Thanh khoản là yếu tố sống còn của 
sàn chứng khoán - Ảnh: Hoài Nam

Thanh khoản là yếu tố sống còn của sàn chứng khoán - Ảnh: Hoài Nam

Bốn nhóm phương thức để tăng thanh khoản cho TTCK

(ĐTCK-online) Tất cả những ai theo dõi TTCK Việt Nam đều nhận thấy, trong thời gian gần đây, thanh khoản của thị trường sụt giảm một cách nghiêm trọng. Chúng ta cũng biết rằng Sở giao dịch có một chức năng chính là tạo sự trao đổi, tức là thanh khoản. Nếu không bán được một chứng khoán nào đó thì chắc chẳng ai dám mua, dù chứng khoán đó có tốt như thế nào.

Phạm vi bài viết này muốn đề cập đến những vấn đề cơ bản của thanh khoản trên TTCK và những yếu tố có thể cải thiện thanh khoản.

 

Thanh khoản của TTCK là gì?

Thật ra thanh khoản của TTCK không chỉ đơn giản là tổng số lượng cổ phiếu được trao tay hay giá trị giao dịch của thị trường. Nó là một khái niệm rộng bao hàm cả chất lượng dịch vụ của thị trường. Cụ thể, thanh khoản không chỉ được đo lường bằng doanh số của thị trường, mà nó đo lường bằng mức độ mà thị trường phục vụ được cho những mong muốn của các NĐT tham gia.

 

Nhóm phương thức cải thiện thanh khoản

Có nhiều cách để cải thiện thanh khoản của TTCK. Tuy nhiên, tùy theo cấu trúc thị trường, một số phương thức có thể nằm trong quyền hạn của Sở GDCK/UBCK, một số phương thức có thể là nằm trong phạm vi điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tựu trung lại có bốn nhóm phương thức sau:

Thứ nhất, các quy chế giao dịch và sản phẩm thị trường. Nhóm phương thức này thông thường do Sở GDCK và/hoặc UBCK quyết định, nó đóng vai trò rất quan trọng quyết định thanh khoản của thị trường. Một quy chế giao dịch thông thoáng, quy trình thanh toán nhanh, nhiều sản phẩm đa dạng (equities, bond, delivatives…) sẽ góp phần rất lớn làm tăng tính thanh khoản của thị trường. Cơ chế thanh toán nhanh (T+2 chẳng hạn) sẽ giúp cho luồng tiền và chứng khoán trong thị trường xoay vòng nhanh hơn. Các quy chế giao dịch ngoài mục tiêu là ngăn chặn những hành vi thao túng thị trường, còn có chức năng điều hành thanh khoản. Thông thường, các nhà quản lý lo lắng việc kiểm soát biến động của thị trường bằng việc đưa ra các giới hạn biên độ giá. Tuy nhiên, việc đưa ra biên độ tăng/giảm giá nhỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản của thị trường hơn là mang lại điều tốt đẹp. Thực tế cũng cho thấy, biên độ tăng/giảm giá nhỏ không làm thay đổi cách nhìn của NĐT về một xu hướng đã xác định của thị trường. Sản phẩm margin cũng góp phần rất lớn vào việc nâng cao thanh khoản. Tuy nhiên, một cơ chế vận hành margin hoàn hảo đòi hỏi thị trường phải có một biên độ cho phép dao động tăng/giảm giá đủ lớn. Đặc biệt, hoạt động vay mượn chứng khoán và cơ chế market maker (nhà tạo lập thị trường) cũng có vai trò rất hữu ích trong việc làm tăng thanh khoản của thị trường.

Thứ hai, các quy chế quản trị. Đây là những nhóm phương thức mang tính lâu dài và bền vững cho TTCK. Quy chế quản trị ở đây bao gồm quy chế quản trị các thành tố tham gia thị trường như công ty niêm yết, CTCK, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư, công ty đầu tư, các NĐT… Một quy chế quản trị công ty niêm yết tốt và chặt chẽ sẽ làm tăng độ tin cậy của sản phẩm (chứng khoán niêm yết) và sẽ làm tăng lòng tin của NĐT vào thị trường. NĐT sẽ mạnh dạn mua một cổ phiếu khi tin tưởng rằng, công ty đó đang được các quy định của luật pháp và những quy chế quản trị của các cơ quan quản lý giám sát, ràng buộc chặt chẽ. Quy chế quản trị các CTCK, quỹ đầu tư tốt cũng làm tăng lòng tin vào thị trường và góp phần làm tăng tính thanh khoản. Quy chế quản trị cũng bao gồm cả quy chế vận hành và tuân thủ của Sở GDCK nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp cao nhất.

Thứ ba, các chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến thanh khoản. Điều này quá dễ nhìn thấy ở TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây và chúng ta không cần nhắc đến quá nhiều.

Thứ tư, nhóm cách thức hỗ trợ, như các hoạt động marketing, quảng bá, đào tạo…. Điều này được các Sở GDCK lớn trên thế giới như NYSE (Mỹ), SGX (Singpore)… làm rất tốt. Họ cử người đi khắp thế giới để giới thiệu mình đến các NĐT lớn, chào mời các công ty tốt ở những nước khác đến niêm yết ở Sở GDCK của họ. Các công ty lớn của Việt Nam chắc không ít lần chào đón đại diện các Sở GDCK nước ngoài đến với mục đích này. Các Sở GDCK cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, đào tạo các NĐT. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật của Sở GDCK cho các công ty thành viên giao dịch, nhằm làm tăng khả năng xử lý giao dịch của thành viên. 

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường chính là lòng tin của các thành tố tham gia. Lòng tin của các bên tham gia được xây dựng bắt đầu bằng hệ thống luật pháp, quy định, cách thức ứng xử và tính chuyên nghiệp của các cơ quan quản lý thị trường, các quy chế áp dụng cho các bên tham gia giao dịch và cơ chế giao dịch trong sáng, hiệu quả.