Chính phủ trình Quốc hội 6 nhóm giải pháp điều hành những tháng cuối 2012

Chính phủ trình Quốc hội 6 nhóm giải pháp điều hành những tháng cuối 2012

Tại báo cáo sáng nay (21/5), Chính phủ đã trình Quốc hội các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc miễn giãm thuế.

Tại phiên họp Quốc hội khai mạc sáng nay, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã nêu rõ, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

 

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung điều hành vào 6 nội dung chủ yếu:

 

Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp thiết thực, phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là về vốn, mặt bằng, nhân lực, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo các cơ chế, chính sách đã ban hành, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

 

Đặc biệt cần điều chỉnh giảm lãi suất vay phù hợp với mức giảm của lạm phát; tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và khu vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước; đồng thời trình Quốc hội xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế.

 

Tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

 

Triển khai áp dụng các giải pháp xử lý nợ phù hợp đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn tạm thời (cơ cấu lại nợ, giãn nợ, thay đổi thời hạn, lãi suất…). Xoá bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

 

Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm lạm phát mục tiêu năm 2012 khoảng 8 - 9%, tạo tiền đề cho việc kiềm chế lạm phát xuống mức thấp hơn trong những năm sau, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc và sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

 

Thực hiện lành mạnh hoá tài chính quốc gia theo hướng: Phấn đấu thực hiện bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và giảm dần trong những năm tiếp theo; tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh; tăng cường kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu…

 

Tập trung phát triển thị trường trong nước, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn.

 

Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng Nhà nước còn quản lý giá đi đôi với việc tăng cường quản lý thị trường, giá cả, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn, lậu thuế, găm hàng và thao túng thị trường giá cả.

 

Thực hiện tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng để giảm giá thành sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh....

 

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế phân cấp quản lý đầu tư theo hướng vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của cả nước, của ngành, vùng, vừa bảo đảm lợi ích của địa phương cả trong ngắn, trung và dài hạn. Chính phủ đang khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012.

 

Thực hiện có kết quả lộ trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh và bảo đảm an toàn của cả hệ thống; thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm ngân hàng yếu kém, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

 

Thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo kênh huy động vốn dài hạn, bền vững cho nền kinh tế.

 

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; công khai, minh bạch kết quả kinh doanh, tình hình tài chính.

 

Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, chức năng giám sát của chủ sở hữu. Đổi mới phương thức quản lý, thực hiện có hiệu quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện tốt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

 

Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính đồng bộ và liên kết giữa các loại quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý phát triển theo quy hoạch của các ngành, địa phương, bảo đảm sự kết hợp giữa quy hoạch ngành với quy hoạch vùng. Rà soát, đánh giá thực trạng để có giải pháp khai thác và phát huy hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu.

 

Quan tâm chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, nâng cao hiệu quả chuyển dịch lao động gắn với tăng năng suất lao động xã hội.

 

Ba là, thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường.

 

Đáng chú ý, trong nội dung này, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, không gia hạn, bổ sung hoặc cấp mới giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc không đáp ứng các yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường.

 

Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí.

 

Năm là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

 

Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.