Ông Đặng Thành Tâm

Ông Đặng Thành Tâm

TTCK sẽ khởi sắc, phản ánh thực trạng kinh tế Việt Nam

(ĐTCK-online) Tham dự Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tuần qua tại Nhật Bản, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) cho biết, năm 2011 không phải là năm dễ dàng với các nền kinh tế. Do vậy, chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của giới doanh nhân trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Gần đây, Nhật Bản và Mỹ đã tung ra chương trình hỗ trợ kinh tế trước lo ngại suy thoái kép, khủng hoảng nợ châu Âu chưa có hồi kết. Tại APEC lần này, triển vọng kinh tế thế giới năm 2011 được đánh giá ra sao?

G20 và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC đều đánh giá, kinh tế thế giới năm 2011 sẽ phát triển thấp hơn so với năm 2010, cụ thể là tăng trưởng GDP sẽ giảm 20 - 25% ở hầu hết các nền kinh tế, kể cả ở vùng kinh tế rất năng động là châu Á.

Châu Âu thì vẫn ngập trong nợ nần. Hai nền kinh tế nhất nhì thế giới là Mỹ và Nhật Bản còn rất khó khăn, do vậy họ tung ra gói kích thích kinh tế mới, ở Mỹ là 600 tỷ USD và ở Nhật Bản là 100 tỷ USD. Các nước này lo ngại một cuộc khủng hoảng kép, nên họ chủ động kích thích kinh tế để đưa kinh tế nước họ vươn lên bền vững hơn, đồng thời cũng có ảnh hưởng tích cực đến kinh tế toàn cầu.

Do mầm mống của một cuộc "chiến tranh tiền tệ" thông qua việc phá giá đồng tiền, nên thế giới lo ngại Mỹ kích cầu 600 tỷ USD bằng tiền in ra sẽ càng làm đồng USD suy yếu. Điểm đáng chú ý tại diễn đàn này là Tổng thống Mỹ Brack Obama đã cam kết giữ ổn định đồng USD.

 

Vậy Diễn đàn đưa ra những khuyến nghị hoặc cam kết nào để phục hồi kinh tế thế giới. Việt Nam nên tham khảo chính sách năm 2011 như thế nào từ cuộc họp này?

Chủ yếu là khuyến nghị làm sao cho việc tăng trưởng đồng đều giữa các nền kinh tế APEC, do mất cân bằng trong tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư của khối APEC. Đồng thời, đưa ra tuyên bố chung ngăn chặn cuộc chiến tranh tiền tệ, tiếp tục cải tổ về tài chính và tiếp tục chủ trương ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ.

Năm 2009, Việt Nam tăng trưởng 5,23%, là nước tăng trưởng cao thứ hai trong APEC chỉ sau Trung Quốc. Năm 2010, dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7%, nhưng nhiều nước châu Á khác tăng trưởng mạnh hơn rất nhiều như Singapore trên 10%, Hàn Quốc, Ấn Độ đều cao hơn. Đặc biệt, ở Việt Nam , lạm phát khá cao, trong khi các nước kia vẫn rất thấp, thậm chí Nhật Bản còn giảm phát.

Đối với Việt Nam , chúng ta sẽ phải làm sao để ổn định vĩ mô, tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu năm 2011.

Qua  những trao đổi tại Diễn đàn APEC, Việt Nam cần cân nhắc thật kỹ về chính sách tiền tệ, tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu trong vòng 5 năm nữa thông qua nhiều chương trình.

Việc chống chủ nghĩa bảo hộ cũng giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tốt hơn.

Việc cải tổ về tài chính, Việt Nam cũng cần cân nhắc, ví dụ như chính sách về ngân hàng chúng ta đi sau các nước, nên sẽ phải xây dựng lộ trình riêng sao cho phù hợp nhất để vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa có hệ thống ngân hàng tài chính lành mạnh và vững chắc hơn.

 

Báo chí thế giới gần đây đề cập nhiều đến dòng vốn từ các gói kích thích kinh tế tung ra trên thế giới. Ông nhìn nhận khả năng tác động của dòng vốn này tới Việt Nam ra sao? Mối quan tâm của các NĐT nước ngoài với Việt Nam thời điểm này là gì?

Kích thích kinh tế thông qua gói kích cầu trước mắt sẽ giúp cho kinh tế tăng trưởng và cải thiện được nền kinh tế. Mỹ và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu lớn nên chắc chắn sẽ thuận lợi lớn cho Việt Nam . Tuy vậy, điều người ta lo ngại là đồng USD lại tiếp tục mất giá và lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam . Do vậy, vấn đề lựa chọn tỷ giá thật hợp lý và giữ tỷ giá đó ổn định trong thời gian dài là quan trọng.

Hầu hết NĐT quốc tế đều đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy vậy, họ lo ngại nhất là vấn đề tỷ giá, nếu tỷ giá dao động mạnh và không ổn định sẽ khó cho NĐT quốc tế hoạch định đầu tư vào Việt Nam .

 

Một số ý kiến đang tỏ ra lo ngại về kịch bản khó khăn như đầu năm 2009 tái diễn tại Việt Nam: lãi suất tăng cao, tỷ giá bất ổn, lạm phát cao… Nhận xét của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam dưới tác động của những biến động kể trên? Những kinh nghiệm, bài học nào doanh nghiệp cần chú ý trong thời điểm này để duy trì hiệu quả?

Tôi cho rằng, kịch bản đầu năm 2009 sẽ không lặp lại. Năm 2011 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, với khí thế năm đầu tiên và vị thế tốt đẹp của Việt Nam trên trường quốc tế thì sẽ  có nhiều tin vui cho nền kinh tế. TTCK là cặp nhiệt độ của nền kinh tế, chắc chắn sẽ phản ánh đúng sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Chúng ta thấy rất rõ, VN-Index đang đi ngược với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam , chủ yếu do việc thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao. Cuối năm 2000, VN-Index hơn 600 điểm, TTCK Mỹ hơn 10.000 điểm, giờ TTCK Mỹ hơn 11.000  điểm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn mà VN-Index chỉ đạt 440 điểm, giảm hơn 30%.

Tôi tin, năm 2011, khi tiền tệ được nới lỏng, cộng với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam , thì TTCK sẽ khởi sắc và đúng với thực trạng nền kinh tế Việt Nam .

Về phía doanh nghiệp, nên nhận biết thực trạng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam để hoạch định kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là điều phối dòng tiền thật linh hoạt để chớp cơ hội tốt.