Dòng tiền bắt đáy bắt đầu "nhập cuộc"

Dòng tiền bắt đáy bắt đầu "nhập cuộc"

(ĐTCK) Ngoài việc bắt đáy cổ phiếu VNM tuần qua, khối ngoại gom mua mạnh cổ phiếu EIB (960.000 cổ phiếu trên tổng khối lượng 1,1 triệu cổ phiếu) trong phiên cuối tuần.

>> Cơ hội tăng dòng tiền cho TTCK

>> Chứng khoán tuần mới: Vẫn nên thận trọng

Các  cổ phiếu bluechips như FPT, HSG, REE, VSH, VCB, PGD… đều tăng trở lại nhờ lực cầu bắt đáy bắt đầu tham gia.

 

Cái lý của phiên tăng điểm cuối tuần

Phiên tăng điểm của TTCK cuối tuần qua có những cái lý nhất định, nhìn từ góc độ phân tích cơ bản. Khi thị trường giảm điểm mạnh vào phiên sáng thứ Sáu, giới phân tích kỹ thuật đã gióng lên  cảnh báo về việc thị trường đã xâm phạm những ngưỡng hỗ trợ mạnh, vì thế có khả năng giảm về mức 410- 420 điểm, kết thúc xu hướng tăng trung hạn của thị trường chuyển sang xu hướng giảm giá ngắn và trung hạn.

Đó là nhìn từ góc độ phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ phân tích cơ bản thì có nhiều yếu tố hợp lý giải thích cho lý do các cổ phiếu lớn được mua mạnh, giúp VN-Index phục hồi tăng điểm lên 470 điểm vào ngay phiên chiều. Theo CTCK Sài Gòn (SSI), sau 7 phiên giảm điểm mạnh, VN-Index đã mất luôn số điểm của hơn 1 tháng tăng giá trước đó và tạo vùng giá hấp dẫn để dòng tiền quay trở lại.

 Dòng tiền bắt đáy bắt đầu "nhập cuộc" ảnh 1

VN-Index phiên cuối tuần về mức 466 điểm, ngang bằng với thời điểm cuối tháng 2/2013

 

Nhìn vào cổ phiếu VNM, cổ phiếu có sức ảnh hưởng tương đối lớn với VN-Index cũng như đang là tâm điểm bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy, lực mua VNM so với lực bán VNM đã dần trở nên cân bằng. “Nếu có tiền, tôi sẽ mua VNM  vì một công ty tăng trưởng với tốc độ như thế thì giá hiện nay tốt”, Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhìn nhận về cơ hội mở ra khi nước ngoài bán ròng VNM. Ông cho rằng, cơ hội sẽ đến với từng cổ phiếu chọn lọc dù nhiều cổ phiếu khác cứ “giá giảm vô tư”. Không phải ngẫu nhiên VNM công bố thông tin về triển vọng xuất khẩu sữa ấn tượng với mức tăng trưởng 28% của 8 tháng so với năm 2012, cùng với khẳng định, hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường. Đây là hành động cần thiết của VNM trong bối cảnh có thông tin nghi ngờ về chất lượng sữa và cổ phiếu chịu áp lực bị bán ròng khi nhà đầu tư thoái vốn.

Một điểm khác biệt ở VNM là trong các tiêu chí xét thưởng cho Chủ tịch, HĐQT có một tiêu chí là mức tăng giá của cổ phiếu so với thị trường. Tiêu chí này giúp HĐQT và các cổ đông, nhất là cổ đông lớn, có cùng lợi ích trong việc làm sao để giá cổ phiếu phản ánh đúng kết quả kinh doanh của Công ty qua công tác công bố thông tin, hoặc cả việc thực hiện những nghiệp vụ như chia tách cổ phiếu. Như vậy, nếu tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, VNM không khó khăn gì để đi đến quyết định chia tách cổ phiếu, chia sẻ lợi ích cho cổ đông. Ngày 30/8, Norges Bank tổ chức liên quan đến thành viên HĐQT của VNM đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu trong 1 tháng tới.

VNM chỉ là trường hợp điển hình của việc nhà đầu tư, cả nội và ngoại, bắt đầu bắt đáy. Sau nhiều phiên bị khối ngoại bán ròng, cổ phiếu EIB đã tăng mạnh khi khối ngoại gom mua 960.000 cổ phiếu trên tổng khối lượng 1,1 triệu cổ phiếu  trong phiên cuối tuần. Các  cổ phiếu bluechips như FPT, HSG, REE, VSH, VCB, PGD… đều tăng trở lại nhờ lực cầu bắt đắt bắt đầu tham gia. Chứng chỉ quỹ VFMVF1 dù không có lực mua của nhà đầu tư nước ngoài như một số phiên trước, nhưng vẫn đứng vững trước áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và thoái vốn của cổ đông lớn đã công bố, nhờ lực mua của nhà đầu tư nội. Trong phiên có những lúc dư bán 100.000 VFMVF1 ở giá tham chiếu được khớp trong tích tắc, còn cuối phiên, lệnh mua 500.000 chứng chỉ quỹ giá tham chiếu được đẩy vào cùng với khối lượng vừa đủ để chứng chỉ quỹ này đóng cửa giá xanh. Lực bắt đáy HAG ở mức giá dưới tham chiếu cũng khá dồi dào…

 

"Sóng gió" sẽ qua?

Còn quá sớm để nói lên điều gì khi mà rủi ro từ bên ngoài đến TTCK còn lớn, nhất là thông tin việc rút gói QE3 của Mỹ có thể tiếp tục tạo ra chấn động với các thị trường mới nổi. Lập luận rằng, vốn nước ngoài vào Việt Nam không nhiều nên áp lực rút ra cũng không quá lớn tỏ ra có lý trên bình diện chung, nhưng trong ngắn hạn, khi nhà đầu tư có ý định rút vốn là sẽ  rút ở các thị trường mà họ có thể rút.

“Việt Nam có thể không chịu ảnh hưởng quá nặng nề như ở một vài nước khác, nhưng cộng với khả năng bất ổn tại Syria thì rủi ro có thể cộng hưởng, cần phải thận trọng ở thời điểm này”, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital chia sẻ. Trong khi đó, nhiều nhận định cho rằng, những vấn đề đang xảy ra ở Ấn Độ do sức ép của dòng vốn nước ngoài chảy ngược ra, có thể khiến Việt Nam sẽ cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định nới room cho nhà đầu tư ngoại. Đó là lý do để tin tốt trong nước khó đến sớm như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trở lại với VN-Index, ở mức 466 điểm của phiên cuối tuần qua đã ngang bằng với thời điểm tháng cuối tháng 2/2013. Nếu tiếp tục giảm về 410 - 420 điểm thì ngang với chỉ số thời điểm những ngày tháng chuyển giao giữa 2012 và 2013. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước cũng như “sức khỏe” của nhiều DN đã sáng sủa và dễ dự báo hơn thời điểm đầu năm rất nhiều. Tăng ở đâu thì giảm ở đó. Chỉ số giảm trong những phiên vừa qua chịu tác động mạnh của những cổ phiếu đã góp phần làm cho chỉ số tăng trong 1 tháng trước như VNM, GAS. Một số cổ phiếu ngành sản xuất HPG, HSG, FPT, CSM, cổ phiếu ngành dược có mức độ giảm vẫn nằm trong biên độ dao động của một hai tháng qua.

Nhiều nhà đầu tư trong nước có một niềm tin vào sự tăng trưởng của DN và sự phục hồi của TTCK cuối năm nay. Sóng gió bên ngoài có thể thành bão, nhưng cũng có thể qua đi, không đáng lo ngại.