Khi quan điểm đảo chiều

Với phiên giảm điểm khá mạnh ngày 24/9 và sự đảo chiều đi lên vào phiên 25/9, có thể nói TTCK Việt Nam lại bắt đầu hồi hộp đón chờ một diễn biến mới. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam chưa có sự liên thông trực tiếp mạnh mẽ, nhưng diễn biến của TTCK những ngày qua đã phản ánh những biến động ngày càng thuận chiều đối với các nền kinh tế bên ngoài, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ.

Hầu hết NĐT đều trong tư thế vừa mua bán, vừa ngóng tin tức. Có lẽ, chỉ một thông tin nhạy cảm cũng có thể khiến thị trường lên trần hoặc xuống sàn rất nhanh, nhưng sau đó khả năng đảo chiều cũng xảy ra nhanh không kém. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi khái niệm tin tốt, tin xấu gần như không còn rõ ràng, ngay cả đối với quyết định chi tiền cứu nền kinh tế Mỹ vốn đang được cho là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Vì vậy, mỗi NĐT đang theo đuổi một quan điểm khác nhau và điều thú vị nhất của TTCK có lẽ chính là việc không ai biết phần còn lại của thị trường đang nghĩ gì!

Đó có lẽ cũng là lý do tại sao một thông tin tốt hoặc xấu bị mờ đi khá nhanh trên TTCK. Khi tất cả chúng ta đều dự đoán và mong chờ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp sẽ kéo thị trường lên thì cái ngày mà thị trường hưởng màu xanh từ việc CPI tháng 9 chỉ tăng 0,18% đã không xảy ra. Bởi lúc đó, chúng ta lại đang ngóng chờ thông tin từ nước Mỹ. Và có thể, khi nước Mỹ tuyên bố chi tiền thì chúng ta lại nghĩ về hậu quả lạm phát… Có nghĩa là, trên TTCK luôn luôn có cái để chúng ta nghĩ tới, chờ đợi hoặc giải quyết hậu quả. Màu sắc của thị trường phiên hôm nay có thể là kết quả của những biến động từ nhiều tuần trước, có thể là dấu hiệu của sự kiện hàng tháng sau hoặc có thể chỉ là sự kết hợp tâm lý phức tạp của nhiều NĐT hiện tại.

Vậy, là NĐT, chúng ta phải hành động như thế nào? Chúng ta dựa vào đâu để đưa ra những quyết định đầu tư của mình? Khi câu chuyện một thông tin xuất hiện trong lúc thị trường màu xanh là tin tốt, còn khi thị trường màu đỏ là tin xấu bỗng dưng được nhiều người chấp nhận thì phải chăng chúng ta không nên quan tâm đến thông tin nữa?

Theo tôi, cách duy nhất để giải quyết điều này là chúng ta phải tách hẳn thông tin ra khỏi màu sắc của bảng điện tử. Thay vì chỉ hỏi thông tin này ảnh hưởng đến thị trường ngày hôm nay như thế nào, chúng ta nên có thêm một câu hỏi khác rằng, tuần sau, tháng sau thì thông tin này sẽ trở thành như thế nào, tốt hay xấu?

Hiện nay, khi vấn đề giải cứu nền kinh tế Mỹ đang thu hút sự quan tâm của toàn thị trường thì dường như các tin tức về kinh tế vĩ mô trong nước bị "lép vế". Tuy nhiên, chúng ta hãy ghi nhớ rằng, chênh lệch cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 9 dừng lại ở 500 triệu USD, thấp nhất kể từ đầu năm tới nay; CPI tháng 9 chỉ tăng 0,18%, cũng thấp nhất kể từ đầu năm… Các thông tin này có thể không làm cho những NĐT đang thua lỗ hoặc có ý định bán tháo coi trọng, nhưng đó rất có thể là động lực chính cho sự đi lên của TTCK.

Chúng ta thường có thói quen dùng thông tin để lý giải cho màu sắc thị trường sau khi phiên giao dịch đã xảy ra và khi thị trường đảo chiều thì thậm chí quan điểm về thông tin đó cũng đảo chiều theo. Vì vậy, TTCK trở nên rủi ro, khó thu được lợi nhuận vì các NĐT luôn đi sau những biến động của Index, tự nắn quan điểm của mình theo sự thất thường của Index và rồi lĩnh trọn hậu quả!