VN-Index: Vùng kháng cự 523-540 điểm

(ĐTCK-online) Chỉ có hai ngày giao dịch, tuần qua, thị trường tăng cả hai phiên, theo đó VN-Index có thêm 6,48 điểm, tương đương 1,26% đóng cửa ở mức 522,36 điểm. Giá trị giao dịch trong tuần tăng khá khi đạt mức 786 tỷ đồng, bình quân 393 tỷ đồng/phiên, so với 241 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Giao dịch của nhà ĐTNN tuần qua phục hồi trở lại để trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường. Khối này mua vào 312 tỷ đồng và bán ra 45 tỷ đồng, bình quân mua vào 156 tỷ đồng và bán ra 22,5 tỷ đồng/phiên, gần gấp đôi so với 96 tỷ đồng/phiên và 12 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Mặc dù giao dịch của khối nước ngoài chưa có đột phá mạnh mẽ, song lượng mua của khối này cũng chiếm tới 40% giao dịch toàn thị trường, qua đó giúp VN-Index không tiếp tục xu thế đi xuống của tuần trước đó. Tuần qua, không có giao dịch trái phiếu nào của khối này được ghi nhận.

Nhóm 5 cổ phiếu lớn nhất thị trường có sự phân hoá rất rõ ràng khi STB giảm sàn cả hai phiên và để mất tổng cộng 3,5%, các cổ phiếu còn lại là VNM, DPM, PVD và PPC đều gần như tăng trần cả hai phiên.

 

Bình luận

Nhà ĐTNN tiếp tục thể hiện rõ tầm ảnh hưởng và tiếp tục thu gom một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I/2008 rất tốt như HPG, VNM, DPM, VSH và PPC… Trong khi đó, một số cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều bởi các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả đều giảm giá. Khởi đầu bằng sự kiện REE công bố mức lỗ trong quý I lên tới hơn 106 tỷ đồng, có nguyên nhân từ khoản lỗ dự phòng giảm giá chứng khoán 160 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục đà suy giảm.

Trên thị trường tiền tệ, Hiệp hội Ngân hàng vừa đạt được thoả thuận sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự đồng thuận về lãi suất, đồng thời mức trần lãi suất được nâng lên 12% áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 6 tháng, so với mức 11% trước đó. Trong khi đó, báo cáo tuần 17 từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất qua đêm ở các kỳ hạn đều có sự gia tăng, do các ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đủ dự trữ bắt buộc của tháng 4 theo quy định.

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sẽ có thêm nhiều công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Dự kiến, các công ty ít chịu tác động của lạm phát như ngành sản xuất khai thác nguyên liệu thô, chế biến sản phẩm nông nghiệp thực phẩm và các DN sản xuất không đầu tư nhiều vào thị trường cổ phiếu sẽ có kết quả kinh doanh thuận lợi.

 

Phân tích kỹ thuật

Tuần qua, chúng ta chỉ có 2 ngày giao dịch. Những tín hiệu tích cực của 2 ngày cuối tuần trước đó đã kéo dài sang ngày giao dịch đầu tiên của tuần. Thị trường kết thúc ngày giao dịch đầu tiên với điểm số tăng. Khối lượng giao dịch tăng lên.

Trong 3 ngày giao dịch, thứ Năm, thứ Sáu tuần trước đó và thứ Hai đầu tuần qua, VN-Index đóng cửa với số điểm cao hơn mở cửa, tạo cơ sở cho sự tăng điểm của những ngày giao dịch sau.  Sự tích cực đó được tiếp tục ở đợt giao dịch định kỳ xác định giá mở cửa của ngày 29/04/2008, khi VN-Index đạt 523,86, cao hơn mức tham chiếu của VN-Index (519,42 điểm).

Sang đợt giao dịch liên tục, tình hình không còn khả quan như vậy. VN-Index đạt mức thấp nhất trong ngày 520,41 điểm khi gần kết thúc phiên 2. Mức điểm đóng cửa cũng không thể tăng cao trở lại mức mở cửa. Tuy nhiên, xét toàn bộ ngày giao dịch thì số điểm của VN-Index vẫn cao hơn mức tham chiếu.

Việc hồi phục của thị trường gặp trở ngại do VN-Index chạm phải vùng kháng cự 523-540 điểm (mà chúng ta đã xác định trong nhận định tuần trước đó). Với việc dừng đà tăng này, hiện tại VN-Index vẫn chưa bứt phá được khỏi kênh giảm điểm bắt đầu từ ngày 09/04/2008. Khối lượng giao dịch tăng lên trong một ngày giá giảm (giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa) là một thách thức với đà hồi phục của thị trường.

RSI hiện tại đang nằm trong một tam giác được xác định như đồ thị trên. Hướng đi của VN-Index sẽ cùng chiều với hướng của RSI, một khi RSI vượt khỏi kháng cự hay cắt xuống dưới của mức hỗ trợ.

Chúng ta bước vào một đợt nghỉ dài và theo thống kê, VN-Index thường phản ứng tích cực sau những ngày nghỉ. Liệu quy luật đó có bị phá vỡ?

 

Khuyến nghị

Căng thẳng trên thị trường tiền tệ sẽ vẫn tiếp tục tác động tới thị trường, đặc biệt là đối với các cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng - các cổ phiếu trước đây được cầm cố nhiều nhất. Ngược trở lại, nhiều công ty sản xuất trực tiếp không chịu ảnh hưởng bởi lạm phát sẽ có kết quả kinh doanh thuận lợi và giá cổ phiếu sẽ hồi phục. Mặc dù vậy, triển vọng dài hơn của nền kinh tế vẫn chưa có gì khả quan khi nhập siêu quá lớn (4 tháng đầu năm nhập siêu chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu). Điều đó chưa đảm bảo cho một xu thế phục hồi dài hơi của thị trường.

Ngày

Toàn thị trường

Giao dịch của nhà ĐTNN

 

 

Mua

Bán

28/04

383.494

158.373

27.284

29/04

403.345

153.720

18.345

Tổng

786.839

312.093

45.629