Một yếu tố tác động nhiều tới sự phát triển của thị trường là niềm tin của công chúng cần được củng cố.

Một yếu tố tác động nhiều tới sự phát triển của thị trường là niềm tin của công chúng cần được củng cố.

Xử phạt vi phạm chứng khoán: Chậm còn hơn không

(ĐTCK) Trong thời gian gần đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra nhiều quyết định xử phạt những công ty có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa được phép theo quy định của pháp luật. Thậm chí, cơ quan này còn lập một danh sách gồm có 22 CTCP mà mức vốn điều lệ không đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán (LCK), nhưng vẫn phát hành cổ phiếu ra công chúng. Liệu đây có phải là hiện tượng huy động vốn trái phép mới phát sinh ở Việt Nam do khủng hoảng về nguồn vốn trong thời gian gần đây? Hay đây là một hành vi có truyền thống và hệ thống mà UBCK mới phát hiện?

Trên thực tế, những hành vi này đã không được xử lý nghiêm minh ngay sau khi LCK ra đời cho đến nay; thể hiện sự ngang nhiên, công khai vi phạm và điều này đã tác động không nhỏ tới niềm tin của công chúng vào TTCK. Nhiều vụ việc về chiếm dụng vốn, lừa đảo đã được phát hiện, nhưng mức xử phạt hầu như không đủ sức răn đe. Ngay cả trong giai đoạn này, UBCK mới chỉ lập danh sách 22 công ty không đủ điều kiện về vốn tối thiểu trước khi chào bán chứng khoán, mà chưa thấy có danh sách những công ty có hành vi vi phạm khác, như cố tình chào bán ra công chúng khi chưa đủ điều kiện hoặc chưa có sự chấp thuận của UBCK? Dư luận đặt câu hỏi liệu bây giờ có là quá chậm để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường nói chung hay thể chế giám sát thị trường nói riêng?

Những câu hỏi trên cần được trả lời thấu đáo từ những người có thẩm quyền. Những doanh nghiệp bị nêu trong danh sách của UBCK lần này là những đơn vị nhỏ, số vốn chưa tới 10 tỷ đồng. Còn những dự án thành lập doanh nghiệp có số vốn lớn hàng chục tỷ đồng chưa được cấp phép nhưng đã huy động vốn của hàng ngàn người trong thời gian vừa qua, như các dự án về điện, ngân hàng… thì chưa thấy nhắc đến. Hậu quả xã hội từ các dự án này là người dân/nhà đầu tư đã bị mất những khoản tiền tích góp của mình vào túi một số cá nhân khác. Thậm chí, có cán bộ cao cấp của một DNNN còn cho rằng, việc tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên của mình (có quyền mua cổ phần trong doanh nghiệp) bán lại quyền mua đó để thu lợi là một biện pháp nhằm tăng thu nhập, hoặc để giữ chân nhân viên???

Còn nữa, nhiều doanh nghiệp tuy có đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng thì lại cố tình không làm thủ tục để trở thành công ty đại chúng. Có nhiều lý do để biện minh, nhưng có một lý do chủ yếu là họ không muốn quản trị tài chính theo hướng minh bạch của một công ty đại chúng, không muốn bị giám sát bởi các cơ quan nhà nước về chứng khoán. Trước đây, UBCK từng đề cập đến việc xử phạt những công ty đại chúng cố tình chây ỳ, không chịu đăng ký, nhưng đến nay, danh sách các đơn vị trên còn chưa có thì nói gì đến chuyện xử phạt.

Tất nhiên, trong những trường hợp này, cơ quan quản lý có thể cho rằng, mình chưa có đủ nguồn lực và năng lực để có thể giám sát hết toàn bộ thị trường. Nhưng công bằng mà nói thì UBCK đã không kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm trong một thời gian dài vừa qua. Mặc dù UBCK có xử phạt một số hành vi vi phạm, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ áp dụng chế tài xử phạt, thường là phạt tiền, mà mức cao nhất của phạt tiền thì chẳng thấm tháp gì đối với công ty vi phạm. UBCK cũng chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp phạt bổ sung như đình chỉ có thời hạn hoặc hủy bỏ đợt phát hành theo quy định của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK để buộc tổ chức chưa vi phạm và đã vi phạm phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Nếu áp dụng các biện pháp chế tài bổ sung trước mắt có thể gây ra "hậu quả xã hội" cho nhà đầu tư và cho doanh nghiệp, nhưng nên tiếp cận vấn đề theo quan điểm, "hậu quả xã hội" sẽ được giải quyết theo nhiều hướng khác nhau của một xã hội tự thỏa thuận, còn quy định pháp luật cần phải được nghiêm chỉnh thực hiện.

Trong giai đoạn TTCK Việt Nam đang suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì một yếu tố tác động nhiều tới sự phát triển của thị trường là niềm tin của công chúng cần được củng cố. Muốn nâng cao được tính minh bạch của thị trường đòi hỏi phải có cơ chế giám sát, điều hành thường xuyên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, việc xử lý những hành vi phạm trong thời gian vừa qua tuy có muộn, nhưng vẫn còn hơn không.