Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Mô hình nào cho NHNN?

(ĐTCK-online) Vào đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Quản lý dịch vụ tài chính”, nội dung chính tập trung vào tìm kiếm một mô hình mới cho NHNN theo hướng trở thành Ngân hàng Trung ương (NHTW) hiện đại. Với cùng nội dung này, đã có hàng loạt cuộc hội thảo nhằm đề xuất tái cơ cấu lại NHNN được tổ chức trước đây.

Giữa tuần trước, ông Jacques Bussieres, một chuyên gia giàu kinh nghiệm làm việc tại NHTW nhiều nước trên thế giới đã được mời đến NHNN để đề xuất một mô hình phù hợp cho NHNN trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.

Minh bạch hơn

Về cơ bản, việc cải cách NHNN là một yêu cầu được đặt ra hiện nay, trong Thông báo số 191 của Bộ Chính trị cũng như Quyết định 112/QĐ-CP của Chính phủ đã đề cập tới nội dung này. Theo đó, NHNN thay vì một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ như hiện nay sẽ phải tự chủ hơn trên 3 lĩnh vực là chính sách tiền tệ, giám sát các tổ chức tín dụng và quản trị điều hành nội bộ. Điều này đồng nghĩa với chức năng rất quan trọng là đại diện chủ sở hữu nhà nước của NHNN tại các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ không được duy trì.

Theo ông Jacques Bussieres, điều hành chính sách tiền tệ luôn là chức năng quan trọng nhất của NHTW các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ đang ở mức độ thấp nhất trong 4 mức độ độc lập của một NHTW. Đó là, mức độ “tự chủ bị hạn chế”, Chính phủ sẽ quyết định chính sách (cả mục tiêu lẫn chỉ tiêu hoạt động) cũng như can thiệp vào quá trình triển khai thực thi chính sách.

Trong 4 mức độ trên, mức độ lớn nhất là “độc lập trong thiết lập mục tiêu” hiện được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện, mức độ thứ hai là “độc lập trong xây dựng chỉ tiêu hoạt động” kiểu mô hình NHTW châu Âu, và mức độ thứ ba là “tự chủ trong việc lựa chọn công cụ điều hành”. Theo đề xuất của ông Jacques Bussieres, Việt Nam nên hướng vào mức độ thứ ba sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.

Theo hình thức này, sẽ có một thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hoặc Quốc hội với NHTW, thỏa thuận này công bố chỉ tiêu cho chính sách tiền tệ hoặc chế độ tỷ giá và được thiết lập cho một giai đoạn. Trên cơ sở đó, NHTW sẽ tự chủ trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của mình (thị trường mở, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn,…) để thực hiện mục tiêu trên.

Nhưng để làm được điều đó thì yêu cầu về tính công khai, minh bạch phải được đặt ra trong hoạt động của NHTW. NHTW không chỉ giải trình trước Quốc hội 2 lần/năm, mà còn công khai hoạt động của mình thông qua việc phát hành các báo cáo chính sách tiền tệ, đưa ra các giải thích thỏa đáng về diễn biến kinh tế,... để thông tin cho công chúng, cộng đồng doanh nghiệp biết điều gì đang diễn ra và tại sao.

Chẳng hạn, mục tiêu đảm bảo cho lạm phát là 3%/năm với biên độ +/-1% thì NHNN được toàn quyền sử dụng các công cụ của mình trong xây dựng lượng tiền cung ứng, các giải pháp khác để ổn định lãi suất, dự trữ,… nhằm thực hiện mục tiêu này. Và tất cả công việc được làm sẽ phải công khai trước công chúng. Đây là điều chưa thể có vào thời điểm hiện nay.

Mô hình hoạt động mới

Ngoài sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN thì vai trò giám sát ngân hàng được đặt lên như một yêu cầu bắt buộc trong quản lý hệ thống tài chính, thay vì chức năng quản lý như một cơ quan trực thuộc Chính phủ hiện nay. Đặc biệt về mô hình tổ chức sẽ có sự thay đổi lớn.

Theo đề xuất của ông Jacques Bussieres, mô hình trực thuộc Chính phủ hiện nay sẽ thay bằng mô hình khác, trong đó thiết lập một Hội đồng NHTW. Chính phủ thay vì chỉ đạo trực tiếp, có thể bổ nhiệm một thành viên vào Hội đồng, thường là quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, người đại diện này sẽ đóng vai trò cầu nối giữa NHTW và Chính phủ.

Trong cơ cấu nhân sự, ngoài Thống đốc, sẽ có một Tổng giám sát ngân hàng và 4 Phó thống đốc phụ trách các khối nghiệp vụ như khối chính sách tiền tệ, khối nghiệp vụ thị trường tài chính và hệ thống thanh toán, khối tiền tệ và ngân quỹ, khối dịch vụ hỗ trợ. Chế độ đãi ngộ với Thống đốc NHTW cũng không theo cấp bậc của một Bộ trưởng mà khoản tiền lương của Thống đốc sẽ được Hội đồng phê chuẩn và được Chính phủ chuẩn y. Khoản tiền lương này phải được xây dựng trên cơ sở mức thu nhập mà những người có vị trí tương đương trong các khu vực công và tư nhận được.

Nhưng theo ông Jacques Bussieres, trong hoạt động của một NHTW, không phải tiền hay vàng trong ngân quỹ có bao nhiêu mà con người mới là nhân tố quan trọng nhất. Việc xây dựng kế hoạch, hệ thống dự báo, phân tích thị trường của NHNN hiện còn rất yếu, trong khi đây lại là yêu cầu quan trọng trong hoạt động của một NHTW.