Chỉ thị 03 - có thể bù chéo quota?

Chỉ thị 03 - có thể bù chéo quota?

(ĐTCK-online) Các nhà đầu tư đang mong mỏi có sự cải thiện tình hình cung ứng tín dụng cho TTCK

Trong khi các ngân hàng cổ phần có tỷ lệ dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh chứng khoán vượt mức 3% tổng dư nợ phải ngưng cấp tín dụng mới và lên kế hoạch thu hồi vốn vay thì hầu hết ngân hàng quốc doanh vẫn chưa cung cấp tín dụng chứng khoán tới mức giới hạn 3%. Liệu có thể có sự hợp tác giữa các ngân hàng đang dư “quota” và các ngân hàng đang thiếu “quota” để cải thiện tình hình cung ứng tín dụng cho thị trường chứng khoán mà không vi phạm quy định của Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN - điều mà các nhà đầu tư cá nhân đang mong muốn?

Rào cản duy nhất của sự hợp tác này, theo ý kiến tác giả, là quan điểm coi tín dụng chứng khoán có thế chấp bằng các loại chứng khoán đã được nhà đầu tư sở hữu có an toàn hay không? Xét trên nhiều tiêu chí thì đây là khoản tín dụng an toàn, vì: chứng khoán được chấp nhận thế chấp phải là loại tốt theo tiêu chí của người cấp tín dụng; mức cho vay thường chỉ bằng 1/3-1/4 thị giá; chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn nhiều so với bất động sản hay các loại tài sản thế chấp khác; trường hợp thị trường xuống giá, nhà cung cấp tín dụng sẽ buộc nhà đầu tư phải bổ sung kịp thời tài sản thế chấp hoặc thanh lý tài sản thế chấp, trong trường hợp này, phần chủ động luôn thuộc về ngân hàng và phần thua thiệt (nếu có) luôn thuộc về nhà đầu tư.

Nếu những ngân hàng quốc doanh chưa sử dụng hết “quota” có cùng quan điểm đánh giá mức độ an toàn của loại hình tín dụng này như những ngân hàng cổ phần thì cơ hội hợp tác là rất lớn. Hai ngân hàng chỉ cần ký kết với nhau một hợp đồng với nội dung hợp tác quản lý tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh chứng khoán, theo đó ngân hàng dư “quota” sẽ ủy quyền cho ngân hàng thiếu “quota” quản lý hộ một khoản tín dụng tổng với mục đích cho vay kinh doanh chứng khoán có thế chấp theo tiêu chí chung giữa hai ngân hàng và về căn bản là phù hợp với những tiêu chí đang được ngân hàng thiếu “quota” triển khai. Bằng cách này, độ an toàn của toàn hệ thống ngân hàng vẫn được đảm bảo (do tuân thủ giới hạn 3%).

Trên phương diện chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, giải pháp này gần giống với nghiệp vụ tái bảo hiểm. Một hợp đồng bảo hiểm nào đó có thể coi là quá tầm với một công ty bảo hiểm nhưng lại hoàn toàn vừa tầm nếu nó là hợp đồng bảo hiểm của hai hoặc vài công ty bảo hiểm cùng san sẻ trách nhiệm và quyền lợi.

Nếu việc “bù chéo quota” nêu trên trở thành hiện thực, các hợp đồng hợp tác quản lý tín dụng chứng khoán không chỉ đem lại nguồn lợi trước mắt cho ngân hàng đang dư “quota”, làm nhẹ áp lực tâm lý đối với ngân hàng thiếu “quota” mà còn góp phần làm bình ổn và lành mạnh thị trường chứng khoán, hỗ trợ tích cực cho các đợt IPO sắp tới của các doanh nghiệp nhà nước.