Lãi suất thực gần 4%, quá “khủng” so với thế giới

Lãi suất thực gần 4%, quá “khủng” so với thế giới

(ĐTCK-online) Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất thực tại Việt Nam gần 4% là quá cao so với thế giới, điều này đồng nghĩa với việc lạm phát không còn đáng sợ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nghĩa cho rằng, điều đáng sợ hơn ở chỗ, hiện nay các công cụ thị trường để điều hành tiền tệ, lãi suất đã bị bóp méo và ít có tác dụng.

 

Các ngân hàng hưởng ứng lời kêu gọi đồng thuận hạ lãi suất và đã đưa tất cả các kỳ hạn huy động về 11%/năm, giảm 0,2%/năm so với trước ngày 15/10 và lãi suất đầu ra hầu như chưa có chuyển biến gì. Ông nhận xét gì về thực trạng này?

Các ngân hàng thương mại đồng thuận hạ lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có biện pháp hỗ trợ đồng thời thì mức độ giảm lãi suất chỉ rất nhỏ và cũng ít tác dụng. Muốn lãi suất hạ phải có sự phối hợp chính sách, bởi thực tế hiện tại cũng rất khó hạ lãi suất trái phiếu chính phủ. Trên thực tế, các ngân hàng khó khăn hơn kể từ ngày 1/10 (Thông tư 13 và 19/2010/TT-NHNN có hiệu lực). Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia, năm 2009, trung bình các ngân hàng có tỷ lệ sử dụng 96% vốn huy động để cho vay. 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ đó là 92%. Từ ngày 1/10, tỷ lệ này xuống dưới 80% thì làm sao dòng vốn không bị thắt lại! Chúng tôi cho rằng, quy định hạn chế cấp tín dụng từ 80% vốn huy động có tác động đến thị trường rất mạnh.

Thị trường lãi suất bức bối và méo mó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các công cụ điều hành tiền tệ và tài chính khác ra sao?

Hiện NHNN đang ở trong tình trạng rất khó. Trên thị trường, lãi suất tiền gửi ngắn hạn, dài hạn đều như nhau, kỳ hạn ngắn hay dài đều không có ý nghĩa. Những quy định của NHNN như chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trở nên thiếu thực tế, vì các ngân hàng có thể "lách" quy định, đảo kỳ hạn bằng cách thỏa thuận với khách hàng gửi 2 năm, nhưng muốn rút lúc nào cũng được. Tương tự, tiền gửi không kỳ hạn có thể biến thành có kỳ hạn, thậm chí hiện nay quy định chỉ được sử dụng 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức để cho vay rất khó giám sát, vì không ai tính toán được và liệu NHNN có đủ bộ máy để liên tục giám sát. Thực trạng này dẫn tới các tín hiệu để điều hành giám sát tiền tệ không còn chính xác.

 

Trong tình hình hiện nay, đâu là vai trò của dự trữ bắt buộc, vốn là công cụ hữu hiệu trong điều hành chính sách tiền tệ, thưa ông?

Ở những thời điểm cần thiết, việc điều hành có thể bỏ công cụ thị trường, nhưng lạm dụng quá thì đến lúc thị trường trở nên méo mó. Trước kia, NHNN có thể tăng cung ứng tiền bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và ngược lại. Nay công cụ dự trữ bắt buộc trở nên vô nghĩa, nhiệt kế không đo được thân nhiệt thì biết cơ thể đang ra sao để điều hành! Bội số của tiền không ai tính được, vì thế tín hiệu để điều hành vĩ mô là rất khó.

 

Thật khó để kỳ vọng NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh chỉ số lạm phát có nguy cơ tăng cao trong những tháng cuối năm. Ở góc độ là chuyên gia tư vấn cho Chính phủ, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Lãi suất cao chưa giảm thì lạm phát không còn đáng sợ. Lạm phát phụ thuộc vào tăng cung tín dụng, phụ thuộc vào lãi suất. Ở thời điểm của Việt Nam hiện nay, không việc gì phải sợ lạm phát. Lãi suất danh nghĩa hiện gần 12%, lạm phát cả năm đặt mục tiêu khống chế 8%, thì lãi suất thực là 4%. Mức lãi suất này cao "khủng khiếp" so với thế giới, doanh nghiệp làm sao kinh doanh được. Mấu chốt chính là ở việc NHNN tăng cung ứng tiền thì mới có tín hiệu về nới lỏng tiền tệ.