Cần công khai, minh bạch các thông tin để dập tắt các hiện tượng đầu cơ đang diễn ra, như đầu cơ USD.

Cần công khai, minh bạch các thông tin để dập tắt các hiện tượng đầu cơ đang diễn ra, như đầu cơ USD.

Bài toán minh bạch

(ĐTCK-online) Bắt đầu từ năm 2009, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức họp báo chung vào đầu năm nhằm cung cấp thông tin tổng thể về kế hoạch kiểm toán trong cả năm để các cơ quan báo chí chủ động theo dõi. Vai trò của người phát ngôn của Kiểm toán Nhà nước trong việc phối hợp và cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí nhằm thông tin kịp thời các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các vụ việc được kiểm toán cũng được cam kết sẽ nâng cao.

Đây thực sự là một động thái tích cực khi tình trạng "mơ hồ trong các chính sách" đang được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo là một nguyên nhân cơ bản của hiệu quả kém trong thực thi chính sách. Cho dù lâu nay, trong khá nhiều báo cáo, bài phát biểu, những cam kết về minh bạch thông tin luôn được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra như những đột phá, song nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa thực tiễn nhất là minh bạch như thế nào, bằng cách nào... lại hầu như để trống.

Sẽ rất khó cho cả báo giới cũng như công chúng khi nhận được những thông tin theo cách "sẽ điều chỉnh từng bước giá các mặt hàng"... mà không thể biết rõ từng bước đó sẽ được lên kế hoạch ra sao. Hậu quả là thông tin của báo chí về vấn đề này thời gian qua thực sự đã tạo nên một tâm lý khá bất ổn trong dân cư về tình hình thị trường. Không những thế, tâm lý đầu cơ, tích trữ hàng hoá cũng vì thế mà xuất hiện. Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, phân tích rằng, chính sự không rõ ràng, minh bạch, công khai về chính sách cũng như các chính sách đưa ra thiếu tính dự đoán cao đã tạo điều kiện cho hiện tượng đầu cơ xuất hiện. "Hiện tượng này xuất phát bởi kỳ vọng lạm phát và lợi nhuận. Điều này không nên chỉ trách riêng doanh nghiệp", ông Doanh nói.

Cũng làm khó cho cả doanh nghiệp khi các thông tin công bố về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của một số tổng công ty, tập đoàn của nhà nước vừa được công khai đã lại thay đổi. Trường hợp cụ thể là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), sau một thời gian bị mang tiếng là một trong những đơn vị có hệ số này lớn nhất cả nước, tới 42 lần, Cienco 5 đã được Bộ Tài chính có văn bản ghi nhận hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu của chỉ là 8,17 lần. Lý do của sự "điều chỉnh" này là do các khoản thu từ việc huy động nguồn vốn kinh doanh từ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư để thực hiện các dự án của Cienco 5 chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu vào kết quả sản xuất - kinh doanh nên không tính vào phần vốn chủ sở hữu, mà phải tính vào khoản nợ phải trả, mặc dù về thực chất, đây không phải là khoản nợ phải trả.

Ở đây, sự minh bạch với động cơ rất rõ ràng là nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý, giám sát công khai các công ty nhà nước, song rất tiếc là những tiêu chí, cơ sở đánh giá lại chưa thực sự thống nhất, chưa gắn kết với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Chính điều này đã khiến nỗ lực minh bạch từ phía cơ quan quản lý nhà nước làm khó cho chính mình. Sẽ có rất nhiều băn khoăn đằng sau những con số được công khai, minh bạch theo cách như vậy.

Cũng phải nhắc lại những cam kết về công khai các điều kiện đầu tư đối với một số ngành, nghề cụ thể sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, trong báo cáo rà soát mới đây liên quan đến vấn đề này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn trong việc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án có liên quan đến cam kết của Việt Nam gia nhập WTO vẫn còn nguyên. Lý do là hướng dẫn về các điều kiện đầu tư vẫn chưa được các bộ, ngành đưa ra cụ thể. Trong trường hợp này, sự không minh bạch không chỉ làm khó nhà đầu tư, mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình...