Nếu đầu ra cho sản phẩm không được khơi thông, doanh nghiệp sẽ không khai thác được sự thuận lợi trong tiếp cận vốn

Nếu đầu ra cho sản phẩm không được khơi thông, doanh nghiệp sẽ không khai thác được sự thuận lợi trong tiếp cận vốn

Thử tìm nguyên nhân “đầu ra” khiến một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động

Không có đầu ra, giá cả đầu vào cao là  những nguyên nhân chính buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua.

Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng 6 đã giảm tốc so với tháng 5. Dù  là tín hiệu đáng mừng, nhưng sự giảm tốc của một  vài tháng chưa đủ để khẳng định xu hướng.

Nhất là khi, trong Báo cáo Động thái doanh nghiệp (VBiS) 6 tháng đầu năm 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, lý do chính khiến một nửa trong số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động là không tiêu thụ được sản phẩm. 25% trong số này là do giá cả đầu vào cao.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI phân tích, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vì lý do không có đầu ra cho sản phẩm cũng có thời gian tạm ngừng dài nhất, khoảng 4 tháng, so với khoảng 1,5 tháng - thời gian tạm ngừng trung bình của các doanh nghiệp được khảo sát.

Cũng phải nói thêm, kết quả khảo sát của VCCI được thực hiện trong tháng 4 và tháng 5/2014. Trước đó, điều tra của Tổng cục Thống kê trong 1 năm 2 tháng (tính từ 1/12013 đến 1/3/2014) cũng cho kết quả tương tự. Trong số 433 doanh nghiệp ngừng hoạt động thuộc mẫu điều tra, chiếm khoảng 5,6% tổng số doanh nghiệp được điều tra, có đến 58,7% doanh nghiệp ngừng hoạt động do không tìm được thị trường đầu ra.

Trong khi đó, lý do vẫn được nhắc tới nhiều trong năm ngoái là khó tiếp cận vốn đã giảm mạnh. Trong Khảo sát VBiS, 10,8% trong số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhắc tới lý do này. Còn theo khảo sát của Tổng cục Thống kê,  12,4% doanh nghiệp nhìn nhận điều kiện tiếp cận vốn kém đi.

“Điều này cũng khớp với kết quả khảo sát về tiếp cận vốn vay trong 6 tháng đầu năm 2014 đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm, sự thuận lợi trong tiếp cận vốn sẽ không phát huy được hiệu quả”, bà Hằng phân tích.

Trên thực tế, bí bách đầu ra cũng là nguyên nhân đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu. Trong Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ do Reed Tradex vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Lê Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên – một trong các diễn giả của Diễn đàn cho biết, câu hỏi bà nhận được nhiều nhất là làm thế nào tăng được đơn hàng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, thị trường trong nước chưa cải thiện nhiều so với 6 tháng cuối 2013. Chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước còn thấp.

“Nhiều doanh nghiệp đầu ngành, vốn là đầu ra cho  doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đã cắt giảm sản xuất. Điều này chứng tỏ, việc làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đã và đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp”, bà Thanh Hằng cho biết.

Tình hình thị trường 6 tháng tới đang được kỳ vọng khá hơn, song có thể chưa tạo được bứt phá. Đặc biệt, các chuyên gia VBiS phân tích, việc xuất khẩu nông sản như cao su, lúa gạo, rau quả và nhập khẩu phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu ngành dệt may... có thể vẫn khó khăn.

Tin bài liên quan