực của nhà thầu Việt Nam hạn chế nên một công trình lớn có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà thầu tham gia. Có dự án xây dựng chung cư cao cấp nhưng đến mùa vụ, công nhân ở đội xây dựng chỉ còn vài người vì họ còn bận về giúp vợ con gặt hái, một nhà thầu chậm trễ có thể khiến cả công trình ngừng trệ theo. Rồi chuyện thời tiết, biến động giá cả cũng góp phần làm chậm tiến độ công trình. Ngoài ra, giá vật tư, sắt thép tăng vùn vụt khiến chi phí đội lên, chủ đầu tư mất thời gian lo thu xếp đủ vốn, rồi đàm phán lại với nhà thầu... Có dự án tại quận Hoàng Mai, khách hàng nộp tiền mua đất cách đây 5 năm nhưng vẫn chưa thể xây dựng nhà, nguyên do chủ đầu tư chưa giải quyết xong vướng mắc đền bù với dân.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, chủ đầu tư chậm giao nhà sẽ phải trả lãi cho người mua tính theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm giao bất động sản. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng chậm bàn giao xảy ra như cơm bữa, ngay lời xin lỗi hoặc giải thích của chủ đầu tư cũng chưa thấy, nói gì đến đền bù. “Muốn biết về tiến độ dự án, tôi phải xin số điện thoại di động của ông giám đốc để trực tiếp gọi điện hỏi, đã quá hạn cả 2 năm trời vậy mà khi hỏi về tiến độ giao nhà thì họ trả lời là vẫn chưa xong. Nhưng khi nào chậm nộp tiền nhà thì tôi liên tục nhận được giấy báo từ phía công ty”, một khách hàng (dự án khu vực Cầu Giấy) than phiền.

Luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng trong hợp đồng hầu như không có điều khoản nào ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư khi chậm bàn giao nhà. Bức xúc như vậy, nhưng hầu như chẳng có khách hàng nào dám khiếu nại bởi nếu ra tòa kiện cáo, cùng lắm chủ đầu tư trả lại tiền và lãi suất ngân hàng, trong khi giá nhà đất tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm ký hợp đồng, bực mình thật đấy nhưng khách hàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Văn bản luật thiếu nhất quán, lại không có hướng dẫn cụ thể khiến thị trường bất động sản càng thêm lộn xộn. Tình trạng này vô hình trung cũng tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa một bên là những doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh “ăn xổi”, lợi dụng vốn của khách hàng với một bên là những doanh nghiệp đầu tư bài bản, tuân thủ và cam kết thực hiện đúng hợp đồng, đảm bảo thời hạn giao nhà cho khách hàng.