Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước "bơm" tiền hỗ trợ là nghiệp vụ bình thường, cần thiết và có lợi cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước "bơm" tiền hỗ trợ là nghiệp vụ bình thường, cần thiết và có lợi cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Thanh khoản ngân hàng có đáng ngại?

Thanh khoản ngân hàng có đáng ngại khi nhiều thông tin phản ánh về căng thẳng lãi suất, hạn chế cho vay, Ngân hàng Nhà nước “bơm” lượng tiền lớn…?

Như một quy luật, thời điểm chuyển giao cuối năm cũ và đầu năm mới, nhiều ngân hàng lại đối mặt với khó khăn thanh khoản. Khó khăn đó không chỉ bó hẹp trong hệ thống, đã có trong dự tính nhưng vẫn không tránh khỏi.

 

Ngân hàng vẫn hạn chế cho vay

 

Cuối năm 2009, nhiều nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng: Bước vào năm 2010, các nhà băng sẽ khởi động lại kế hoạch tín dụng, có dư địa mới để có thể đẩy mạnh cho vay trở lại.

 

Thực tế, không chỉ riêng đối với hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay sản xuất kinh doanh cũng đang có sự hạn chế.

 

Trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến cuối tuần qua trên VnEconomy, ông Trịnh Hoàng Duy, Ủy viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho biết, mặc dù Tổng công ty có mối quan hệ hợp tác tốt với nhiều ngân hàng lớn, nhưng hiện nay do bản thân các ngân hàng gặp khó trong huy động vốn từ dân cư nên mặc dù rất thiện chí việc cho vay cũng chưa thực sự thuận lợi (dù đã có cam kết cho vay nhưng ngân hàng vẫn chưa thu xếp được vốn).

 

Về phía ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) xác định, năm 2010 sẽ cố gắng phát triển tín dụng tối đa trên cơ sở tăng trưởng vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, và dự kiến khoảng 25% - 30%.

 

“Tuy nhiên, hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất thấp nên ngân hàng chỉ giải ngân cho các khách hàng truyền thống, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và đủ điều kiện đảm bảo an toàn”, đại diện VPBank cho biết.

 

Trong khi đó, tuần qua nhiều nguồn tin phải ánh hiện tượng một số ngân hàng cho vay với lãi suất vượt trần quy định, thông qua việc thu phí gián tiếp từ 3% - 4%. Gốc rễ của sự “biến tấu” này là do chính ngân hàng cũng buộc phải vay với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng, phải huy động với lãi suất tới trên 12% đối với những khoản tiền gửi lớn theo yêu cầu thỏa thuận của người gửi, hoặc do chính ngân hàng chủ động chào giá…

 

Trên thị trường liên ngân hàng, từ cuối năm 2009, lãi suất đã được đẩy cao. Thông tin từ phía ngân hàng tham gia thị trường này cho biết có thời điểm lãi suất liên ngân hàng đã lên tới 17%, hoặc “treo” ở mức 20%...

 

Trước những nguồn tin trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu tuần này sẽ bắt đầu vào cuộc kiểm tra các ngân hàng có thu phí cho vay, đưa lãi suất về đúng mức quy định. Một lần nữa nhà điều hành lại vào cuộc, khi xuất hiện bất cập trên thị trường; trong khi nguyên do được xác định chủ yếu từ khó khăn thanh khoản, lãi suất thấp ngân hàng khó gọi vốn và cơ chế trần lãi suất cho vay hiện hành.

 

Ngược lại, khá bất ngờ khi một số doanh nghiệp cho rằng ở thời điểm này họ sẵn sàng trả giá vốn cao hơn quy định, miễn là vay được vốn để nắm cơ hội kinh doanh.

 

Trả lời bạn đọc tại cuộc giao lưu cuối tuần qua, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thái Hòa, cho rằng, trong trường hợp nếu phải sử dụng nguồn vốn có lãi suất cao hơn nhưng để cấp vốn cho một thương vụ kinh doanh có hiệu quả cao, thì việc chia sẻ chi phí thêm với ngân hàng cũng hoàn toàn hợp lý.

 

Khó khăn thanh khoản có đáng ngại?

 

Tâm điểm chú ý tuần qua là thông tin Ngân hàng Nhà nước “bơm” 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản cho một số thành viên. Một con số lớn nhưng không bất ngờ, bởi trước đó cơ quan này cũng thường xuyên có hỗ trợ từ khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng hàng ngày thông qua thị trường mở.

 

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, sự hỗ trợ đó là bình thường, kịp thời và không quá lo ngại.

 

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng: “Việc Ngân hàng Nhà nước “bơm” thêm 15.000 tỷ đồng là một động tác tốt góp phần cải thiện khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại và đáp ứng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Và nó cũng góp phần làm cho lãi suất có những yếu tố thực hiện đúng vị trí của nó. Như thế, tính hình thị trường có thể ổn định hơn”.

 

Ngoài ra, ông Kiêm cũng nhận định việc tăng lãi suất cơ bản trong tình hình hiện nay cũng chưa nên đặt ra.

 

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hoạt động trên của Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có khó khăn về thanh khoản là nghiệp vụ bình thường. Điều này là có lợi cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhằm tăng thanh khoản của họ và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

 

Chuyên gia này cũng lưu ý thêm: “Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước bơm tiền có chủ định, có điều kiện và họ có khả năng kiểm soát lượng tiền có trong lưu thông. Vả lại, khối lượng 15.000 tỷ đồng là rất nhỏ so với tổng phương tiện thanh toán hiện có, vào khoảng 1.700.000 tỷ đồng. Vì vậy, tác động của nó đối với lạm phát là không đáng kể”.

 

Liên quan đến nghiệp vụ trên, trong phản hồi về tòa soạn, bạn đọc Minh Huy nhận định rằng, việc “bơm” thêm tiền để cải thiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại là hết sức cần thiết. Và Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng các điều kiện về việc cầm cố giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại để nhiều thành viên có thể tham gia thị trường mở tốt hơn, làm cho hoạt động ngân hàng ổn định.

 

Trước đó, ngày 27/5/2009, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư số 11/2009/TT-NHNN về việc sửa đổi Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2009/TT-NHNN ngày 2/3/2009, quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng. Thông tư này nhằm giúp cho công cụ tái cấp vốn bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sẽ xem xét cho vay cầm cố đối với các ngân hàng được bảo đảm bằng các giấy tờ có giá có đủ tiêu chuẩn nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các ngân hàng tạm thời thiếu hụt khả năng thanh khoản.

 

Về phía ngân hàng, đại diện VPBank cho biết, hiện nay và thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung cho vay khách hàng khối doanh nghiệp, đặc biệt là với những đầu mối có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, có phương án kinh doanh hiệu quả.

 

Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TiênPhongBank), thì cho rằng: “Thanh khoản ngân hàng thực sự không có nhiều vấn đề đáng ngại… Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp quyết liệt và kịp thời như tăng khối lượng và các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở, triển khai các nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng tạm thời có khó khăn thanh khoản. Nhờ đó, trong những ngày đầu của tháng 1/2010, hoạt động của nhiều ngân hàng đã bình ổn trở lại”.

 

Hay trong thông tin gửi đến báo chí cuối tuần qua, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng khẳng định, đang đảm bảo được tính thanh khoản cao. “Trên thực tế, theo các báo cáo hàng tháng, tỷ lệ khả năng chi trả trong 7 ngày của Maritime Bank luôn đạt trên 1,75%”, Maritime Bank cho biết.