Giá chứng khoán xuống thê thảm lại là cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tốt đang có mức giá khá phù hợp.

Giá chứng khoán xuống thê thảm lại là cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tốt đang có mức giá khá phù hợp.

Kinh tế khủng hoảng, đầu tư vào đâu?

Giá chứng khoán liên tiếp lập đáy mới nhưng hoàn toàn không phải tất cả cổ phiếu đều điêu đứng. Nhà đất đắt tiền từng gây sốt thời kinh tế tăng trưởng mạnh hiện đang ế ẩm thì thị trường nhà đất giá rẻ nhu cầu vẫn rất cao. Ai dám khẳng định đó không phải là những cơ hội thời kinh tế khủng hoảng?

“Trong khủng hoảng luôn có cơ hội” là nhận định của nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam về đầu tư chứng khoán. Tổng Giám đốc Cty chứng khoán FPT Nguyễn Điệp Tùng cũng đồng quan điểm trên và khuyên những người còn ý định đầu tư vào chứng khoán thời điểm này nên chú ý các loại chứng khoán ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

 

Đó là các loại cổ phiếu của những Cty sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu mà “dù nghèo, mọi người cũng phải dùng” như dược phẩm, lương thực thực phẩm, tiêu dùng, một số ngành công nghệ…

 

Nhiều DN ngành dược như Dược Hậu Giang, Dược Cửu Long, Traphaco, Domesco Đồng Tháp… hay Vinamilk, FPT có doanh thu và lợi nhuận khá cao trong năm 2008 là những cổ phiếu nên tham khảo.

 

Các chuyên viên chứng khoán còn cảnh báo nếu mua cổ phiếu thời điểm này nên nghĩ đến đầu tư dài hạn còn “lướt sóng” thì không thích hợp lắm. Giám đốc Tư vấn Tài chính một Cty chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên xác định tầm nhìn đầu tư dài hạn hơn và quay về phân tích cơ bản, đặc biệt coi trọng các giá trị, năng lực bền vững của doanh nghiệp như thị phần trong nước, thương hiệu, cơ sở khách hàng, công nghệ khác biệt.

 

Trong báo cáo của mình, Cty chứng khoán BVSC nhận định nửa cuối năm 2009 là cơ hội đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp sản xuất có đầu vào là các hàng hóa cơ bản. Dự báo tăng trưởng EPS của TTCK Việt Nam sẽ giảm 3,4% trong năm 2009.

 

Ngành Y tế và hàng tiêu dùng vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng EPS khá ổn định trong năm 2009 do chi phí đầu vào của hai ngành này giảm mạnh và độ co giãn cầu thấp. Còn Cty chứng khoán VCSC đánh giá ngành dược phẩm sẽ có tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 10% trong năm 2009, giá nguyên liệu đầu vào giảm là yếu tố thuận lợi cho các công ty sản xuất dược với các cổ phiếu đáng quan tâm là DHG, DMC, IMP.

 

Cty chứng khoán EuroCapital tuy dự báo hai quý đầu 2009 sẽ rất khó khăn nhưng cho rằng, trong “khủng hoảng vẫn có cơ hội” và chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư dài hạn không thể bỏ qua. Bên cạnh đó các chuyên gia chứng khoán còn cho biết các DN được hỗ trợ lãi suất của Nhà nước sẽ giảm đáng kể chi phí và lợi nhuận nhờ đó nhiều khả năng khả quan hơn dự kiến.

 

Ngay cả nhóm chứng khoán thuộc các ngành như dầu khí, BĐS, ngân hàng, điện lực… được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2009 nhưng không phải cổ phiếu nào cũng dễ bị” sa lầy”. Hai loại cổ phiếu PPC (Nhiệt điện Phả Lại) và VSH (Thủy điện Sông Hinh) là một ví dụ khá điển hình, trong khi PPC làm ăn trầy trật do biến động nguyên liệu, tỷ giá, nợ… thì VSH lại có giá khá ổn định do vay nợ ít, không phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, tài chính dồi dào.

 

Giá điện tăng kể từ 1/3/2009 cũng sẽ giúp nhiều DN ngành điện có nguồn thu ổn định hơn. Năm 2009 sẽ khó khăn với những NH trông chờ chủ yếu vào hoạt động tín dụng, lượng vốn giá rẻ ít nhưng với các NH lớn, nhiều dịch vụ khác ngoài tín dụng như ACB, DAB, Techcombank, Sacombank… thì chưa hẳn cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều.

