Kỳ vọng sẽ có phiên tăng điểm

(ĐTCK-online) Giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Lễ cùng với sự kiện Quốc hội khoá XII tổ chức Kỳ họp thứ 3, thị trường tiếp tục tuột dốc với sự giảm điểm liên tiếp trong cả tuần. Tính chung, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 500,33 điểm, mất 22,03 điểm, tương đương 4,22%. Giá trị giao dịch trong tuần cũng giảm tương đối khi đạt 1.136 tỷ đồng, tương đương 227 tỷ đồng/phiên, so với mức bình quân 393 tỷ đồng/phiên của hai ngày đầu tuần trước đó.

Thị trường

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đạt 602 tỷ đồng mua vào và 109 tỷ đồng bán ra, bình quân mua vào 120 tỷ đồng và bán ra 21 tỷ đồng so với 156 tỷ đồng/phiên và 22 tỷ đồng/phiên của tuần trước nữa. Khối này cũng giao dịch nội khối số lượng trái phiếu trị giá 273 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu có vốn hóa nhất thị trường đều giảm giá, giảm mạnh nhất là STB với 9%, tiếp sau đó là DPM mất 5,6%, PVD mất 5,2% (sau khi đã điều chỉnh giá do phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức).

Ngày

Toàn thị trường

Giao dịch của NĐTNN

 

 

Mua

Bán

05/05

227,442

78,805

34,531

06/05

252,981

143,237

35,197

07/05

312,748

190,098

22,205

08/05

215,591

136,238

15,430

09/05

127,329

53,852

2,275

Tổng

1.136,091

602,230

109,638

 

Bình luận

Diễn biến thị trường cho thấy, thị trường có xu hướng giảm mạnh hơn về cuối tuần, trong khi khối lượng và giá trị chuyển nhượng thành công lại giảm sút. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số VN-Index đã có nhiều lần giảm xuống dưới 500 điểm. Dù vẫn duy trì giá trị mua vào lớn hơn bán ra, nhưng giao dịch của khối nước ngoài cũng cho thấy sự giảm sút. Tuần này, khối nước ngoài vẫn duy trì mua mạnh các mã cổ phiếu ưa thích của họ như DPM, VNM, HPG, PVD… sau những báo cáo quý I khá ấn tượng của các doanh nghiệp này.

Nhà đầu tư trong nước thì vẫn tiếp tục bán mạnh cổ phiếu. Thống kê cho thấy, lượng cầu thì giảm dần trong khi lượng cung lại tăng dần. Và khối nhà đầu tư nội địa vẫn là tác nhân chính đối với sự sụt giảm của thị trường trong thời gian qua.

Tuần qua cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng khi tổ chức định mức tín nhiệm S&P đã hạ mức tín nhiệm nợ nước ngoài của Việt Nam xuống mức BB từ mức BB+ trước đó. Điều này cũng có nghĩa là việc vay nợ nước ngoài sẽ khó khăn hơn và lãi suất cao hơn. Cùng với nó, các nhà đầu tư mới vào Việt Nam cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD tuần qua đã tăng lên và khối ngân hàng nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào ngoại tệ này để đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng của họ. Nhiều nhà đầu tư đang dần chuyển đổi đồng nội tệ sang USD sẵn sàng trong các tài khoản ngân hàng.

Trước những khó khăn từ nhiều phía, việc khối nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì lượng giao dịch mua cổ phiếu khá lớn có thể nói là một sự may mắn cho thị trường.

 

Phân tích kỹ thuật

Trái ngược với năm 2007, sau đợt nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm nay là 1 tuần mất điểm. So với mức đóng cửa ngày 29/4/2008, cuối phiên giao dịch thứ Sáu, ngày 9/5/2008 VN-Index giảm 22 điểm.

Trong báo cáo tuần trước đó, chúng tôi có đề xuất tham khảo mô hình RSI để kiểm tra lại nhận định về thị trường, thị trường hồi phục hay tiếp tục xấu đi sẽ rõ ràng hơn khi RSI thoát khỏi mô hình xác định bên trên. Thực tế là thị trường đã xấu đi rất nhanh sau khi RSI cắt xuống dưới đường hỗ trợ. VN-Index đã nhanh chóng quay trở lại mức 500 điểm, một mức tâm lý quan trọng tại thời điểm hiện tại.

Kết quả giao dịch của 3 đợt giao dịch ngày cuối tuần đều rất sát mức 500 điểm (đợt 1: 500,01, đợt 2: 500,04 và đợt 3: 500,33 điểm) và cũng như 4 ngày giao dịch trước đó, VN-Index đóng cửa luôn cao hơn mức mở cửa. Liệu chúng ta có thể vững tin vào mức 500 điểm của thị trường? Câu trả lời chưa thể rõ ràng mà cần phải có thêm quan sát trong tuần này. Tuy nhiên, chúng tôi xin được lưu ý trong đợt giao dịch thứ 2 của phiên cuối tuần trước, VN-Index đã xuống thấp hơn mức 500 điểm (thấp nhất là 499,42 điểm), và chỉ khi cổ phiếu ITA (một trong những cổ phiếu Blue-chip, có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường) được tăng mua và lên giá, từ mức tham chiếu 75.000 đồng/cp lên mức trần 76.500 đồng/cp trong 10 phút cuối của đợt 2, trong khi các Blue-chip khác vẫn đang giảm điểm thì mới giữ thị trường ở lại mức trên 500 điểm.

Với việc mất điểm liên tục trong tuần qua, chúng ta có thể kỳ vọng có phiên điều chỉnh tăng điểm trong tuần này. Thị trường sẽ bớt tiêu cực hơn nếu mức 500 điểm được giữ vững.

 

Khuyến nghị

Có lẽ những khó khăn hiện nay không còn chỉ giới hạn ở TTCK. Những quan ngại đang tăng lên đối với cả lĩnh vực bất động sản, tình trạng ngoại hối, lạm phát và cả nền kinh tế nói chung. Thế cờ khó này đang chờ đợi một lời giải từ Chính phủ và các cơ quan tham mưu.