TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Việt Nam cần từ 3-5 năm để xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Đó là đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

> Cổ phiếu ngân hàng sẽ có "sóng" nhờ VAMC?

> VAMC với mối lo đòn bẩy tài chính “khủng”

> VAMC - Kỳ vọng và băn khoăn  

Ngày 9/7 tới, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Tại hội thảo “Nợ xấu, lãi suất và tác động đối với TTCK Việt Nam” do CTCK Vietcombank (VCBS) tổ chức, nhiều câu hỏi nhà đầu tư quan tâm đến VAMC đã đặt ra với TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Theo ông, việc xử lý nợ xấu của VAMC mất bao nhiêu thời gian và khả năng thành công là như thế nào?

Tôi cho rằng, dù có tập trung tổng lực xử lý nợ xấu, thì việc mua nợ của VAMC không phải tiến hành một cách ồ ạt, mà phải phân biệt chất lượng nợ. VAMC sẽ mua trước nợ nhóm 4 và nợ có tài sản đảm bảo. VAMC thành lập không chỉ để chuyển nợ xấu của hệ thống ngân hàng sang VAMC, mà còn để mua, bán nợ thực khi thị trường có nhu cầu. Đây mới là yếu tố quyết định thành công của xử lý nợ xấu.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc mua bán nợ xấu. Ở nhiều nước, các nhà đầu tư nước ngoài mua đến 50%-60% nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tại Việt Nam , chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ, VAMC phải có một cơ chế mở rộng để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cùng, bởi nếu chúng ta chỉ dựa vào nội lực, dựa vào các nhà đầu tư trong nước thì sức cầu quá yếu. Với sức cầu yếu, nếu Việt Nam thực hiện bán tống, bán tháo nợ xấu thì hệ quả có thể là làm sụp đổ thị trường bất động sản, nền kinh tế đã khó khăn, sẽ còn khó khăn hơn.

Theo tôi, trong phương án xử lý nợ xấu, điều quan trọng là không làm cho thị trường bất động sản suy thoái thêm. Muốn làm được điều này thì phải điều tiết dòng vốn vào - ra hợp lý, nhằm thanh khoản cho bất động sản. Một vấn đề quan trọng khác để xử lý nợ thành công là cùng với việc thành lập VAMC, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường mua bán nợ Việt Nam phát triển. Tôi cho rằng, Việt Nam phải mất từ 3 đến 5 năm để xử lý nợ xấu.

Phương thức xử lý nợ xấu của VAMC có điểm nào khác biệt và vì sao lại có sự khác biệt như vậy, theo ông?

Điểm khác biệt lớn nhất là nếu như ở các nước khác, họ thực hiện mua lại nợ xấu theo giá thị trường, thì chúng ta đi mua lại theo giá trị sổ sách. Lý do, nếu chúng ta thực hiện mua theo giá thị trường, tức là VAMC sẽ đi mặc cả với các ngân hàng về từng món nợ, thì việc xử lý nợ xấu sẽ bị kéo dài, thậm chí không xử lý được, ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Khi VAMC mua lại nợ theo giá sổ sách, các ngân hàng sẽ không phải “kêu” thiệt thòi trong ngắn hạn. Suy cho cùng, các ông chủ ngân hàng chính là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nợ xấu, phải trích lập trong vòng 5 năm (mỗi năm trích 20%), nên sau 5 năm đủ 100% là xử lý hết. Phương án này để tránh tình trạng “cù nhầy”, dây dưa xử lý nợ, nhất là với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn.

 

Mua nợ theo cách này có đảm bảo quyền lợi của các cổ đông ngân hàng không, thưa ông?

Để đưa ra chính sách cho VAMC, cơ quan quản lý đã phải cân nhắc kỹ lưỡng cả yếu tố chính trị, kinh tế và tâm lý thị trường. Theo tôi, việc mua nợ theo giá trị sổ sách sẽ được thực hiện nhanh chóng, nghiêng về lợi ích của cổ đông đại chúng ngân hàng. Bên cạnh đó, VAMC cũng sẽ có các biện pháp kỹ thuật để hạ chế gian lận trong việc định giá sổ sách các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, để tự bảo vệ chính mình trước rủi ro mất vốn.

Việt Nam cần từ 3-5 năm để xử lý nợ xấu ảnh 1

Các ngân hàng sau khi bán nợ cho VAMC sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng dần 20%/năm

Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu trích lập dự phòng 20%/năm đối với các khoản nợ xấu là cao và các NHTM nhỏ sẽ khó mà “gánh” được, quan điểm của ông về vấn đề này?

Về mức trích lập dự phòng đối với các NHTM, nhiều ý kiến đưa ra tỷ lệ trích lập 15%, 17% thậm chí là 23%. Tuy nhiên, việc quyết định chọn mức 20% là thể hiện thái độ tạo sức ép buộc các NHTM có nợ xấu phải nghiêm túc trong ứng xử với nợ xấu. Phương pháp xử lý như vậy lại rất có lợi cho các ngân hàng lành mạnh, nợ xấu thấp, bởi khi các ngân hàng nợ xấu cao phải trích lập dự phòng lớn, thì các ngân hàng lành mạnh sẽ không chịu sức ép này, họ có cơ hội tăng sức cạnh tranh. Diễn biến này cũng hợp với xu thế chung, ở đó, chỉ ngân hàng lớn, lành mạnh mới đủ sức trường tồn, còn các ngân hàng nhỏ, quản trị yếu kém sẽ dần bộc lộ và buộc phải tái cơ cấu để trở nên lành mạnh hơn.