 

Khối ngoại bán ròng tuần vừa qua, nhà đầu tư bỏ sàn chứng khoán sang sàn vàng, VN- Index mỗi ngày một đáy mới…đang là “bức tranh” khá bi qua của TTCKVN. Nhưng với nhà đầu tư vẫn bám sàn như ông Trần Minh Việt ( sàn SSI TP HCM) thì “nhiều cổ phiếu chỉ trên dưới 20.000 đ/cổ phiếu nhưng vẫn trả cổ tức 15-20% thì cũng đáng để bỏ một phần vốn đầu tư. Chưa kể còn có thể lời nếu giá chứng khoán hồi phục”.

 

Cơ hội từ nhà giá rẻ

 

Giải thích việc bỏ ra 350 triệu mua căn nhà cho thuê tại Q. Gò Vấp (TP.HCM) bà Trần Thị Ánh Minh ( P17, Q. Bình Thạnh) nói: “Căn nhà này đang cho thuê 2,5 triệu/tháng, trong khi đem số tiền trên gửi tiết kiệm chỉ được 2 triệu, chưa kể giá nhà nhỏ có thể lên trở lại”.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng môi giới địa ốc Hoàng Vinh (Q. Gò Vấp TP. HCM) cho biết từ đầu năm đến nay, những người mua nhà nhỏ để đầu tư hay chờ giá lên bán lại như bà Minh khá nhiều.

 

Không chỉ nhà vùng ven mà các chung cư giá từ 600 triệu trở xuống cũng giao dịch mạnh do vừa túi tiền, dễ cho thuê. Ngay cả đất giá rẻ dưới 300 triệu/lô ở Bình Dương, Đồng Nai cũng đang bán chạy hơn. Giám đốc một Cty địa ốc đã khảo sát 400 khách hàng và kết quả cho thấy lý do BĐS giá rẻ sẽ được ưa chuộng vì “lợi nhuận nếu cho thuê đã hơn lãi tiết kiệm, để dành cũng ít lo vì vốn nhỏ, BĐS giá rẻ là nhu cầu thật đáp ứng được số đông, rủi ro không nhiều bởi khó rẻ hơn”.

 

Tại TP.HCM, giá nhà nhỏ khoảng 35-50m2 tại vùng ven như Q.7, 9, 12, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh... trên dưới 500 triệu hiện nay không khó tìm. Tại hầu hết các văn phòng địa ốc hay một số siêu thị địa ốc của ACB, Sacomreal, Phát Hưng, Vinaland…đều có nơi giới thiệu riêng với khá nhiều các sản phẩm giá rẻ từ 500-600 triệu/căn. Dự kiến trong quý II, III/2009 nhiều Cty địa ốc sẽ tung ra loại căn hộ 40-50m2 với giá từ 600 triệu trở xuống tại các Q.7, 2, 9, Thủ Đức, Nhà Bè...

Không chỉ mua để đầu tư mà hiện nhu cầu nhà giá rẻ vẫn rất lớn. Chỉ tính riêng tại TP. HCM, theo khảo sát của Sở Xây dựng, hiện có khoảng hơn 1 triệu người (tương đương 250.000 hộ) đang có nhu cầu về nhà ở. Đa số người có nhu cầu về nhà hiện chỉ đủ sức mua những căn dưới 500 triệu đồng.

 

Nếu như chương trình về nhà xã hội, nhà giá rẻ của Bộ Xậy dựng đề xuất thành hiện thực thì đến 2015 cả nước mới có khoảng 100.000 căn hộ giá rẻ, chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu của TP.HCM.

 

Tình hình này khiến không ít người “rục rịch” tìm hoặc chuẩn bị mua nhà giá rẻ tại TP.HCM, chưa kể dân các tỉnh thấy nhà ở đây đang xuống nhanh cũng kéo về mua để ở hay đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu thừa nhận, dù nhà đất nóng hay lạnh thì nhu cầu nhà giá rẻ của số đông luôn cấp bách và họ chỉ chờ nhà xuống vừa túi tiền là mua ngay. Hiện tại nhiều khu đất, nhà cách trung tâm TP.HCM khoảng 7-10km giá chỉ còn 8-10 triệu đồng/m2, mức giá mà không ít chuyên gia nhà đất cho rằng khó có thể xuống thấp hơn nữa.

 

Những năm gần đây, các Cty địa ốc tại TP.HCM như Nam Long, Conic, Tân Bình… đưa ra lô chung cư giá dưới 600 triệu/căn nào hết lô ấy mặc cho thị trường địa ốc sốt hay đóng băng.