(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cải thiện môi trường đầu tư, DN Nhật Bản đợi gì?

(ĐTCK) Dưới cái nhìn của các DN Nhật Bản, nhiều “điểm nghẽn” trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam tồn tại suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chậm được khắc phục.

 Một khi tình trạng này sớm được tháo gỡ, có nhiều cơ hội để Việt Nam chào đón làn sóng đầu tư mới từ phía Nhật Bản.

Áp lực tăng chi phí kinh doanh

Tại Hội thảo kinh tế hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, do Hiệp hội Việt Nam - Nhật Bản phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 13/9, các DN Nhật Bản tiếp tục bày tỏ quan ngại về những “nút thắt” trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã tồn tại từ nhiều năm nay, khiến gia tăng áp lực tăng chi phí kinh doanh đối với DN.

Ông Motonobu Sato, Tổng giám đốc Công ty Mitsui Việt Nam cho biết, những yếu kém về cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu... vẫn chưa được cải thiện nhiều so với nhu cầu nâng cao tính hấp dẫn cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Đặc biệt, gần đây, các DN nước ngoài, trong đó có DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam tỏ ý lo ngại về tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Điều này không chỉ khiến cho kế hoạch kinh doanh của các DN bị động, rủi ro cao, mà còn đẩy chi phí kinh doanh tăng khó kiểm soát.

“Tình trạng kém minh bạch trong chi tiêu công, cũng như hiệu quả chống tham nhũng chưa cao, tệ quan liêu của nhiều cấp chính quyền... đang là những lực cản đáng kể cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam . Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần tính đến việc sớm tiến hành cuộc đổi mới lần thứ hai sau lần một đã diễn ra từ năm 1986...”, ông Motonobu Sato khuyến nghị.

Theo cảm nhận của các DN Nhật Bản, hệ thống pháp luật về kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Điển hình là tình trạng chính sách kém minh bạch, chồng chéo và thay đổi “chóng mặt”, khiến DN rất khó kịp thời nắm bắt để tuân thủ...

 

Chờ bước cải thiện mới

Qua trực tiếp tìm hiểu và tư vấn cho các DN Nhật Bản vào đầu tư tại Việt Nam, ông Ryoichi Nakagawa, chuyên gia đến từ Trung tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cho biết, nhiều DN vừa và nhỏ Nhật Bản đang có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Trong khi khối DN lớn có nhu cầu mở rộng đầu tư đang có dấu hiệu bão hòa, thì đây là lúc Việt Nam nên có những cơ chế đủ sức hấp dẫn để thu hút DN vừa và nhỏ Nhật Bản vào đầu tư. Để đạt mục tiêu này, cần chú trọng ít nhất 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, sớm hình thành các khu công nghiệp với diện tích mặt bằng hợp lý, để phục vụ cho các DN vừa và nhỏ vào thuê. Hiện nay, Trung tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam đã phối hợp với một tập đoàn chuyên phát triển các dự án khu công nghiệp đang kêu gọi DN Nhật Bản vào đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam). Do phục vụ cho nhu cầu thuê mặt bằng của các DN vừa và nhỏ, nên nhà đầu tư đã thiết kế diện tích nhà xưởng nhỏ, với chi phí hợp lý. Điều này đang tạo ra sức hấp dẫn trong thu hút DN vừa và nhỏ Nhật Bản vào thuê nhà xưởng tại khu công nghiệp này.

Thứ hai, để tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào thuê mặt bằng, các khu công nghiệp chuyên phục vụ cho DN vừa và nhỏ thuê, cần đặt tại các điểm thuận lợi về giao dịch với các thị trường trọng điểm, cũng như có tính kết nối cao với hệ thống giao thông, cảng biển...

Thứ ba, các DN vừa và nhỏ Nhật Bản khi triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu rất cao về tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung. Thế nhưng, hiện đội ngũ này rất thiếu, nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Các cơ sở đào tạo, cũng như người lao động Việt Nam cần nắm bắt nhu cầu này, để đáp ứng nhu cầu về tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Một điều tưởng như nhỏ, nhưng theo ông Yasuo Takabuchi, Tổng giám đốc Công ty MOCAP Việt Nam, lại rất quan trọng với các DN có tính kỷ luật cao như DN Nhật Bản, là lao động Việt Nam còn rất xuề xòa về thời gian làm việc. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chuyên nghiệp của DN, mà còn tác động tiêu cực đến chính quyền lợi của người lao động. DN Nhật Bản hy vọng, hạn chế này sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới với sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, cũng như bản thân người lao động... Điều này sẽ góp phần cùng với các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư khác, tạo ra sức hấp dẫn trong thu hút DN vừa và nhỏ Nhật Bản triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.