Những nụ cười của các nhà đầu tư ít đi nhiều so với đầu năm 2007

Những nụ cười của các nhà đầu tư ít đi nhiều so với đầu năm 2007

Chứng khoán 6 tháng đầu năm: Ngọt ngào lắm, đắng cay nhiều

6 tháng đầu năm 2007 có lẽ là giai đoạn nhiều thăng trầm nhất, lúc quá sôi động khi lại ảm đạm như chợ chiều, quả ngọt và trái đắng lẫn lộn...

Đỉnh và đáy!

Ngày 12/3, VN - Index lên đến đỉnh 1.170,67 điểm. Trước đó ngày 9/3 HASTC - Index cũng lập kỷ lục 454,81 điểm. Đó là những con số mà ngay cả những nhà đầu tư lạc quan và “liều lĩnh” nhất cũng ít dám nghĩ đến khi bắt đầu năm 2007.

Thời điểm này, cả nước như lên cơn sốt với chứng khoán nhưng nỗi lo “bong bóng” vỡ cũng ngập tràn. “Đổ vỡ” đã không xảy ra nhưng chỉ hơn một tháng sau, ngày 24/4, VN - Index chạm “đáy” 905,53 điểm còn HASTC - Index thì phiên cuối cùng của tháng 6/2007 chỉ còn 284,7 điểm.

Đáng chú ý là thị trường OTC ảm đạm rõ rệt từ tháng 4/2007 đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu  gượng dậy được và đa số các loại cổ phiếu OTC mất giá từ 20 - 50% so với đầu tháng 3/2007.

Tình hình trên đã đưa nhà đầu tư “lên mây” và cũng nhanh chóng đẩy họ sát đất. Tuy nhiên nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cho rằng:

“Đó là điều đáng mừng vì điều nguy hiểm nhất là bong bóng vỡ đã không xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đây cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý đều rút ra nhiều bài học mà tôi cho rằng lợi về lâu dài lớn hơn cái mất trước mắt”.

Cũng như ông Nam , TS Kinh tế Nguyễn Quang Hưng khẳng định: “Sau khi VN - Index hồi phục và dao động quanh mốc 1.000 - 1.100 điểm, tôi thấy thị trường chứng khoán Việt Nam   có dấu hiệu ổn định dần.

Các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn, bớt xem đây là canh bạc, thông tin cũng rõ ràng dần và quan trọng nhất là nhiều người đã biết sợ chứ không còn phổ  biến    tâm lý  được ăn cả ngã về không”.

Nhà đầu tư Vũ Khánh Huyền (sàn SSI TPHCM) thừa nhận: “Sau cú sốc tháng 4, tôi và bạn bè dần hiểu ra rằng thị trường chứng khoán cần nhiều thứ hơn là chỉ nhìn xem người ta mua bán gì để mình làm theo”.

 

Blue-chip không tăng và sự vươn lên của cổ phiếu ít tên tuổi

Sáu tháng đầu  năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chứng kiến không ít nghịch lý từ nhiều loại cổ phiếu. Ban đầu nhiều người đã ngạc nhiên với câu hỏi:

Tại sao BMC, TCT, SGH, LBM, HAX, SFI... ít tên tuổi, không hề nằm trong danh sách blue-chip lại tăng vùn vụt còn hàng loạt “đại gia” như FPT, GMD, SSI, ACB, SAM, VNM, REE, ITA... lại giảm hoặc đứng giá?

Cho đến nay có khá nhiều lý giải nhưng câu trả lời được chờ đợi nhất từ  Ủy  ban Chứng  khoán  Nhà  nước (UBCKNN) cho hiện tượng BMC và “anh em” thì đang chìm dần vào quên lãng.

Có thời, phát hành thêm cổ phiếu được xem là “nhất cử lưỡng tiện” giúp tổ chức phát hành vừa có nguồn vốn dồi dào vừa khỏi lo trả lãi ngân hàng.

Nhưng cho đến thời điểm này, nhà đầu tư dường như đã bội thực với cổ phiếu phát hành thêm vì quá nhiều  blue - chip đã và đang chuẩn bị tung ra với số lượng cực lớn như ACB thêm 143 triệu, FPT 30 triệu, STB gần 19 triệu, VNM hơn 8 triệu, REE 4,7 triệu, GMD 2,8 triệu cổ phiếu...

Lượng cổ phiếu mà nhiều nhà đầu tư đã từng mơ ước này lại rơi đúng vào thời điểm thị trường đang ế ẩm và doanh nghiệp thi nhau phát hành thêm, IPO.

Đây cũng là thời điểm khối lượng chứng khoán tăng mạnh nhất trong 7 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam   khiến Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải cân nhắc các đợt IPO sắp đến.

Nhưng bên cạnh ấy, “cơn lũ” cổ phiếu phát hành thêm cũng là liều thuốc thử khá chính xác tình hình và đem lại sự cân bằng hơn cho cung cầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là khi kết hợp với “toa thuốc” hạn chế cho vay chứng khoán từ Ngân hàng Nhà  nước.

Rõ ràng, tiền “nhàn rỗi” trong dân không đưa vào thị trường chứng khoán mạnh như có ý kiến tin tưởng vì ngoài lý do e ngại thị trường nóng lạnh bất thường thì lòng tin vào việc quản lý thị trường này cũng chưa lớn.

Vốn từ nước ngoài với con số hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD như nhiều dự báo lạc quan vẫn chưa thể giải ngân không chỉ vì hết room, chờ các đợt IPO mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn chờ thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định hơn không chỉ nhìn vào VN-Index hoặc HASTC- Index.

Nhiều người đã tỏ ra “sợ cành cong” sau những thăng trầm của thị trường chứng khoán vừa qua nhưng ngoài những bất cập, hạn chế đã hiện rõ thì nhiều biến động đã đem lại bài học hữu ích cho mọi thành viên tham gia thị trường chứng khoán.

Đó chính là cơ sở khiến đa số nhà đầu tư có thể hy vọng vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam vào giai đoạn cuối năm.

Nhưng điều ấy sẽ còn phụ thuộc nhiều vào tình hình các cơn bão IPO mới, và các vấn đề như nhà đầu tư mất nguồn vốn lớn từ vay, quản lý điều hành từ UBCKNN chưa theo kịp thị trường, thông tin vẫn còn nhiều điều chưa minh bạch, hiện tượng làm giá, lũng đoạn đang biến tướng tinh vi hơn... sẽ được giải quyết ra sao và theo hướng nào.