Nhiều NĐT vẫn chưa quên bài học về vay cầm cố chứng khoán trước đây, nên họ khá thận trọng với việc cho vay cấm cố trở lại của các ngân hàng lần này. (Ảnh minh họa: Đức Thanh).

Nhiều NĐT vẫn chưa quên bài học về vay cầm cố chứng khoán trước đây, nên họ khá thận trọng với việc cho vay cấm cố trở lại của các ngân hàng lần này. (Ảnh minh họa: Đức Thanh).

Cầm cố chứng khoán không còn hấp hẫn

(ĐTCK-online) Tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán đang được nhiều ngân hàng quan tâm trở lại. Một ngân khoản tương đối lớn đã được các ngân hàng dành riêng hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán thông qua tín dụng cầm cố và nghiệp vụ repo chứng khoán (mua bán chứng khoán có kỳ hạn). Tuy nhiên, khác với thời gian trước, khi TTCK trên đà phát triển mạnh và lãi suất vay vốn rẻ, hiện nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với loại hình tín dụng cho vay cầm cố cổ phiếu.

Điều này được thể hiện qua tiến độ giải ngân của một đơn vị đầu tiên tái triển khai cho vay cầm cố chứng khoán là CTCK SBS, trực thuộc Ngân hàng Sacomank. Công ty này cho biết, sau hơn một tuần triển khai chỉ giải ngân được 5 tỷ đồng trên tổng số 300 tỷ đồng được cung ứng từ Sacombank. SBS đánh giá, nhu cầu của nhà đầu tư không lớn, cho dù trước đó nhiều người mong mỏi được vay vốn ngân hàng để kinh doanh chứng khoán.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cầm cố chứng khoán chưa phải là đòn bẩy để thúc đẩy TTCK, bởi dịch vụ này chỉ có thể phát triển khi thị trường tăng trưởng mạnh. Các nhà đầu cơ ngắn hạn chính là những người có nhu cầu sử dụng lớn về dịch vụ cho vay cầm cố cổ phiếu. Còn với nhà đầu tư trung và dài hạn thì lúc này sẽ ngại cầm cố chứng khoán để vay tiền đầu tư, nguyên nhân chính là lãi suất phải trả quá cao so với tỷ suất sinh lời trong kinh doanh chứng khoán.

Hiện lãi suất được các ngân hàng áp dụng khi cho vay cầm cố chứng khoán phổ biến là 21%/năm, tương đương 1,75%/tháng. Trong khi đầu năm 2007, lãi suất cao nhất trong cho vay cầm cố chứng khoán cũng chỉ có 1 - 1,3%/tháng. Điều này đã làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ này. Nhưng phía ngân hàng tỏ ra thận trọng, bởi lo ngại rủi ro về nợ xấu gia tăng. Thực tế, thời gian cho vay, hạn mức cho vay cũng như tỷ lệ được vay so với thị giá cổ phiếu nằm trong danh mục (đã được chắt lọc kỹ và chỉ áp dụng cho những cổ phiếu có tính thanh khoản cao) đều được các ngân hàng thu hẹp. Cụ thể, Sacombank chỉ cho vay tối đa trong vòng 2 tháng. Một nhà đầu tư chỉ được vay 5 tỷ đồng, thay vì mức gấp đôi, gấp ba như một số ngân hàng đã triển khai hồi đầu năm 2007.

Tại Eximbank, 800 tỷ đồng dành để hỗ trợ nhà đầu tư trong kinh doanh chứng khoán của ngân hàng này cũng được quy định các điều kiện giải ngân rất kỹ. Danh mục cổ phiếu cho vay cầm cố được chọn lọc, tỷ lệ vay trên thị giá dưới 40% và không quá 3 lần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù hạn mức vốn để cho cầm cố chứng khoán tại ngân hàng vẫn còn rộng rãi, vì trong những tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều khép cửa loại hình tín dụng này, nhưng không vì thế mà khi TTCK khởi sắc trở lại, các ngân hàng lại ồ ạt cho vay, nhất là khi tăng trưởng tín dụng năm nay ngân hàng phải khống chế dưới ngưỡng 30%.

Theo ông Tuấn, khi TTCK tăng trưởng và ổn định thì cho vay cầm cố chứng khoán chính là đòn bẩy tốt cho nhà đầu tư. Nhưng trước mắt, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, loại hình tín dụng này chưa thể là yếu tố thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc SBS nhận định, khác với trước, nhà đầu tư hiện đã thận trọng hơn đối với bài toán kinh doanh nên hiện chủ yếu sử dụng vốn tự có để mua chứng khoán, chưa mặn mà với việc vay vốn. Tuy nhiên, nhu cầu cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư sẽ tăng trong thời gian tới, khi TTCK tăng trưởng ổn định và lãi suất cho vay giảm.

Bên cạnh tín dụng cầm cố cổ phiếu, hiện nghiệp vụ repo cũng được nhiều CTCK trực thuộc ngân hàng và đơn vị độc lập tái triển khai. Thế nhưng, theo đánh giá của các CTCK, tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn dè dặt. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Repo CTCK ACBS cho biết, trong 2 tháng qua, Công ty chỉ giải ngân được 20 - 30 tỷ đồng đối với nghiệp vụ trên. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, ACBS sẽ gia tăng hạn mức vốn lên 100 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư thông qua repo cổ phiếu. Danh mục chứng khoán ACBS chọn để repo là những cổ phiếu có thanh khoản cao và trước mắt tập trung vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo ông Tuấn, mức phí repo (lãi suất cho vay) được nhiều CTCK áp dụng hiện nay dao động từ 1,75 - 1,8%/tháng khiến nhà đầu tư e ngại. Đây cũng là cơ sở để ACBS xem xét điều chỉnh giảm mức phí repo trong thời gian tới.