Cơ hội lịch sử để phát triển kinh tế dân doanh

Cơ hội lịch sử để phát triển kinh tế dân doanh

(ĐTCK-online) Cuộc đối thoại cởi mở giữa Chính phủ và gần 500 doanh nghiệp (DN) dân doanh ngày 7/9 hứa hẹn tới đây thành phần kinh tế năng động nhất nước này sẽ có bước tiến dài. 500.000 DN dân doanh vào năm 2010 không phải là con số xa vời khi hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sẽ được triển khai như tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, thông tin ngành và cải cách thủ tục hành chính.

Tốc độ vũ bão

Hiện Việt Nam có hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 96% tổng số DN đăng ký kinh doanh, đóng góp 39% vào GDP, 32% vốn đầu tư cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 49% việc làm phi nông nghiệp và chiếm khoảng 25% số lao động của cả nước. Những chính sách cải cách nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng được dự báo sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng số lượng DN dân doanh thành lập mới hàng năm khoảng 22%, đến năm 2010 dự kiến cả nước sẽ có khoảng 500.000 DNNVV, gấp hơn 2 lần hiện nay.

Tại hội nghị đối thoại với các DN, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sự vươn mình của khu vực kinh tế tư nhân, chủ yếu là DNNVV được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.  Chính phủ cần làm gì, DN sẽ làm gì là những câu hỏi được thảo luận cởi mở, thẳng thắn.

 

Rào cản

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện khối DN dân doanh gặp phải 4 khó khăn lớn, đó là: vốn, thông tin thị trường, công nghệ và nghề. Đặc điểm của DNNVV là vốn điều lệ thường rất nhỏ, chủ yếu phải vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng lại rất khó khăn.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương nêu khó khăn về đất đai triển khai dự án. Hà Nội có gần 1.000 héc-ta đất khu công nghiệp nhưng hàng ngàn DN vẫn phải ra tỉnh ngoài để thuê đất. Riêng việc thỏa thuận với dân về giải phóng mặt bằng cũng mất ít nhất 150 -180 ngày.

Đề cập đến thông tin thị trường, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mỗi khi DN cần thông tin cụ thể về một lĩnh vực nào đó thường rất khó khăn để tiếp cận.

Tại hội nghị, nhiều DN đã nêu lên những phi lý, những khoản chi phí lớn nhưng bất hợp lý mà họ phải oằn lưng gánh chịu, sự "lộng hành" của giấy phép con mà kết quả là giá thành hàng hóa, sản phẩm bị đội lên, khiến sức cạnh tranh của DN giảm sút.

 

Sẽ có chính sách đặc biệt

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lắng nghe từng kiến nghị của DN và cho biết, Chính phủ có thể sẽ ban hành một nghị định riêng về chính sách khuyến khích phát triển DN dân doanh, kế thừa những chính sách đã có và bổ sung thêm nhiều quy định mới, tạo cơ chế thuận lợi cho DN. "Thủ tục hành chính phải tiếp tục được cải cách mạnh. Tất cả những giấy phép con, điều kiện kinh doanh nào ban hành không hợp lý đều phải được xóa bỏ. Nếu năm nay chưa làm hết thì năm sau tiếp tục làm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Dự kiến, trong tháng 9 Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển DN dân doanh. Theo dự thảo Chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án trợ giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại ngân hàng thương mại, xây dựng chương trình nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn cho các DN; Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cung cấp thông tin về chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sớm thành lập ngân hàng thương mại DNNVV với một số ưu đãi cụ thể, tập trung thực hiện cho vay dài hạn các dự án của DNNVV trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hoặc đầu tư vào địa bàn khuyến khích theo quy định của Nhà nước; thành lập các quỹ đầu tư để tăng cường hỗ trợ đầu tư vốn cho các DNNVV, bao gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm…