Doanh nghiệp nhập khẩu không mấy lo ngại vì thuế tăng thì tăng giá bán xe, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.

Doanh nghiệp nhập khẩu không mấy lo ngại vì thuế tăng thì tăng giá bán xe, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.

Bảo hộ công nghiệp ôtô đến bao giờ?

(ĐTCK-online) Nhằm hạn chế nhập siêu và tránh ùn tắc giao thông, Bộ Tài chính mới đây chủ trương sẽ tăng thuế nhập khẩu ôtô thêm 10%, tăng lệ phí trước bạ lên 7%. Thắt chặt chi tiêu, hạn chế các mặt hàng xa xỉ trong thời buổi này là cần thiết, nhưng thực hiện bằng cách tăng thuế nhập khẩu như vậy dường như không công bằng. Hy vọng về đối trọng cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước tan biến, sau hơn 10 năm được bảo hộ, ngành xe hơi Việt Nam mới chỉ thành thạo công đoạn lắp ráp và sơn.

Năm 1997, Việt Nam bắt đầu cấp phép cho nước ngoài đầu tư vào sản xuất ôtô. Khi họ làm luận chứng kinh tế, có đề cập giá bán xe khoảng hơn 20.000 USD/chiếc thì 7 năm sau hoàn vốn, nhưng giá xe thực tế luôn cao hơn tới chục nghìn USD nên chỉ 3 - 4 năm sau các liên doanh đã có lãi. Để được bảo hộ, các nhà sản xuất hứa hẹn chuyển giao công nghệ nhằm xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam , nhưng thật đáng buồn lời hứa đã không được thực hiện. Phần lớn doanh nghiệp không chịu làm theo quy định trong giấy phép đầu tư. Giá sản phẩm ôtô lắp ráp ở Việt Nam luôn cao gấp đôi, gấp rưỡi so với cùng model, chủng loại ở nước ngoài, chất lượng lại kém hơn, trong khi đó giá xe nhập khẩu do thuế cao (có thời điểm thuế lên tới 300%) nên cũng cao gấp 3 lần giá gốc. Người tiêu dùng Việt Nam , thu nhập xếp hàng thấp so với các nước ASEAN nhưng lại chịu giá xe cắt cổ.

Với cam kết gia nhập WTO và phần nào giảm bớt bảo hộ nhà sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 100% xuống 90% và 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được áp dụng như nhau đối với cả xe nội và xe ngoại. Giá xe nhập khẩu ngay sau đó đã hạ xuống và tạo ra đối trọng cạnh tranh khá lớn với xe trong nước. Nhiều chuyên gia hy vọng, thuế tiếp tục giảm và không có bảo hộ sẽ khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp không chênh lệch nhiều về giá. Người tiêu dùng khi ấy chắc chắn sẽ chọn xe nhập khẩu và khi nhà sản xuất chịu sức ép thì chẳng cần thúc giục, họ sẽ tự phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Số lượng phương tiện giao thông tăng lên sẽ là áp lực lớn cho các đô thị, đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, song khi chịu sức ép như vậy đường sá mới được mở rộng và hạ tầng đô thị mới phát triển.

Nhưng quyết định tăng thuế nhập khẩu xe hơi thêm 10% mới đây khiến những hy vọng trên khó thành hiện thực, chính sách thuế thay đổi xoành xoạch đối với ngành hàng này nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu không mấy lo ngại vì thuế tăng thì tăng giá bán xe, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt. Xa hơn, liệu chính sách như vậy có khuyến khích công nghiệp xe hơi vốn đã quen được bảo hộ phát triển?

Hãy nhìn bài học xe máy để thấy người tiêu dùng và cả Nhà nước được lợi như thế nào, nếu bất cứ ngành sản xuất nào cũng tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng. Vào những năm 1997 - 1998, giá xe máy của các liên doanh tại Việt Nam cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực. Khi Bộ Công nghiệp (cũ) cho phép làm xe máy Trung Quốc tại Việt Nam , Hãng Honda có đến than phiền với các nhà làm luật cho xe Trung Quốc vào sẽ cạnh tranh không lành mạnh với họ. Bộ Công nghiệp đã trả lời, giá xe cao như vậy làm sao người dân có cơ hội mua xe. Xe Trung Quốc vào đấy nhưng đó là phân khúc xe dành cho người bình dân, người có tiền vẫn mua xe Honda. Khi xe Trung Quốc vào đã tạo một áp lực với các liên doanh và họ đã phải tung ra các kiểu xe giá rẻ, chất lượng để cạnh tranh. Trở lại câu chuyện xe hơi, nhìn sang các nước trong khu vực, muốn hạn chế tiêu dùng Nhà nước đánh các loại thuế cầu đường, bến bãi thật cao, ai có nhu cầu thực sự thì xin cứ việc chơi sang, còn giá xe rất dễ chịu.

Đơn giản vậy mà ở Việt Nam khó thực hiện làm sao, còn nhớ một cuộc họp lấy ý kiến đóng góp cho những giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô cuối năm 2007 đã chuyển hướng thành nơi to tiếng giữa nhà sản xuất và nhà tạo lập chính sách. Cơ quan thuế đổ lỗi cho quy hoạch, nơi làm quy hoạch (Bộ Công thương) lại đổ lỗi cho hạ tầng, cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển hạ tầng (Bộ Giao thông Vận tải) thì khẳng định, cơ sở hạ tầng thừa sức đáp ứng được lượng xe lưu hành hiện tại và luôn sẵn sàng ủng hộ nền công nghiệp ôtô phát triển. Nhà sản xuất lại kêu chính sách không minh bạch, không có lộ trình khiến họ như người mù dò đường. Nghe họ tranh cãi có thể dễ dàng thấy, chính sách bảo hộ của Nhà nước không làm phát triển ngành công nghiệp ôtô, người tiêu dùng bị thiệt thòi và ngay cả nhà sản xuất dù được lợi bằng sự ưu đãi của bảo hộ, nhưng họ cũng biết đây chỉ là lợi ích ngắn hạn và tranh thủ kiếm lợi, chứ không chịu đầu tư, phát triển công ty trong một thị trường nhỏ như vậy.