Chứng khoán “vạ lây” vì nhiên liệu

Sự “vạ lây” từ biến động giá xăng dầu tới thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng xảy ra, mà còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế

Một quan chức của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, giá xăng dầu sẽ lên tới mức nào là câu hỏi khó trong bối cảnh hiện nay. Mọi dự đoán giờ chỉ là dự đoán, bởi cách đây 1 năm, không ai nhận định giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Nhưng giá dầu đã đạt gần 120 USD/thùng, sắp tới, có thể còn lên đến 150 USD/thùng, thậm chí leo thang đến 200 USD/thùng cũng không phải là chuyện khó tưởng tượng.

Hiện tại, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không tăng giá xăng dầu từ nay cho đến hết tháng 6. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tạm ứng cấp bù lỗ theo kế hoạch hàng tháng cho doanh nghiệp nhập khẩu 95% số vốn cần để nhập khẩu thay vì cấp sau khi đã hạch toán số lỗ phát sinh. Bộ Tài chính cũng đang xem xét cấp tạm ứng cho các doanh nghiệp một khoản vào Quỹ bình ổn giá, đề phòng trường hợp giá xăng dầu vượt ngưỡng 120 USD/thùng thì các doanh nghiệp vẫn có nguồn để bình ổn.

Tuy nhiên, tạm bù lỗ chỉ là kế hoạch trong ngắn hạn, bởi nếu giá xăng dầu thế giới cứ tiếp tục tăng phi mã thì không nguồn ngân sách nào có thể chịu đựng nổi. Trong một thông điệp phát đi mới đây, Tập đoàn BP (Anh) nhận định, giá dầu thô trong thời gian tới có khả năng tiếp tục tăng cao, buộc các hãng kinh doanh xăng dầu thế giới và các nhà sản xuất tiêu thụ lớn nhiên liệu từ xăng dầu phải tính toán sử dụng các công cụ bảo hiểm giá xăng dầu để tiết giảm chi phí đầu vào.

Được biết, các phương án cho việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới cũng đã được cơ quan chức năng phác thảo. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì Nhà nước có thể sẽ quản lý và điều tiết xăng dầu. Tuy nhiên, chuyện này chỉ có thể xảy ra trong tình huống bất khả kháng, vì như vậy, mọi nỗ lực đưa thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường xem như “đổ xuống sông, xuống biển”.

Để bình ổn giá và đạt mục tiêu chống lạm phát, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kiềm chế giá xăng dầu là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến lo ngại về sự “tức nước vỡ bờ” từ việc kiềm chế giá xăng dầu. Sự gồng mình chịu giá của cả Nhà nước và doanh nghiệp đều có hạn. Đầu năm 2008, sau một thời gian dài cố gắng chịu đựng không tăng giá xăng dầu, Nhà nước đã phải điều chỉnh giá xăng tăng hơn 10%, giá dầu diesel tăng 30%, vượt qua dự đoán của nhiều người.

Một chuyên gia kinh tế cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng thì việc giá xăng trong nước phải điều chỉnh tăng thêm 1 USD/thùng là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, theo tính toán của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu giá dầu thô nhập khẩu bình quân năm lên tới 105 USD/thùng thì mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể cao hơn.

Giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu xăng dầu, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều doanh nghiệp khác.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, thời gian qua, thị trường chứng khoán đi xuống vì trước đó giá cả đã được đẩy lên cao và nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang gặp khó khăn, trong đó có sự leo thang của giá xăng dầu. Tuy nhiên, sự “vạ lây” từ biến động giá xăng dầu tới thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng xảy ra, mà còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế. Năm 2004 - 2005, dù giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhiều lần nhưng thị trường chứng khoán không hề suy giảm, thậm chí giá chứng khoán và giá xăng dầu có thời điểm còn đồng thuận theo hướng “nước lên thuyền lên”, do lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vẫn giữ được. Tuy nhiên, sang năm 2008, thị trường chứng khoán đã diễn biến theo hướng ngược lại, giá dầu lên thì giá chứng khoán xuống, bởi lạm phát tăng cao, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chưa vượt qua khó khăn thì khi cú sốc giá nhiên liệu xảy ra, thị trường chứng khoán khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.