American Airlines tự hại mình vì chậm đổi mới

American Airlines tự hại mình vì chậm đổi mới

(ĐTCK-online) Ngày 29/11/2011, AMR Corp., công ty mẹ của American Airlines, hãng hàng không lớn thứ 3 của Mỹ và American Airlines đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản doanh nghiệp Mỹ. Đi kèm với thông tin trên là quyết định thay đổi bộ máy lãnh đạo chóp bu của American Airlines.

American Airlines tự hại mình vì chậm đổi mới ảnh 1

CEO American Airlines Thomas W. Horton

Ông Thomas W. Horton, 50 tuổi, vừa được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) thay cho ông Gerald Arpey, 53 tuổi (sẽ không còn nắm bất kỳ vị trí nào trong Hãng).

Một trong những mục tiêu đầu tiên mà American Airlines phải đạt được trong quá trình tái cấu trúc để ra khỏi giai đoạn bảo hộ phá sản là cắt giảm chi phí lao động (tinh giản bộ máy, hạ lương, thưởng...).

Ông Darryl Jenkins, chuyên gia phân tích về hàng không nhận xét, 78.250 nhân viên của American Airlines sẽ thấm đòn đầu tiên khi chắc chắn sẽ bị cắt tiền lương, tiền thưởng. Không ít người đứng trước nguy cơ mất việc.

Tính đến hết ngày 30/9/2011, tổng tài sản của AMR là 24,7 tỷ USD, trong khi bị nợ tới 29,6 tỷ USD. AMR hiện vẫn có tới 4 tỷ USD tiền mặt và nhiều khoản đầu tư ngắn hạn sẵn sàng dùng để thanh toán tiền vé cho các đại lý và các đơn vị cung cấp dịch vụ.

AMR đã thuê Ngân hàng đầu tư Rothschild và các hãng luật có tiếng như Weil, Gotshal & Manges; Paul Hastings; Debevoise & Plimpton và the Groom Law Group để tư vấn cho mình trong giai đoạn bảo hộ phá sản này.

American Airlines có tiếng là trả lương cao cho đội ngũ nhân viên của mình. Theo một điều tra thuộc  Dự án Airline Data Project do Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) thực hiện, năm 2010, lương bình quân của 1 phi công ở American Airlines là 205.628 USD, cao hơn 11% mức lương bình quân của phi công được các hãng hàng không ở Mỹ trả. Các chiêu đãi viên của American Airlines cũng thuộc loại được trả lương cao thứ 2 ở Mỹ so với đồng nghiệp ở các hãng khác. Năm 2010, lương bình quân của 1 chiêu đãi viên của American Airlines là 50.410 USD, cao thứ 2, chỉ sau của Continental Airlines (với 56.085 USD).

Trong khi đó, chi phí hoạt động của American Airlines lại cao, bởi trong số hơn 600 máy bay đang được khai thác thường xuyên, có tới hơn 200 chiếc loại McDonnell Douglas MD-80 cũ kỹ (vừa ngốn nhiều nhiên liệu lại vừa luôn đe doạ mất an toàn). Các hãng khác đã thải loại máy bay từ lâu rồi, chỉ dùng Boeing hoặc Airbus.

Có trụ sở chính tại Fort Worth , bang Texas , AMR bị lỗ 982 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay. Năm ngoái, AMR cũng bị lỗ 471 triệu USD. Tính từ năm 2001 đến nay, AMR bị lỗ hơn 12 tỷ USD.

Ngày 29/11, giá cổ phiếu của AMR tại Sở GDCK New York đã tụt xuống 26 UScent /cổ phiếu, thấp thảm hại so với mức cao điểm vào tháng 1/2007 ở mức 41 USD/cổ phiếu.

Theo nhiều nhà phân tích, để đến nông nỗi này, American Airlines phải tự trách mình vì đã không sớm cương quyết hơn trong việc cắt giảm chi phí, kịp thời mua máy bay mới thay thế... Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York, dù mất 2 máy bay, nhưng American Airlines trụ lại được và là hãng hàng không lớn nhất Mỹ. Trong khi đó, các hãng hàng không đối thủ lại dần rơi vào cảnh khốn đốn.

Năm 2002, Unites Airlines đã buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản để rồi 4 năm sau, vào năm 2006 mới thoát khỏi "vòng kim cô".

Tháng 9/2005, do làm ăn yếu kém, cả Delta Air Lines lẫn Northwest Airlines cùng phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Sau gần 2 năm vào tháng 5 và 7/2007, Delta Air Lines và Northwest Airlines mới lần lượt ra khỏi vòng hoạn nạn.

Thế nhưng, sau khi từ "cõi chết" trở về, các hãng này đã hồi sinh nhanh chóng. Vào cuối năm 2008, 2 hãng Delta Air Lines và Northwest Airlines sáp nhập với nhau trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Mỹ. Tháng 5/2010, United Airlines và Continental Airlines cũng đạt được thỏa thuận sáp nhập để hình thành ra hãng hàng không mới lớn nhất Mỹ.

Đương nhiên là American Airlines tụt xuống vị trí thứ 3, thua xa 2 đối thủ về mọi mặt. Hiện tại, tình hình của American Airlines còn thê thảm hơn nữa. Trong cơn bĩ cực này, mọi hy vọng đều trông cả vào vị cứu tinh là CEO mới Thomas W. Horton. Ông Thomas W. Horton có bằng cử nhân về quản trị kinh doanh của Đại học Baylor và MBA của Đại học Southern Methodist.

Ông bắt đầu làm việc cho AMR từ năm 1985 như nhân viên tài chính. Năm 1998, được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch phụ trách mảng kiểm soát nội bộ. Năm 2002, ông đầu quân cho Tập đoàn viễn thông AT&T, để rồi năm 2006 lại quay về AMR làm Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) và đảm nhiệm luôn mảng kế hoạch.

Tháng 7/2010, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch. Hiện tại, ông chưa đưa ra bất kỳ lời hứa nào và cũng không tiết lộ cách thức và thời gian để đưa AMR trở lại quỹ đạo bình thường. Ông chỉ nói một câu đại ý là, nói trước sợ… bước không qua.