Sự khác biệt đến từ chính TTCK Việt Nam!

Những cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã đem đến cho chúng ta ngày "thứ Hai đen tối", "thứ Ba đen tối", "thứ Tư đen tối"… và có lẽ sẽ tiếp tục có đủ bộ các ngày đen tối, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật. Và rồi, sau rất nhiều năm, một cuộc khủng hoảng tồi tệ thực sự đối với người Mỹ và toàn thế giới đã không chỉ là những câu chuyện của lịch sử.

Quy mô tàn phá của nó tới đâu, chưa ai có thể biết được. Ngày 8/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới bất ngờ đồng loạt cắt giảm lãi suất cơ bản. Cuộc ra quân nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu này là một nỗ lực hiếm có của các ông lớn kể trên.

Chúng ta đều đang tự hỏi, liệu điều gì có thể đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng như hiện nay?

TTCK toàn cầu vẫn thảm hại, mặc cho hàng trăm tỷ USD đã được cả FED lẫn chính phủ các nước từ Âu sang Á tung ra, có lẽ phần lớn do niềm tin của NĐT tài chính toàn cầu đang xuống quá thấp. Khi người ta không còn tin vào bất cứ điều gì thì mọi cái tốt trước mắt cũng đều lơ lửng một dấu hỏi chấm. Có lẽ trên các TTCK lớn, có bề dày lịch sử, NĐT tại đây rất khác với NĐT Việt Nam . Hiệu ứng đám đông của một thị trường mới nổi không chi phối những thị trường đó. Họ không dễ quên những bài học đã trải qua, không dễ tin những gì diễn ra và không bỏ qua những thông tin xấu của nền kinh tế để theo đuổi một con sóng nào đó. Điều đó có nghĩa là ngay cả trong trường hợp những kế hoạch giải cứu kia có tác dụng thực sự, nền kinh tế khởi sắc thì khi đó, các chỉ số chứng khoán lớn mới đỏ nhạt rồi le lói sắc xanh trở lại.

Chính vì vậy, chúng ta không thể coi nỗ lực giải cứu được tung ra rồi thị trường vẫn màu đỏ là nỗ lực đó đã thất bại. Việc cắt giảm lãi suất vừa qua cũng đòi hỏi một thời gian nữa mới có thể phát huy tác dụng cho nền kinh tế, gói 700 tỷ USD cũng vậy. Tất cả những gì chúng ta chứng kiến chỉ là ảnh hưởng tâm lý ban đầu.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nước Mỹ và các TTCK lớn trên thế giới, TTCK Việt Nam tuy đang ngày càng có những mối liên hệ chặt chẽ với thế giới, nhưng không ai có thể phủ nhận chúng ta vẫn có những câu chuyện rất riêng mà họ không thể có. Với đặc điểm của một TTCK mới nổi, nóng - lạnh thất thường, thì có không ít NĐT của chúng ta tin rằng: vẫn còn sóng để lướt. Có một niềm tin bất thành văn là khi thị trường xuống đến một mức nào đó, sẽ có rất nhiều NĐT mua vào để đầu tư dài hạn hoặc để tạo sóng. Con sóng đó sẽ cuốn những NĐT khác tham gia thị trường và đẩy Index lên như nó đã từng làm rất nhiều lần trước đó. Nếu đón được con sóng và nhảy vào đúng thời điểm, chúng ta vẫn có thể có tiền.

Tất nhiên, điều đó không hẳn tốt cho thị trường, không tốt cho những NĐT chậm chân rồi mất tiền vì nó, bởi con sóng nào cũng mang trong mình quá nhiều rủi ro. Nhưng nếu được đánh đổi giữa việc có sóng để lướt và việc TTCK đỏ hết ngày này qua ngày khác thì chắc chắn rất nhiều NĐT Việt Nam sẽ thích vế thứ nhất hơn. Điều này hoàn toàn không hàm ý khuyến khích đầu cơ lướt sóng, nó chỉ đơn giản là điều không giống ai của một TTCK còn non trẻ như Việt Nam , đôi khi mang lại sự khác biệt. Sự khác biệt đó có thể mang lại một tâm lý dễ chịu hơn cho NĐT, bởi vì chừng nào họ còn nhận thấy vẫn có cơ hội kiếm được tiền trên TTCK trong ngắn hạn thì chừng đó họ sẽ không quay lưng lại với thị trường.

Còn nếu nhìn rộng hơn ra toàn bộ nền kinh tế với sự điều tiết hợp lý và ngày càng tạo được sự tin tưởng của Chính phủ, sự độc lập tương đối của một nền kinh tế chưa mở cửa hoàn toàn, chắc chắn các NĐT kể cả lướt sóng cũng cảm thấy vẫn còn có nhiều thứ "chúng ta có mà thế giới không có", khiến họ tiếp tục có lý do để theo đuổi 2 Index của Việt Nam!