VN-Index ở thế “lưỡng lự”

(ĐTCK-online) Sau tuần dao động mạnh trước đó, thị trường tuần qua dao động nhẹ, các phiên tăng giảm điểm xen kẽ nhau. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 3,66 điểm (+0,57%), đạt 643,8 điểm. Giá trị giao dịch toàn thị trường tăng đáng kể, đạt 4.259 tỷ đồng, bình quân 851 tỷ đồng/phiên so với 520 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Diễn biến thị trường

Các nhà đầu tư nước ngoài tuần qua mua vào 726,3 tỷ đồng và bán ra 268 tỷ đồng, bình quân mua vào 145 tỷ đồng/phiên và bán ra 53 tỷ đồng/phiên so với con số 99 tỷ đồng và 57 tỷ đồng của tuần trước đó. Giao dịch trái phiếu của khối này có trầm lắng hơn, nhưng tổng lượng mua vào ròng cũng đạt hơn 523 tỷ đồng.

Trong top cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, STB rơi xuống vị trí thứ 2 khi chỉ giữ được mức giá đóng cửa cuối tuần trước đó. Nhờ giá tăng 6,5%, DPM đã tạm thời trở thành cổ phiếu lớn nhất thị trường. VNM với mức tăng 9,8% giữ vị trí thứ 3. Trong khi đó, SSI giảm 3,6%, rơi xuống vị trí thứ 9. NTL mất tới 18,1%, trở thành cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong các cổ phiếu lớn.

 

Bình luận

Tuyên bố của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có lẽ là động lực chính giúp cho thị trường đột ngột quay đầu vào cuối tuần trước đó. Tuy nhiên, giới đầu cơ cũng tranh thủ cơ hội hiếm hoi này để kiếm lời trong ngắn hạn bằng việc đẩy giá chứng khoán đi lên. Nhưng xu thế tăng giá quá ngắn ngủi khi ngay trong phiên đầu tuần, các nhà đầu tư đột ngột tăng mạnh lượng bán ra để thu lời làm giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục. Động thái bán mạnh cổ phiếu đã chặn đứng đà tăng giá có được trước đó và kết quả là thị trường bước vào giai đoạn đi ngang đến cuối tuần với giá trị giao dịch giảm dần.

HOSE đã thông báo vào hôm thứ Tư rằng, SCIC sẽ giao dịch thoả thuận đối với một số cổ phiếu bị giải chấp tại CTCK. Điều này đã giảm bớt áp lực bán tháo cổ phiếu giải chấp trong giờ giao dịch khớp lệnh. Có lẽ nhờ đó mà giá trị giao dịch thoả thuận cổ phiếu tuần qua tăng đáng kể, đạt hơn 277 tỷ đồng so với con số 161 tỷ đồng của tuần trước đó, đồng thời áp lực cung trong thời gian khớp lệnh giảm xuống giúp cho thị trường không biến động theo hướng bất lợi.

 

Phân tích kỹ thuật

Sau khi đạt mức 669,24 điểm trong ngày thứ Hai (10/3), VN-Index đã không  duy trì được đà tăng giá. Việc này đã được dự đoán từ trước rằng, sức bán sẽ tăng mạnh sau khi chứng khoán mua về kết thúc thời gian T+4. Thứ Hai cũng là ngày mà thị trường có khối lượng giao dịch lớn nhất với 25.046.350 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch (chưa kể khối lượng giao dịch thoả thuận).

Kể từ thứ Ba (11/3) đến hết tuần, VN-Index dao động lên xuống trong biên độ hẹp +/-20 điểm với khối lượng giao dịch giảm dần. Sau thời gian biến động thất thường, thị trường 3 ngày gần đây như đang “buồn ngủ”. VN-Index đạt mức 643,8 điểm vào ngày 14/3/2008. Sự dao động nhẹ của VN-Index phản ánh tâm trạng của nhà đầu tư, không còn phấn chấn như trong tuần trước đó, mà  đang trông ngóng một động thái tích cực nhằm củng cố niềm tin vào sự hồi phục của thị trường. Nếu như không có những tín hiệu tích cực thì nhiều khả năng VN-Index sẽ lại giảm từ từ về mức 580 - 600 điểm.

Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index kết thúc tuần trước đó ở mức 34 của RSI và vào ngày thứ Hai đầu tuần qua đạt mức 38,5 và vẫn đang lưỡng lự trước mức 40. Nếu thị trường hồi phục thực sự, đường RSI sẽ cắt đường giới hạn màu xanh trên đồ thị.

Nhà đầu tư có thể kết hợp nhận định của RSI với đường Andrew's Pitchfork trên đồ thị của VN-Index. Sau  khi trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh, khả năng VN-Index bật trở lại đường trung bình của chĩa ba này sẽ lớn hơn so với các thời điểm khác. Tuy nhiên, VN-Index  hiện tại vẫn đang “lưỡng lự” trước đường giữa của chĩa ba đó.

Hai chỉ báo trên chỉ là một trong nhiều chỉ báo nhằm kiểm tra “sức khoẻ” của VN-Index. Khi mà uptrend còn chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên thận trọng, cân nhắc các yếu tố trước khi đầu tư.

  

Khuyến nghị

Mặc dù có nhiều thông tin hỗ trợ từ phía Nhà nước, tuy nhiên, triển vọng của thị trường vẫn chưa khả quan khi tình hình vĩ mô chưa có dấu hiệu sáng sủa. Tuần này ghi nhận việc các ngân hàng thương mại sẽ phải mua hết toàn bộ số tín phiếu bắt buộc được phát hành vào ngày 17/3, trị giá 20.300 tỷ đồng. Đồng thời, áp lực lãi suất cao sẽ tiếp tục tác động xấu tới sức cầu của thị trường. Vì vậy, khả năng thị trường sẽ dao động nhẹ theo chiều hướng bất lợi. Các nhà đầu tư cần bình tĩnh chờ đợi phản ứng chính thức trên thị trường tiền tệ trước khi ra quyết định đầu tư.