Chỉ định thầu tràn lan, khoảng tối “chạy chọt”

Chỉ định thầu tràn lan, khoảng tối “chạy chọt”

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, tình trạng chỉ định thầu tràn lan đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực. Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Đấu thầu lần này, cần bổ sung quy định nhằm giảm thiểu các công trình, dự án thực hiện theo kiểu chỉ định thầu.

Chỉ định thầu tràn lan, khoảng tối “chạy chọt” ảnh 1Các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách cần được đấu thầu một cách công khai, minh bạch

 

“Chạy” để thắng thầu

“Hiện có tới 75% gói thầu, với 45% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước triển khai theo kiểu chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí…”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cảnh báo tại hội thảo lấy ý kiến DN đối với dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VIAC, tổ chức ngày 31/7.

Theo ông Huỳnh, vì chỉ định thầu tràn lan mà dẫn đến hiện tượng “đi đêm", làm cho việc triển khai dự án kém hiệu quả. Điều này không chỉ làm lãng phí, thậm chí thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của những DN là nhà thầu chân chính, có năng lực thực sự.

Chia sẻ cái nhìn của người trong cuộc, ông Phạm Trọng Vân, CTCP Xây dựng An Bình nói: “Là người nhiều năm lăn lộn trong thi công xây lắp, tôi khẳng định, đa số các nhà thầu được chỉ định không phải vì họ giỏi, có năng lực cạnh tranh hơn các DN khác. Trái lại, có những DN năng lực yếu kém cả về đội ngũ nhân lực, trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính…, nhưng vì họ giỏi ‘chạy’, nên trúng thầu”.

Hệ quả của tình trạng trên, theo ông Vân, tác động tiêu cực đến các nhà thầu làm ăn chân chính, có kinh nghiệm và thực lực trong triển khai các hạng mục mà chủ đầu tư đề ra. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần đưa ra những quy định theo hướng giảm thiểu các công trình, dự án triển khai theo hình thức chỉ định thầu, thay vào đó là tăng cường đấu thầu cạnh tranh, công khai. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách chỉ định thầu sai quy định, thậm chí có biểu hiện “đi đêm” với nhà thầu nhằm “rút ruột” ngân sách.

“Chỉ có tăng cường đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng, thì mới vừa giúp Nhà nước ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng cho dự án. Đây còn là cách thiết thực hỗ trợ các DN làm ăn chân chính thắng thầu trong một môi trường cạnh tranh bằng trí tuệ và năng lực thực sự, chứ không phải bằng chạy chọt”, ông Vân nói.

Ủng hộ quan điểm của ông Vân, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm đề nghị, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần tạo ra những quy định mới, đồng bộ và chặt chẽ nhằm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Muốn vậy, Luật cần đưa ra những quy định có tính đến đặc thù của các nhà thầu khác nhau, tránh cào bằng như hiện tại. Cụ thể, tiêu chí về vốn, năng lực tài chính, công nghệ của nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị trong lĩnh vực xây dựng phải khác với nhà thầu tư vấn, giám sát thi công…

 

Cảnh giác với chào thầu giá rẻ

Theo các chuyên gia và DN, chiêu cạnh tranh theo kiểu bỏ thầu giá thấp đến mức khó triển khai dự án trên thực tế cũng đang làm nảy sinh không ít tiêu cực. Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Quản lý đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, thời gian qua, rất nhiều ý kiến quan ngại về phương pháp đánh giá quy định chọn nhà thầu chỉ dựa vào giá chào thầu thấp. Thực tế, bản chất nội dung các quy định trong Luật Đấu thấu không phải như vậy, nhưng do những cách diễn giải và vận dụng khác nhau đã làm méo mó trong cách nhìn nhận về hoạt động đấu thầu.

“Muốn khắc phục tình trạng này, Luật Đấu thầu sửa đổi cần định nghĩa lại về giá đánh giá thầu cho chuẩn xác hơn, phản ánh được bản chất của công tác đánh giá thầu, tránh diễn giải tùy tiện. Theo đó, giá đánh giá thầu là chỉ tiêu được xác định trên cơ sở định lượng hóa các nội dung của bản chào thầu, nhằm đưa các bản chào về cùng một mặt bằng so sánh, để chọn ra được bản chào thầu tối ưu nhất”, ông Định đề xuất.

Ông Vân cũng cho rằng, việc các chủ đầu tư quá “hào hứng” với các bản chào thầu giá rẻ đã để lại hậu quả xấu trong thời gian qua. Thực tế, đây là chiêu cạnh tranh không lành mạnh của các nhà thầu làm ăn không đàng hoàng. Họ chào thầu giá thấp để thắng thầu, sau đó nại ra đủ lý do để yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án. Điều này vừa khiến chủ đầu tư bị động trong thu xếp vốn, vừa ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chiêu cạnh tranh không mấy lành mạnh này còn khiến các nhà thầu làm ăn tử tế, chào giá hơi cao một chút, nhưng đó là giá thực tế để triển khai dự án, bị thua cuộc.

“Bởi vậy, để tạo đột phá trong lựa chọn nhà thầu có chất lượng cho dự án, Luật Đấu thầu sửa đổi cần bổ sung các quy định về chấm thầu sao cho hợp lý hơn. Theo đó, ngoài yếu tố về giá chào thầu, cần đặc biệt quan tâm đến uy tín, năng lực về công nghệ, nhân sự, vốn… của nhà thầu, chứ không nên quá thiên về giá rẻ để chọn thầu như hiện tại”, ông Vân phát biểu.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, bất cập trên sẽ dần được khắc phục, khi dự thảo Luật sửa đổi đưa ra nhiều phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Theo đó, ngoài phương pháp giá thấp nhất, còn có phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; phương pháp đánh đổi…

Theo ông Tăng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu khá nhiều đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, DN. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cho Luật sửa đổi, đồng thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu thầu hiện tại, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được góp ý của các cơ quan liên quan, nhất là từ cộng đồng DN trước khi hoàn chỉnh dự Luật trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp đầu năm 2013.